Thứ Tư, 23/04/2014, 08:52 (GMT+7)
.

Được mùa mất giá: Bài toán chưa có lời giải

Ở vùng chuyên canh rau Lâm Đồng vụ đông xuân năm nay xảy ra một nghịch cảnh cà chua thu hoạch làm thức ăn cho bò, thậm chí bò ăn không hết, nhà vườn phải vứt bỏ; Hay bắp cải trôi lềnh phềnh trên một số con sông ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp do giá quá rẻ, không có người thu mua nên bà con phải đổ xuống sông.

Gần đây nhất, dưa hấu của nông dân ở Quảng Ngãi đến kỳ thu hoạch giá chỉ còn 1.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không mua. Nhiều ruộng dưa chín không bán được bị thối rữa nông dân đành lòng phá bỏ cho trâu bò ăn.

Nông dân ở xã Tịnh Trà, Quảng Ngãi bỏ dưa hấu cho bò ăn (Ảnh: VnExpress)
Nông dân ở xã Tịnh Trà, Quảng Ngãi bỏ dưa hấu cho bò ăn. Ảnh: VnExpress
Câu chuyện được mùa nhưng mất giá tái diễn nhiều năm nay. Câu hỏi đặt ra ở đây vì sao bài toán ấy mãi vẫn chưa có lời giải. Người nông dân không biết trông cậy vào đâu trước những diễn biến bất lợi từ thị trường nông sản. Phóng viên  trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

PV: Là đại diện của Hội Nông dân, tổ chức bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân, cũng là người rất gắn bó với đời sống của nông dân, nông thôn, cảm giác của ông ra sao khi chứng kiến những câu chuyện này?

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng: Các cấp Hội Nông dân chúng tôi hết sức chia sẻ với bà con nông dân. Tình cảnh này diễn ra nhiều năm nay, không thể trách được bà con nông dân vì bà con chỉ biết canh tác theo truyền thống, trồng cây gì, nuôi còn gì đều cùng nhau làm, không biết tìm đầu ra ở đâu.

Tôi cho rằng, để tình trạng này tái diễn có một phần trách nhiệm của các cấp, ngành, họ chưa thực sự lo cho người nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp, hợp tác xã đáng ra phải đóng vai trò dẫn dắt, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân để không tái diễn tình cảnh “cuốn theo chiều giá”.

PV: Theo ông, phải giải thích thế nào trước thực trạng đáng buồn đã diễn ra nhiều năm này?

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân. Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng chất lượng của hàng nông sản Việt Nam thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường.

Bên cạnh đó, năng lực tìm kiếm thị trường của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp còn yếu; dự báo thông tin giá cả thiếu chính xác, đặc biệt doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh mà bỏ quên người nông dân, người trực tiếp làm ra sản phẩm. Vì vậy vấn đề ở đây là phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

PV: Ngành nông nghiệp luôn cho rằng việc nông dân không bán được sản phẩm của mình là do họ không tuân theo quy hoạch, dẫn đến cung vượt quá cầu. Nói như vậy có công bằng đối với người nông dân không thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng: Theo tôi là chưa công bằng và nhận định trên cũng chưa thật đúng bởi lâu nay, nông dân ở vùng nào trồng cây gì đều theo quy hoạch của địa phương. Trên cơ sở quy hoạch đất đai của địa phương, ngành Nông nghiệp lập quy hoạch trồng loại cây gì, diện tích bao nhiêu, nông dân cứ thế thực hiện.

Thực tiễn chúng ta chưa tìm được những giải pháp giúp cho người nông dân vì vậy đòi hỏi ngành nông nghiệp phải sát thực tiễn lắng nghe ý kiến của dân để tư vấn, hướng dẫn cho dân. Ngành nông nghiệp phải xây dựng được quy hoạch diện tích cây trồng phù hợp, tham mưu cho chính quyền và cấp ủy Đảng để hướng dẫn nông dân, giúp nông dân tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất.

PV: Sau những vụ việc xảy ra trong thời gian qua, dường như người nông dân đang phải tự bươn chải tìm đầu ra cho nông sản của họ chứ không thấy vai trò của các ban ngành địa phương?

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng: Nhận xét ấy có phần đúng bởi tình trạng ấy diễn ra trong nhiều năm, rõ ràng các cơ quan chức năng tham mưu chưa đề xuất được cơ chế, chính sách, giải pháp để giúp người nông dân, trong khi không làm nông nghiệp, người nông dân chẳng biết làm gì. Mà nếu làm nông nghiệp như thế thì họ biết sống thế nào?

Tôi muốn nhấn mạnh tới phương thức sản xuất, liên kết chặt chẽ 4 nhà, giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông… Nhà doanh nghiệp trong chuỗi liên kết này, mắt xích giữa doanh nghiệp và nông dân cực kỳ quan trọng. Phải xác định hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho thích hợp để tăng giá trị. Nông sản Việt phải có thương hiệu xuất khẩu ra thị trường thế giới mới kéo thu nhập của người nông dân tăng lên.

PV: Từ những câu chuyện được mùa rớt giá, theo ông phải rút ra kinh nghiệm gì?

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng: Công tác quy hoạch là vô cùng cần thiết, phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng tỉnh, từng huyện mà xây dựng quy hoạch; phải xác định quy hoạch là công việc được chú trọng hàng đầu.

Mỗi vùng phải có quy hoạch riêng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xác định rõ người nông dân trồng cây gì; khâu chế biến, tiêu thụ được tổ chức ra sao. Đặc biệt, người nông dân phải được tham gia vào quy hoạch này. Đây cũng là kinh nghiệm ở những địa phương đã tổ chức thực hiện tốt, có sự đồng lòng của người dân rất dễ thành công.

Bên cạnh đó, sau khi quy hoạch được phê duyệt, khâu tổ chức thực hiện phải đúng với những giải pháp đặt ra, ví như quy hoạch vùng nguyên liệu đồng nhất, chất lượng cao, an toàn; xác định giống, công nghệ, khâu chế biến nông sản…

(Theo vov.vn)

.
.
.