Thứ Tư, 16/04/2014, 14:10 (GMT+7)
.

Nông dân cần hợp tác trong sản xuất nông nghiệp

Trong sản xuất nông nghiệp (NN), nông dân (ND) cần hợp tác (HT) để tiết kiệm chi phí, để gia tăng giá trị nông sản và cuối cùng là để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong thời gian qua, kinh tế hộ (KTH) đã có đóng góp to lớn vào nền kinh tế của nước ta nhưng KTH ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất NN. Một vài ví dụ sau đây chứng tỏ rằng hình thành các tổ hợp tác (THT) hay hợp tác xã (HTX) của ND là việc làm cần thiết, góp phần cho KTH phát triển.

Thứ nhất, trong sản xuất NN, chắc hẳn người ND cần mua vật tư NN như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị… Chắc chắn rằng từng ND vẫn có thể đến các đại lý hoặc cửa hàng gần nhà để mua. Tuy nhiên, với việc mua 1 vài bao phân NPK, nửa chai thuốc trừ sâu… thì sẽ khó tránh khỏi trường hợp vì mua lẻ nên mua với giá cao, không biết chất lượng nguyên liệu thế nào vì không còn nguyên bao bì.

Vậy thì, thay vì mỗi hộ phải tự đi mua vật tư NN, không có hợp đồng mua bán bảo đảm chất lượng và chi phí vận chuyển cao thì ND cần liên kết và thành lập THT. Đại diện THT sẽ tập hợp nhu cầu và tìm nguồn cung cấp có uy tín, ký hợp đồng mua số lượng lớn với giá bán sỉ và giảm chi phí vận chuyển.

Sau đó họ cùng phân phối lại cho từng hộ để mỗi hộ chủ động sử dụng trên đồng ruộng của mình. Giảm chi phí đầu vào là một trong những cách tăng thu nhập của ND.

Mô hình Hợp tác xã sản xuất rau an toàn.
Mô hình Hợp tác xã sản xuất rau an toàn.

Thứ hai, với quy mô canh tác nhỏ lẻ mỗi hộ vài công đất hay vài ha và khả năng đầu tư hạn hẹp thì từng hộ ND khó có thể tự mua sắm và sử dụng hiệu quả các loại máy móc hiện đại để phục vụ trong NN như: Máy sạ hàng, máy gặt đập tổng hợp, hệ thống sấy lúa…

Giả dụ mỗi hộ có đủ khả năng đầu tư thì cũng không nên trang bị các loại máy móc này vì sẽ không sử dụng hết công suất của chúng, trừ phi các hộ này mua để làm dịch vụ kinh doanh; nếu một vài hộ ND có cùng nhu cầu hùn vốn mua chung chiếc máy gặt đập tổng hợp thì sẽ phát huy hiệu quả.

Họ là người đồng sở hữu chiếc máy và họ sẽ dùng chiếc máy trước hết và chủ yếu trên thửa ruộng của mình. Như vậy, mục đích tối thượng của HT là để thoả mãn nhu cầu của chính thành viên trong tổ, sau đó thì mới nghĩ đến việc làm dịch vụ cho ND khác để kiếm thêm lợi nhuận.

Thứ ba, ngày càng có nhiều công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng vật nuôi. Từng ND khó có thể tiếp cận các nhà khoa học, các trại thực nghiệm, các trung tâm nghiên cứu, cán bộ khuyến nông để tìm hiểu và học hỏi những kiến thức kỹ thuật sản xuất mới.

Vì thế, cần thành lập một nhóm, một tổ ND có cùng sở thích để dễ dàng mời cán bộ kỹ thuật đến tư vấn cho nhóm người này. Vì từng ND với quy mô canh tác nhỏ lẻ thì khó thuê cán bộ đến thường xuyên với mình vì chi phí sản xuất sẽ cao, hiệu quả kinh tế thấp. Nhất là trong tình hình hiện nay việc sản xuất theo VietGAP, chứng nhận VietGAP đang là nhu cầu cần thiết, vì thế ND cần HT để dễ thực hiện được việc này hơn.

