Thứ Tư, 26/03/2014, 12:21 (GMT+7)
.

Du lịch Tiền Giang: Nỗ lực giải bài toán hiệu quả

Không thể phủ nhận Tiền Giang luôn là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi đi tour về miền Tây sông nước. Lượng khách đến Tiền Giang trong các năm qua luôn tăng. Bên cạnh đó là việc mở rộng các cơ sở lưu trú mới, trong đó nổi bật là các cơ sở lưu trú tư nhân đã góp phần thu hút du khách.

Lượng khách trong năm 2013 gần 1,3 triệu lượt, tăng 9,31% so với năm 2012, trong đó khách quốc tế tăng 8,16%; doanh thu năm 2013 đạt 327 tỷ đồng, tăng 17,41% so với năm 2012. Đây là một tín hiệu khả quan cho những nỗ lực của ngành Du lịch tỉnh nhà trong thời gian qua.

Đờn ca tài tử tại Khu du lịch Thới Sơn.
Đờn ca tài tử tại Khu du lịch Thới Sơn.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích các chỉ số so sánh về doanh thu và lượng khách đến qua các năm, dễ dàng nhận thấy hiệu quả của việc khai thác nguồn thu của ngành chưa cao. Các chỉ tiêu doanh thu chưa tương xứng với tổng lượng khách đến, cũng như với tiềm năng du lịch của tỉnh. Lý do: Sản phẩm du lịch của tỉnh ta còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi của du khách; chưa hấp dẫn, giữ chân du khách để khách “phải xài tiền” nhằm tận dụng nguồn thu.

Ngoài ra, sự thất thế của du lịch Tiền Giang là tuy lượng khách đến nhiều, nhưng đa phần là từ các tour do các công ty lữ hành từ TP. Hồ Chí Minh điều phối, chúng ta chỉ hưởng “phần ngọn” và khách gần như không biết chi xài, mua sắm gì khi đến Tiền Giang, nên hiệu quả rất hạn chế và nguồn thu không bền vững. Đây là bài toán nan giải đặt ra trong nhiều năm qua và ngành Du lịch đang nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp.

Khai thác lợi thế về tiềm năng du lịch, để phát triển ngành “công nghiệp không khói” giờ không còn là vấn đề của riêng ngành Du lịch. Xã hội hóa dịch vụ du lịch là rất cần thiết và để thực hiện điều này cần đến những chủ trương thông thoáng hơn để thu hút đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, cùng những dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm.

Vấn đề này thời gian qua, ngành Du lịch Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiệu quả trong thu hút đầu tư chưa cao. Đặc biệt là phối hợp giữa các ngành cần chặt chẽ hơn nữa trong việc gắn kết các tour, tuyến với các khu di tích văn hóa, lịch sử vốn rất đa dạng, phong phú trên những vùng đất vốn mệnh danh là địa linh nhân kiệt của tỉnh. Điều này chúng ta đã biết, đã nói nhiều và đã triển khai từ những năm trước.

Cụ thể như đầu tư nhiều tỷ đồng cho Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với các hạng mục nhằm dẫn dụ và bảo tồn loài động vật quí hiếm với kỳ vọng Khu du lịch Đồng Tháp Mười sẽ gắn kết với Khu di tích Ấp Bắc, Đình Long Hưng…

Rồi kêu gọi đầu tư cho Khu du lịch biển Tân Thành với quy mô 80ha; xây dựng Khu du lịch Xẻo Mây với quy mô 7ha, kinh phí 15 tỷ đồng, với các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng nhằm giữ chân khách nghỉ đêm tại đây sau khi gắn kết tham quan Chợ nổi Cái Bè và các làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, còn có các dự án xây dựng khách sạn cao cấp, bờ kè dọc sông Tiền, xây dựng bến tàu du lịch, cải tạo môi trường thành phố do UBND TP. Mỹ Tho làm chủ đầu tư, hiện đang triển khai và kêu gọi đầu tư, nhưng việc thực hiện khai thác vẫn chưa thật sự  hiệu quả.

