Thứ Sáu, 14/03/2014, 12:23 (GMT+7)
.

Vui - buồn nhạc sống tại gia ở nông thôn

Không khó để tìm thấy những tấm bảng tự quảng cáo của các đội nhạc sống với đầy đủ tên họ hoặc biệt danh của những “bầu sô” chen lẩn trong vô số những biển, bảng quảng cáo của nhiều loại dịch vụ khác trong thời kinh tế thị trường trên dọc các tuyến đường chạy qua các khu dân cư ở nông thôn. Và ở bất kỳ thời điểm nào trong một ngày ngẫu nhiên ở một làng quê nào đó, ta nghe ồn ả rất gần hoặc văng vẳng tiếng nhạc xập xình lẫn với tiếng hát không chuyên phát ra từ các dàn nhạc sống.
 

NHÀ NHÀ CHƠI… NHẠC SỐNG

Ở xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây có một người tổ chức đám cúng mãn tang cho mẹ. Gia đình này trước đây thuộc diện cận nghèo, chỉ mới khấm khá vài năm nay nhưng chưa thật bền vững cho lắm. Bởi vậy tôi nghĩ chắc là chủ nhà sẽ chỉ làm năm ba mâm cỗ vừa chay vừa mặn đãi khách tiễn mẹ mình về cõi niết bàn và trả ơn xóm giềng đã giúp đỡ trong khi tang khó.

Lúc đầu đúng là như vậy, nhưng sau một hồi nhập tiệc, khi mà mặt đã hừng hừng, tôi thấy mấy anh em chủ nhà khều nhau tập trung ở gần bàn thờ bàn bạc một hồi, sau đó  chủ nhà móc điện thoại di động gọi đi đâu đó. Hơn mười phút sau, một chiếc xe ba bánh Trung Quốc chở đầy loa thùng, âm-li, đàn oóc-gan, bộ karaoke… chạy vào sân, chạy theo sau là hai thanh niên trên chiếc mô tô tay ga.

Mượn và giơ cao ly bia của khách, chủ nhà trịnh trọng tuyên bố: Để mừng mẹ siêu sinh và thể hiện “tình thương mến thương” với bà con xóm giềng, họ tộc gần xa, anh em chúng tôi quyết định “điều” dàn nhạc sống đến phục vụ để mọi người cùng ca hát cho vui! Sân khấu tự nhiên nhanh chóng được hình thành sau khi dời chỗ 2 bàn tiệc.

Hai thanh niên đi trên xe tay ga hồi nãy khẩn trương làm công việc lắp ráp, canh chỉnh dàn nhạc với sự giúp sức của tài xế xe ba bánh và vài thanh niên là khách nhưng có “nghề”. Chỉ chốc lát là nhạc trỗi lên với âm lượng được chỉnh ở mức độ cao nhất có thể. Một thanh niên vừa là nhạc công đàn oóc-gan vừa là kỹ thuật viên phụ trách toàn bộ dàn máy. Thanh niên còn lại tức thì làm công việc của một em-xi (MC) kiêm “ca sĩ”.

Sau  bài “mồi” của “ca sĩ - MC”, cuộc chơi sôi động tức thì. Các anh Năm, chị Bảy, cô Ba, em Hoa, thằng Tí… liên tục thay nhau cầm mic-rô hát. Với đầu karaoke 6 số hiện đại, yêu cầu bài nào cũng có, cho nên “ca sĩ” không cần thuộc ca từ, cứ theo chữ trên màn hình mà hát.

Sau mỗi bài hát là một tiếng “dzô” rôm rả, khí thế của cả đám. Khi đã ngà ngà, một hai người đơn lẻ rồi hai ba cặp chắc là vợ chồng ra nhảy múa theo điệu nhạc xập xình… Đám cúng mãn tang tưng bừng chẳng thua gì đám cưới và kéo dài.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Nghe nói bến phà Tân Long vừa được trang bị chiếc phà 100 từ trước tết âm lịch, tôi muốn đi thử, sẵn dịp trở lại huyện cù lao xem có “bắt” được nguồn cảm hứng nào không. Tình cờ gặp thằng bạn học thời phổ thông giờ thành đại gia tôm ở cồn Bà, đang đi chợ Phú Thạnh “mua thêm chút đồ” về ăn mừng trúng vụ, trùng dịp mừng đầy tháng thằng cháu nội đã “rủ rê”, thế là tôi theo.

