Báo động về tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp-nguyên nhân và giải pháp
Theo các cơ quan chức năng, gần đây đối tượng thanh thiếu niên (TTN) phạm tội trên địa bàn tỉnh ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, là hồi chuông cảnh báo bậc làm cha mẹ trong việc quản lý con cái; đồng thời đánh động các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên.
Nỗi lo TTN vi phạm pháp luật
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Tiền Giang, trong 2 năm 2012 và 2013 toàn tỉnh xảy ra 308 vụ TTN vi phạm pháp luật với 416 đối tượng thực hiện các hành vi giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, đánh nhau… Một cán bộ điều tra chia sẻ: Đối với những vụ phạm pháp hình sự do TTN gây ra trong thời gian qua, chúng tôi rất xót xa vì có một số bị can tuy còn rất trẻ, nhưng lại có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng.
Lứa tuổi thanh thiếu niên cần có những hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh. |
Kết quả điều tra cho thấy, TTN sa vào con đường phạm pháp do thiếu hiểu biết, thiếu sự quản lý, quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, hiếu thắng hay bốc đồng vì những lý do lãng xẹt…
Cụ thể, vào ngày 21-2-2014, Công an TP. Mỹ Tho đã bắt Nguyễn Hữu Phúc Thịnh (SN 1999, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho) để điều tra về hành vi giết người. Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 20-2, Thịnh mượn xe máy của anh Nguyễn Thanh Nhã để đi cùng Võ Tấn Lợi, đến đoạn đường Học Lạc (phường 3) thì gặp nhóm 4 thanh niên: Đỗ Minh Nhứt, Phạm Văn Tấn, Lê Minh Nam và Lê Thanh Tùng (cùng ngụ TP. Mỹ Tho).
Do có mâu thuẫn với anh Nhã trước đó, nên khi thấy xe Thịnh đang chạy, nhóm thanh niên tưởng nhầm là Nhã đã chặn đánh. Thịnh và Lợi rồ ga bỏ chạy được một đoạn thì chẳng may xe ngã, đã bị nhóm thanh niên đánh hội đồng. Trong lúc hỗn chiến, Thịnh đã rút con dao giấu sẵn trong người đâm thủng tim Nhứt rồi bỏ chạy. Nhứt đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện.
Theo Thạc sĩ Trần Thanh Nguyên, giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và phối hợp đồng bộ để quản lý, giáo dục TTN, học sinh, sinh viên, tạo môi trường để các em có điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh nhằm hạn chế các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, hình thành tội phạm. Đặc biệt, nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên; gia đình cần tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con cái, giám sát chặt chẽ các hoạt động hàng ngày để kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động tiêu cực dẫn đến hành vi phạm pháp… |
Một vụ việc khác xảy ra cách đây chưa đầy 1 tháng (cũng trên địa bàn TP. Mỹ Tho) đã làm dư luận bàng hoàng về mức độ hung hãn của nhóm TTN sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản người khác.
Nhóm này gồm: Lê Trung Nghĩa, Võ Huỳnh Nhân, Phan Thanh Long, cùng SN 1995; Phạm Võ Trung Hiếu (SN 1997); Trần Thanh Thuận (SN 1990, có 1 tiền án); Võ Tuấn Vũ, Nguyễn Trọng Khang, Nguyễn Tấn Cường, cùng SN 1993 và Phan Thanh Giang (SN 1982) cùng ngụ TP. Mỹ Tho và Lữ Ngọc Bảo Minh (SN 1988, ngụ xã Long Định, huyện Châu Thành).
Theo lời khai tại cơ quan CSĐT, nhóm thanh thiếu niên này vừa đi chém 3 người theo lệnh của “đại ca” nhưng bất thành. Trên đường về, bực tức, cả nhóm không chỉ dùng súng tự chế bắn, rượt đuổi 2 thanh niên đang đi trên đường và rút hàng tự chế (mã tấu) chém tan nát phương tiện của nạn nhân.
Đến rạng sáng ngày 18-3, cơ quan CSĐT Công an TP. Mỹ Tho đã bắt khẩn cấp 10 đối tượng, thu giữ 3 súng tự chế, mã tấu, chĩa, dao và một số hung khí khác.