Hiện tại Thới Sơn vẫn là khu vực trung tâm của du lịch Tiền Giang, từ đó lan tỏa sang các khu vực khác như Cai Lậy có Ngũ Hiệp, Châu Thành có Vĩnh Kim, Cái Bè có Chợ nổi, nhà cổ và các làng nghề. Thời gian qua ngành cũng khảo sát xong việc mở rộng thêm tour, tuyến tham quan vườn sầu riêng Ngũ Hiệp, vườn vú sữa Vĩnh Kim, nghỉ tại nhà dân ở Vĩnh Kim kết hợp với tham quan chợ trái cây. Đặc biệt khai thác lại dịch vụ khách nghỉ ở nhà dân, nhằm lấy lại khách vốn chuộng hình thức “ Homestay”.

Tuy nhiên, sau “sự kiện” Hoàng Kiều cùng Tigitour đến nay Khu du lịch Thới Sơn vẫn chưa thể phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh vốn có, cũng như vị thế trung tâm của mình. Hiện Công ty CP Du lịch Tiền Giang đang triển khai xây khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng với quy mô 13,6ha và đang lập hồ sơ xây dựng các công trình được cấp phép đến năm 2015 như: Bờ kè sông, nhà lễ tân, sửa chữa xây lại các nhà đang dang dở. Sở VH-TT-DL cũng đang thực hiện khu đón tiếp đường bộ, đến nay đã giải phóng mặt bằng được 1,2ha/2,7ha.

Du lịch đò chèo ở Khu du lịch Thới Sơn.
Du lịch đò chèo ở Khu du lịch Thới Sơn.

Ở Khu du lịch biển Tân Thành, hiện Công ty CP Du lịch Tiền Giang đang đầu tư cải tạo nhà nghỉ, nhà hàng. Công ty TNHH Vạn Bình An cũng đã xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ đưa vào phục vụ từ năm 2012 và đang thi công các hạng mục bờ kè, khu cắm trại dã ngoại, vui chơi, giải trí du lịch biển với quy mô 11,7ha.

Khu du lịch huyện Cái Bè được đầu tư xây dựng khu resort Mekong lodge với quy mô 1ha, đã đưa vào phục vụ. Công ty Thương mại - Dịch vụ Cái Bè cũng xây dựng khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng (Mekong Riverside) với quy mô 6,5ha. Đầu tư xây dựng khu nghỉ mát, giải trí, kết hợp với tham quan Chợ nổi Cái Bè, các làng nghề truyền thống, nhà cổ, hình thành nên tour du lịch thu hút khách nghỉ đêm tại Cái Bè.

Mặt khác, để hoàn thiện các bước chuẩn bị để có thể khai thác hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo, ngành Du lịch cũng đang nghiên cứu lập đề án thực hiện chương trình dịch vụ đạt tiêu chuẩn ở các lĩnh vực: Ăn uống, phương tiện vận chuyển, các điểm mua sắm. Cải tạo tàu du lịch và đưa thương hiệu “hủ tiếu Mỹ Tho” vào khai thác phục vụ du khách.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư khai thác các tour, tuyến mới. Nhân rộng các tour du lịch chuyên đề, gắn kết nhà vườn với các khu di tích văn hóa, kết hợp lễ hội với nghỉ dưỡng, tạo nhiều nét đặc thù để kéo dài thời gian lưu trú của khách. Tiếp tục thực hiện sâu hơn việc hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ nhau trong việc quảng bá thương hiệu vùng, hạn chế việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch trùng lắp, tạo thế mạnh riêng cho từng địa phương.

Có thể nhận thấy, ngành Du lịch Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực, với những kế hoạch căn cơ, những giải pháp khá hoàn chỉnh để thực hiện chỉ tiêu phát triển. Tuy nhiên, những dữ liệu cần thiết để giải rốt ráo bài toán làm thế nào để có thể khai thác trực tiếp nguồn khách đến Tiền Giang không thông qua các công ty lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, cũng như việc thu hút đầu tư các hạ tầng du lịch từ đâu để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm níu chân, kéo dài thời gian lưu trú của du khách gần như chưa có. Và như thế lời giải cho bài toán hiệu quả của ngành vẫn còn ở phía trước.

SƠN PHẠM

.
.
.