Ở cái xã cù lao của huyện cù lao thuộc diện “bãi ngang, ven biển”, vùng sâu vùng xa này, tôi lại một phen “bội thực” nhạc sống, vì bên cạnh nhà thằng bạn tôi, một chủ đầm khác cũng đang tổ chức tiệc mừng trúng vụ. 2 dàn nhạc sống ở 2 nhà tranh nhau quyết liệt như thử xem ai “xịn” hơn, vì thế cả một vùng quê với vùng thửa ao đầm ầm ào những âm thanh  “chát - bùm - chát…”.

Chiều qua, bỗng dưng ở một quán cà phê đầu xóm, âm thanh dàn nhạc nổi lên cùng với tiếng thử máy “một, hai, ba…A lô! A lô!” và sau đó là… hát suốt đến nửa đêm. Hỏi ra, nhà chủ quán không có đám tiệc gì và cũng không đứng ra tổ chức “đêm ca nhạc” này.

Tất cả do 2 bác cháu cùng là người trong xóm, đã say xỉn sau khi đi đám tiệc đâu đó ghé vào uống nước giải nhiệt rồi nổi hứng gọi dàn nhạc “di động” và kêu mấy chiến hữu tới “hát một bữa
cho đã”.

Lại nữa, cách nay vài tháng, trong đám tang  “chị” Nguyễn Văn M… ở cuối ấp, đám bạn đồng phái cũng tổ chức hẳn một “sô” nhạc sống tưởng niệm với toàn “ca sĩ pê-đê” và rặt những bài hát mang nội dung than thân trách phận.

Phong trào nhạc sống tại gia ở nông thôn không biết khởi phát từ đâu và từ lúc nào, nhưng hiện nay nó thành “mốt”, nở rộ khắp nơi. Hỏi thăm người quen ở tỉnh khác, huyện khác, xã khác thì được biết ở đâu cũng vậy.

Từng có kết luận về tập quán nhậu được rút ra: “Vui nhậu. Buồn nhậu. Không vui, không buồn cũng nhậu”. Mà nhậu rồi thì phải hát, do đó một kết luận mới có thể được rút ra là: “Vui hát. Buồn hát. Không vui, không buồn cũng hát”. Thực tế ở nông thôn hiện nay, cứ 10 nhà tổ chức đám tiệc gì đó, thậm chí đó chỉ là 1 tiệc nhậu “cốc, ổi” với vài ba “chiến hữu”, thì ít nhất 8 nhà có chơi nhạc sống với quy mô khác nhau.
 
“BẦU SÔ” DÀN NHẠC SỐNG TẠI GIA - NGHỀ MỚI Ở NÔNG THÔN

Không biết ngành Văn hóa có tiến hành điều tra, thống kê trên địa bàn tỉnh ta có bao nhiêu dàn nhạc sống và bao nhiêu người đích thực là “bầu sô” hay chưa, nhưng bằng cảm quan, người viết bài này cho rằng con số là không phải nhỏ. Bình quân mỗi xã có ít nhất không dưới 4 - 5 dàn nhạc sống với quy mô và chất lượng khác nhau.

“Bầu sô” nhạc sống hầu hết là những người trẻ, tuổi dưới 40. Những người có khả năng tài chính thì đầu tư trọn gói, nếu không thì hai ba người góp vốn lập “công ty”. Có dàn hoạt động độc lập, có dàn liên kết với dịch vụ nấu ăn hoặc dịch vụ cho thuê nhà rạp, bàn ghế, nhưng hầu hết “bầu sô” đều “kiêm nhiệm”. Có người là nông dân, chủ đầm tôm, chủ hiệu tạp hóa, chủ xe đò và có cả công chức, giáo viên…

Chất lượng dàn nhạc thể hiện ở giá trị vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhạc công có tay nghề và “ca sĩ” xịn... Cho nên, có những dàn nhạc có giá trị đến hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có những dàn chừng vài chục triệu đồng; thậm chí có những dàn y như dàn nhạc “kẹo kéo” có thể chở hết trên 1 chiếc mô tô. Giá cho thuê cũng dựa trên cơ sở chất lượng của dàn nhạc, dao động từ 80.000 đồng cho đến 300.000 đồng/giờ.

Các “bầu sô” cũng cạnh tranh nhau quyết liệt bằng rất nhiều chiêu trò, mà trước hết là chất lượng dàn nhạc. Tất nhiên, những đám tiệc hoành tráng của các đại gia thì chẳng ai lại đi thuê những dàn nhạc “kẹo kéo”. Nhưng các dàn nhạc sống “kẹo kéo” cũng có lợi thế cơ động, gọn nhẹ, nhanh, phục vụ “tới bến”, vì vậy rất được các khách hàng ở các tiệc nhậu “cốc ổi” cuối tuần hoặc “hứng bất tử” thường xuyên mời gọi phục vụ.

