Chủ Nhật, 09/02/2014, 09:27 (GMT+7)
.

Sức sống tiềm tàng của sân khấu cải lương Nam bộ

Sau đờn ca tài tử, sân khấu cải lương là hoạt động đặc trưng, không thể thiếu ở vùng đất Nam bộ, đặc biệt là vào dịp tết cổ truyền. Tuy nhiên, sân khấu cải lương ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một vì mất dần số đông khán giả.

Vừa qua, nhân kỷ niệm 96 năm sự ra đời của sân khấu cải lương, tỉnh Tiền Giang tổ chức chuỗi hoạt động xoay quanh chủ đề bảo tồn và phát triển sân khấu cải lương, nêu lên thực trang, sự mong mỏi và niềm vui hướng về một năm mới khởi sắc hơn đối với sân khấu cải lương truyền thống đất phương Nam.   

Sân khấu cải lương hút hồn khán giả phương Nam

Trên nền tảng nghệ thuật Đờn ca tài tử, ca ra bộ đã có trước đó, khi thể loại Tuồng - Hát Bội trở nên chậm chạp so với tốc độ “canh tân hóa” trong mọi mặt của đời sống xã hội vào đầu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì sân khấu Cải lương ra đời.

Theo đó, cải lương trở thành loại hình nghệ thuật mới, chuyển tiếp từ nền tảng nghệ thuật dân tộc và tiếp thu hình thức thể hiện của kịch cổ điển Pháp du nhập vào Việt Nam. Mục đích vừa để khẳng định giá trị nghệ thuật dân tộc trong lòng công chúng Việt, vừa để thích ứng với nhịp sống, hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc bấy giờ.

Thời điểm sân khấu cải lương chính thức ra đời được giới chuyên môn đánh dấu bằng cột mốc khai trương nhà hát cải lương đầu tiên của gánh hát Thầy Năm Tú. Nhà hát đặt tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Ảnh: Như Lam
"Tiền Giang - Cái nôi nghệ thuật cải lương". Ảnh: Như Lam

Từ khi ra đời cho đến hết thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990, sân khấu cải lương đã hút hồn khán giả phương Nam, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ ra cả nước. Ngay tại nhiều tỉnh, thành lớn phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình … đều có những đoàn cải lương chuyên nghiệp, diễn đêm nào cũng đông chật khán giả.

Ở phía Nam, cái nôi của sân khấu cải lương thì những vở diễn sau này trở thành kinh điển như: Lan và Điệp, Hoa Mộc Lan, Nghêu - Sò - Ốc - Hến, Tô Ánh Nguyệt, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, Tiếng hò sông Hậu… khán giả phải vất vả lắm mới săn được vé. Những người yêu cải lương thời ấy, cho đến tận bây giờ, dù đi đâu về đâu cũng đau đáu nhớ thời vàng son của sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương - ngôi sao của làng kịch nói Nam bộ vẫn nghẹn lòng nhớ câu vọng cổ của sân khấu cải lương mỗi khi xuân về: “Là con em của Mỹ Tho và có 4 đời phục vụ sân khấu cải lương, tôi rất hãnh diện, tự hào. Ở trong nước người ta có thể chưa cảm nhận hết giá trị của nó. Chỉ khi ra nước ngoài mới thấy hết được niềm hạnh phúc khi được nghe 1 câu vọng cổ”.

Sức sống của nghệ thuật cải lương luôn tiềm tàng

Qua thời vàng son, sân khấu cải lương hôm nay đang đứng trước nguy cơ mai một do mất dần khán giả. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh - kinh đô của sân khấu cải lương, các đoàn chuyên nghiệp nổi tiếng như Trần Hữu Trang 1, 2, 3 cũng ngày càng thưa dần ánh đèn.

Ở khu vực ĐBSCL, các đoàn cải lương chuyên nghiệp mất hướng đi riêng để tồn tại, phải kết hợp hoặc chuyển đổi thành các đoàn nghệ thuật tổng hợp. Họ xây dựng chương trình với nhiều loại hình biểu diễn khác nhau, phục vụ đa dạng nhu cầu của số đông khán giả, trong đó cải lương chỉ còn cắt thành các trích đoạn 1 màn, một cảnh. Những vở diễn trọn vẹn thường chỉ phục vụ sự kiện, miễn phí hoặc diễn do các đài truyền hình đặt hàng.

Mặc dù ở Nam bộ, các thế hệ truyền đời đều xuất hiện nhiều tài năng sân khấu cải lương và công chúng yêu thích loại hình này. Thể hiện rõ nhất là qua các cuộc thi, liên hoan được tổ chức hàng năm với những gương mặt mới, trẻ, ca hay, diễn giỏi và đam mê.

Tuy nhiên, trước nhịp sống hối hả, nhiều loại hình giải trí hiện đại tri phối thì việc bỏ tiền mua vé xem cải lương ngày càng xa lạ dần đối với người dân Nam bộ. Vì vậy, tại tọa đàm do tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức, các diễn giả là nhà nghiên cứu, nhà quản lý đều cho rằng: nếu không có những thay đổi căn bản và đầu tư đúng mức thì sân khấu cải lương dẫn đến thất truyền chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên -  Phó khoa Sau Đại học của trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Nghệ thuật sân khấu cải lương là tổng lực của 3 thành phần: người tổ chức, người sáng tác biểu diễn và công chúng. Kết hợp nhuần nhiễn 3 cái đó thì nghệ thuật sân khấu cải lương sẽ tồn tại, phát triển. Cái gốc của từ cải lương….là cách tân, sửa đổi để cho tốt hơn”.

Bằng chuỗi hoạt động kỷ niệm 96 năm hình thành và phát triển, tỉnh Tiền Giang cùng khu vực Nam bộ đang khởi động một chương trình quan tâm đặc biệt, tìm hướng đi bền vững để bảo tồn và phát huy bản sắc sân khấu dân tộc trong thời gian tới.

Bên thềm xuân mới, giới nghệ sĩ cải lương cảm nhận trước nhất về những chuyển biến tích cực này. Nghệ sĩ trẻ Lâm Ngọc Hoa của đoàn cải lương Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu - giải chuông bạc vọng cổ 2013 chia sẻ suy nghĩ: “Lãnh đạo của tỉnh Bạc Liêu và Sở văn hóa rất chăm lo và ưu ái cho đoàn. Không chỉ riêng tôi mà tất cả diễn viên của đoàn trong năm mới cảm thấy rất vui và hy vọng sẽ đạt được nhiều thành công”.

Giới làm nghề và người dân phương Nam thêm một lần khẳng định: sức sống của văn hóa Việt và nghệ thuật cải lương luôn tiềm tàng trong dòng sống của cộng đồng. Việc lưu giữ, phát huy giá trị của sân khấu cải lương là trách nhiệm chung của mọi thế hệ ngừơi dân phương Nam trong cộng đồng ấy.

(Theo vov.vn)

.
.
.