Vận động nhân dân hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới
Cách đây 31 năm (ngày 15-3-1983 – 15-3-2014) Liên Hiệp Quốc đã chính thức tuyên bố ngày 15-3-1983 là “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới”. Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới bắt nguồn từ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ John Kennedy tại Thượng viện Mỹ vào ngày 15-3-1962, cổ vũ cho 8 quyền của người tiêu dùng, phản đối những bất công trong xã hội và lạm dụng trên thị trường làm hại đến người tiêu dùng.
Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng là liên hiệp của các tố chức người tiêu dùng trên thế giới, nhằm bảo vệ và cổ vũ cho các quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Hiện nay Quốc tế người tiêu dùng đã có 267 thành viên ở 123 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: Vân Anh |
Ngày nay, 8 quyền của người tiêu dùng đã được Liên Hiệp Quốc và nhiều nước công nhận, là cơ sở cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của Quốc tế người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng toàn thế giới.
Liên Hiệp Quốc quy định 8 quyền của người tiêu dùng gồm: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục và đào tạo về tiêu dùng; quyền có môi trường sống lành mạnh và bền vững; đồng thời quy định người tiêu dùng có 5 trách nhiệm gồm: Biết phê bình; biết hành động; quan tâm xã hội; hiểu biết về người tiêu dùng và có ý thức cộng đồng.
Hiện nay, ở Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 8 quyền và 2 nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Năm 2014 Tổ chức Người tiêu dùng thế giới đã đưa ra chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới là: “Quyền của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số”; đồng thời đưa ra khẩu hiệu “Khẳng định quyền điện thoại của chúng tôi”. Về chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2014 là vấn đề bức xúc, theo ước tính vào cuối năm 2013 trên thế giới có 6,8 tỉ người có sở hữu điện thoại di động.
Ở nước ta, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra chủ đề ngày 15-3-2014 là “Quyền được cung cấp thông tin chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số”. Điện thoại không chỉ tiện lợi, mà còn là công cụ ngày càng quan trọng giúp tạo nên sức mạnh cho công dân và người tiêu dùng.
Thiết nghĩ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp tỉnh Tiền Giang cần phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, các đoàn thể tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới và tiếp tục phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, động viên phong trào quần chúng hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới” năm 2014, góp phần bảo vệ an toàn quyền lợi cho nhân dân.
TRẦN BÌNH