Thứ tư, ngày nay một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng quan tâm đến việc an toàn thực phẩm. Họ muốn mua thực phẩm có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và có thể truy tìm nguồn gốc. Nếu ND mong muốn nông sản của mình vượt qua khỏi phạm vi của chợ quê, đến các siêu thị trong những thành phố lớn, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài thì ND cần thay đổi nếp nghĩ và thói quen canh tác.

Tâm lý của người tiểu nông, sản xuất tự phát và dựa vào kinh nghiệm… không còn phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Với quy mô nhỏ lẻ, manh mún và sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân nên sản phẩm của ND làm ra vừa ít về số lượng, vừa không đồng nhất về chất lượng và màu sắc… thì làm sao có thể đăng ký thương hiệu, làm sao đăng ký chứng nhận Global GAP hay VietGAP để tiêu thụ với giá cao?

Để làm được điều này, ND rất cần hợp tác. Các thành viên THT bàn bạc và thống nhất về giống, quy trình canh tác, thời điểm gieo trồng… thì khi thu hoạch họ sẽ có lượng nông sản hàng hóa nhiều về số lượng, an toàn và đồng nhất về chất lượng.

Lúc này THT sẽ có năng lực đàm phán tiêu thụ sản phẩm ổn định với các công ty quốc doanh, công ty hay thương lái. Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sẽ quy định rõ: Số lượng, chất lượng, quy cách, thời điểm giao hàng, giá cả và điều kiện thanh toán.

Việc kế tiếp là THT cần bàn bạc và thống nhất kế hoạch tổ chức sản xuất. Sau đó mỗi thành viên trong tổ sẽ tự chủ canh tác thửa ruộng của mình theo quy trình kỹ thuật nhất định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều, đúng lúc… bảo đảm an toàn cho người sản xuất, người sử dụng và bảo vệ môi trường cho chính gia đình, hàng xóm của họ và cả con cháu họ sau này. Điều này có nghĩa ND “BÁN” (ký hợp đồng) trước khi “SẢN XUẤT”.

Dĩ nhiên, một ND sản xuất trên quy mô trang trại lớn thì có thể tự mình tìm đối tác và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Nhưng đa số ND Việt Nam sản xuất với quy mô nhỏ, cần cù, chăm chỉ và sản xuất giỏi nhưng thiếu khả năng đàm phán, thương lượng kinh doanh.

Chính vì vậy, ND cần HT để sản xuất, cùng xây dựng và nuôi dưỡng thương hiệu cho nông sản của mình. Đây là sức mạnh của HT. Sự HT sẽ làm được những điều mà từng cá thể đơn lẻ khó có thể làm được.

Thứ năm, ND hợp tác cũng là mong muốn của những doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu nông sản. Việc ký hợp đồng với từng ND với lượng hàng hóa ít ỏi sẽ tạo ra chi phí rất lớn. Thay vào đó các DN mong muốn ký một hợp đồng với THT thì họ sẽ giảm đầu mối, giảm chi phí ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng. Cho nên, để việc sản xuất của ND gắn chặt chẽ với thị trường để làm giàu cho ND, nông thôn thì việc liên kết và HT là vấn đề bức xúc và cần thực hiện nhất hiện nay.

Tóm lại, phần lớn ND, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không thể hoặc không đủ khả năng tham gia cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường đầy biến động. Chính vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển được, ND chúng ta cần liên kết với nhau thành lập THT (HTX) trên những nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng, tự chủ và cùng có lợi.

Điều cốt yếu của HT ngày nay không phải là đưa ruộng đất và tư liệu sản xuất riêng thành tài sản chung mà mỗi ND vẫn làm chủ mảnh vườn, thửa ruộng và tư liệu sản xuất của mình. THT và HTX phát triển dựa trên quyền tự chủ của các nông hộ và vì mục đích tiếp sức cho kinh tế hộ phát triển.

KS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG

.
.
.