“Bầu sô” dàn nhạc sống tại gia ít nhiều đã trở thành một cái nghề. Nhiều “bầu sô” cho biết: “Vui, làm ăn cũng được!”. Ngoài ra, họ còn tạo thêm việc làm cho những người khác như tài xế xe vận chuyển, kỹ thuật viên và cả các “ca sĩ”.

VÀ SỰ THÁI QUÁ

Có thể gọi là “trào lưu nhạc sống tại gia” và trào lưu đó đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa ở khắp các vùng nông thôn chứ không còn là một hiện tượng, bởi nó được sự hưởng ứng và ưa chuộng của rất nhiều người ở khắp các vùng nông thôn. Điều đó minh chứng rằng, đời sống tinh thần của nông dân ở nông thôn đã được nâng lên rõ rệt, là điều đáng mừng. Tuy nhiên, theo lẽ thường, cái gì tốt nhưng khi bị lạm dụng, thái quá thì cũng phát sinh tiêu cực.

Thực tế, có nhiều bữa tiệc, nhạc sống tại gia quá đà cả về cường độ âm thanh, cả về thời gian làm huyên náo cả khu dân cư, gây phiền hà, ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt thường ngày của người dân hoặc công việc của những ngành đặc thù như trường học, trạm xá, cơ quan công quyền…

Đã là “chuyện thường ngày ở xóm” của nhiều người, cứ hễ hứng lên là họ rủ nhau góp tiền kêu dàn nhạc sống, mua rượu, mua mồi để vừa nhậu vừa hát. Và khi “ma men” đã nhập thì họ bất kể đạo lý, pháp luật: Hát như gào. Cải biên nội dung ca từ với lời lẽ tục tĩu, bậy bạ. Hát không kể giờ giấc, rồi phát sinh chửi bới, đánh nhau náo loạn vì giành hát…

Nhiều thôn xóm phải chịu đựng mà không biết kêu ai, ở đâu vì “thảm họa âm nhạc” này. Những người già, người đang bệnh tật, trẻ em… thật sự đau khổ vì phải chịu sự “tra tấn” bởi những âm thanh đinh tai nhức óc phát ra từ các dàn nhạc sống, nhất là vào các thời điểm nhạy cảm như đêm khuya, giữa trưa… Khổ vậy, nhưng chẳng ai dám nói gì vì sợ mất lòng hàng xóm. Ngược lại, có người trong số là tác nhân của sự khổ này lại đưa ra cái lý rất kinh tế thị trường rằng: “Có tiền, người ta muốn làm gì người ta làm” hay “Hát ở nhà người ta, mắc mớ gì ai” (!?).

AI QUẢN CHUYỆN NÀY?

Hệ lụy buồn của trào lưu nhạc sống tại gia ở nông thôn đương nhiên là chính quyền cơ sở, nhưng nhiều nơi đành “giả đò làm ngơ”. Lý do đưa ra là: Nhà nước chỉ có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc cấp phép kinh doanh hát karaoke, trong đó quy định rất nghiêm ngặt về thời gian hoạt động, kích cỡ phòng, hệ thống cách âm…; còn đối với dàn nhạc sống thì chưa có quy định nào cả nên không biết xử lý thế nào.

Trong khi chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc quản lý thì người dân, kể cả người cho thuê và người thuê vô tư tổ chức hoạt động nhạc sống ở mọi nơi, mọi lúc, mọi trường hợp. Trước đây, hễ trong xóm có đám tiệc thì cầm chắc đêm đó khó ngủ, mà tiệc thì cũng ít thôi. Bây giờ không chỉ có thế, nhạc sống có thể trỗi lên bất cứ lúc nào trong ngày mà không cần có lý do.

Nhạc sống tại gia là một loại hình văn hóa và hưởng thụ văn hóa nhạc sống tại gia là một nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng của người dân ở nông thôn. Tuy nhiên, để hạn chế sự thái quá, mà cụ thể là giờ giấc, cường độ âm thanh và những tiêu cực khác có thể phát sinh như nhậu say gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự xã hội thì thiết nghĩ ngành Văn hóa cần thực hiện các giải pháp quản lý về mặt Nhà nước đối với hoạt động này một cách cụ thể và có hiệu quả.

Song song đó, đối với chính quyền cấp xã, đặc biệt là ban chủ nhiệm các ấp văn hóa cần tổ chức họp dân, bàn thống nhất và đưa vào quy ước, hương ước quy định về hoạt động nhạc sống tại gia. Làm được điều này thì chắc chắn phong trào nhạc sống tại gia sẽ đi vào nền nếp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và gắn kết hơn nữa tình làng nghĩa xóm trong quá trình đi lên xây dựng nông thôn mới.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.