Một nguyên nhân khác dẫn đến phạm tội ở TTN còn do không có tiền tiêu xài đã nảy sinh trộm cắp, cướp giật tài sản.Cụ thể, ngày 6-3-2014, tại tổ 4 (khu phố 3, phường 6), Công an TP. Mỹ Tho tổ chức họp dân công khai quyết định xử phạt hành chính Lê Kim Sang (16 tuổi), do Sang đã cùng Huỳnh Ngọc Định, Lục Lê Vĩnh Tân và Lê Minh Lộc tham gia cướp tài sản của tài xế taxi Mai Linh vào đêm 24-2 (Báo Ấp Bắc đã đưa tin). Đặc biệt nghiêm trọng là vụ vị thành niên giết người cướp tài sản xảy ra trên địa bàn xã Bình Đông, TX. Gò Công vào ngày 28-12-2012, hung thủ là Phạm Hoàng Mỹ chỉ mới 14 tuổi.
Nguyên nhân thủ ác của hung thủ này là do không có tiền mua quà tặng bạn gái. Theo cơ quan CSĐT, vào lúc 8 giờ ngày 28-12, Mỹ sang nhà bà Hữu (cách nhà Mỹ khoảng 300m) để thực hiện ý định giết người cướp tài sản. Số vàng, tiền cướp được, hung thủ mua điện thoại và đồng hồ để tặng bạn gái học cùng trường.
Giải pháp nào để phòng ngừa tình trạng TTN phạm pháp?
Theo phân tích, TTN phạm pháp do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là từ phía gia đình. Phân tích tội phạm học cho thấy, 71% TTN vi phạm pháp luật là do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình; trong đó phần lớn sinh ra trong những gia đình không hoàn thiện về hôn nhân như ba mẹ bỏ nhau, ly thân hoặc ngoại tình.
Cụ thể, trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra vào ngày 21-7-2012 ở ấp Tân Thuận A (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), hung thủ Nguyễn Văn Hiếu (17 tuổi) đã dùng cây đánh chết người chị cùng mẹ khác cha để lấy tiền chơi game. Tại phiên tòa xét xử ngày 12-3-2013, bị cáo lí nhí thừa nhận đã ra tay giết người chị đang đùm bọc mình (bán quán cà phê để nuôi Hiếu) vì bị la rầy lười biếng lao động và hay xin tiền chơi game. Bản án 18 năm tù đã để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng người mẹ của nạn nhân và bị cáo.
Ông Trần Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Nguyên nhân chính của hầu hết các vụ việc TTN phạm tội là do sự quản lý lỏng lẻo của gia đình. Đáng lo ngại là tâm lý, thái độ của một số TTN phạm tội khi bị xét xử đã không tỏ vẻ ăn năn hối cãi, sợ sệt mà tỏ ra bình thản.
Điều này cũng đặt ra vấn đề về mức phạt đối với tội phạm là người chưa thành niên hiện nay còn quá nhẹ nên hầu như chưa đủ sức răn đe tội phạm”. Như vụ giết ông ngoại, cướp tài sản để chơi game xảy ra ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây vào năm 2010, Hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt bị cáo 15 năm tù về tội “giết người” và 3 năm tù tội “cướp tài sản”.
Còn Thạc sĩ tâm lý Trần Thanh Nguyên (Trường Đại học Tiền Giang) cho biết: Về khách quan, TTN dễ phạm tội vì có không ít gia đình ít quan tâm đến con cái, thậm chí giao phó cho người giúp việc hoặc ông bà.
Mặt khác, những hoạt động vui chơi lành mạnh cho giới trẻ còn thiếu nên các em dễ sa vào các trò chơi bạo lực (game online), phim ảnh có nội dung xấu và việc giáo dục còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu các lớp dạy kỹ năng sống cho học sinh, cho giới trẻ.
Về chủ quan, lứa tuổi TTN muốn tự thể hiện, tự khẳng định mình bằng nhiều hình thức tích cực lẫn tiêu cực, trong khi nhiều bậc cha mẹ lại quá nuông chiều con cái, không dạy dỗ nghiêm khắc hoặc cung cấp nhiều tiền mà không dạy trẻ cách sử dụng hoặc kiếm tiền nên trẻ phát sinh hành vi trộm cắp…
Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay có nhiều trò chơi, phim ảnh không lành mạnh nên các em dễ bắt chước hành động sau khi xem.
Theo Thượng tá Đinh Văn Thảnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - CA Tiền Giang, để hạn chế tình trạng TTN phạm tội, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm đến tận cơ sở, gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội.
Song song đó, nhà trường, các đoàn thể và gia đình quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, pháp luật, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng.
Trong năm 2014, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện địa bàn trong sạch; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức, xây dựng địa bàn xã (phường, thị trấn) không có trẻ em vi phạm pháp luật…
PHÙNG LONG