Cần xây dựng hệ thống giáo dục đa dạng
TS Lê Viết Khuyến. |
Quá trình phát triển của đất nước đòi hỏi phải có nguồn lực. Đối với Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế nên nguồn lực con người đương nhiên sẽ đóng vai trò quyết định.
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam, cho rằng so với các nước láng giềng Việt Nam có lợi thế đông dân.
Tuy nhiên, nếu không được qua đào tạo thì dân đông sẽ là gánh nặng về dân số, còn nếu qua đào tạo chu đáo thì sẽ trở thành nguồn nhân lực lành nghề tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn quốc gia.
Cá nhân ông đánh giá thế nào về quy mô, chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ở nước ta hiện nay khi nhiều người cho rằng hiện đang có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đào tạo “thầy” và thợ”?
TS Lê Viết Khuyến: Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học không hướng trực tiếp tới mục đích phát triển dân trí. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, quy mô đào tạo đại học ở nhiều nước đang không ngừng gia tăng và ở một số thời điểm, có sự gia tăng đột biến.
Theo phân loại được thừa nhận hiện nay, một quốc gia nếu có tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18-22 được tiếp thu giáo dục sau trung học đạt dưới 15% thì nền giáo dục của quốc gia đó được xem đang ở giai đoạn tinh hoa, giai đoạn hướng chủ yếu vào việc đào tạo các học giả và một số chuyên gia; trong khoảng 15-50%, giáo dục đại học chuyển qua giai đoạn đại chúng; vượt quá 50% là giai đoạn phổ cập không chỉ đào tạo các học giả mà còn có cả một đội ngũ rất hùng hậu gồm các chuyên gia, nhà công nghệ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật cao.
Theo báo cáo giáo dục của WB 2012 thì tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 95% (2010), Pháp là 57% (2010), Australia là 80% (2010), Hàn Quốc là 103 % (2010), Thái Lan là 48% (2011). Trong khi đó, Việt Nam mặc dù đã rất cố gắng, thậm chí phải đổi giá về chất lượng, hãy còn dừng lại ở con số rất khiêm tốn là 24 % (2011), nằm dưới mức trung bình của thế giới là 30%.
Thế nhưng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ĐH-CĐ đang đặt ra ngày càng bức thiết, thậm chí có ý kiến đề nghị cần siết lại, giảm quy mô đào tạo?
TS Lê Viết Khuyến: Dưới cách hiểu của các nhà quản lý, không thể định ra một chuẩn mực chất lượng duy nhất cho tất cả các cơ sở đại học và cao đẳng.
Trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ đến năm 2010 của Việt Nam có các loại hình trường khác nhau như đại học quốc gia, đại học khu vực, trường đại học trọng điểm, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường đại học mở và trường cao đẳng cộng đồng.
Mỗi loại trường có một sứ mệnh khác nhau và do đó, có những chuẩn mực chất lượng khác nhau nên không thể lấy áp đặt các chuẩn mực chất lượng của các đại học quốc gia hay của các trường đại học trọng điểm cho các trường đại học địa phương, trường đại học mở, trường cao đẳng và cao đẳng cộng đồng để rồi cho rằng đó là những loại trường kém chất lượng, không “xứng đáng” được đứng trong hàng ngũ đại học.
Đây là quan điểm của nhiều nước trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của mình.
Vậy còn vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghề được các nước khác giải quyết thế nào, thưa ông?
TS Lê Viết Khuyến: Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, để cùng với giáo dục đại học truyền thống, hình thành nên nền giáo dục sau trung học (Post-secondary Education) hoặc giáo dục bậc ba (Tertiary Education).
Kinh nghiệm thế giới cho thấy muốn đẩy mạnh kinh tế của một quốc gia không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý... mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các nhà công nghệ; nói khác đi là còn cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Bởi vậy, trong khu vực giáo dục đại học nếu chỉ chú ý phát triển phân hệ giáo dục hàn lâm hay học thuật (Academic/University Education) chú trọng cung cấp kiến thức lý luận cho người học như ở Việt Nam hiện nay thì chưa đủ, nhất là khi đã triển khai các công nghệ cao.
Một đặc điểm hết sức quan trọng của giáo dục sau trung học tại các quốc gia "Con rồng Châu Á" là bên cạnh phân hệ giáo dục học thuật (không trùng hoàn toàn với phân hệ giáo dục đại học nghiên cứu như ở Việt Nam vẫn gọi) còn có phân hệ giáo dục công nghệ (Technological Education), cho phép các trường công nghệ nhấn mạnh kỹ năng thực hành và khía cạnh huấn luyện của giáo dục công nghệ, và cũng cho phép các trường uyển chuyển hơn trong vấn đề thiết kế nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhân lực một cách nhanh chóng hơn.
Hai phân hệ này sẽ rất khác biệt về cấu trúc nội dung chương trình đào tạo cũng như về tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chi phí đào tạo... Nhờ có được cả 2 loại nhân lực ở trình độ đại học như vậy nên các nước này đã rút ngắn được tiến trình công nghiệp hoá của mình, lẽ ra phải diễn ra trong hàng thế kỷ, song trên thực tế chỉ cần vài ba thập kỷ.
Trong khi đó ở Việt Nam những cố gắng của cả cấp vĩ mô cũng như ở cấp vi mô lại vẫn hướng dẫn các trường chủ yếu đi theo hướng thứ nhất.
Chúng ta nên làm gì để có thể khắc phục được những hạn chế này?
TS Lê Viết Khuyến: Kinh nghiệm thế giới cho thấy càng đi sâu vào tiến trình công nghiệp hóa thì cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề sẽ càng đa dạng hơn; và để đáp ứng được sự đa dạng đó, hệ thống giáo dục của quốc gia bắt buộc phải phân luồng mạnh. Có hai hướng phân luồng chính: Phân luồng học sinh bắt đầu từ sau trung học phổ thông (thường diễn ra ở các nước phát triển) và phân luồng học sinh từ sau trung học cơ sở (diễn ra ở các nước đang phát triển).
Đối với Việt Nam, định hướng phân luồng từ sau trung học cơ sở của hệ thống giáo dục đã thể hiện ngày càng rõ song thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược.
Ví dụ, theo thống kê giáo dục năm 2010-2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động. Chính tỷ lệ nhập học THPT cao như vậy đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên ĐH-CĐ.
Do vậy, tôi cho rằng hiện nay cũng như trong thời gian tới, cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề).
Giáo dục phải đi trước một bước để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó, thúc đẩy kinh tế phát triển (kể cả tạo điều kiện thuận lợi để gọi vốn đầu tư). Nhờ vậy ngân sách Nhà nước mới tăng kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục…
Vừa qua Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập Việt Nam đã trình lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bản kiến nghị tái cấu trúc hệ thống giáo dục cho các thập niên đầu thế kỷ 21.
Nét cơ bản của sơ đồ là việc thực hiện triệt để phân luồng học sinh sau THCS theo hai hướng: 50% theo hướng THPT và 30% theo hướng trung học nghề. Có chính sách ưu đãi học sinh đi vào hướng trung học nghề. Khi vào khu vực giáo dục đại học, hai hướng trên sẽ phát triển thành hai hướng tiếp nối song song với nhau: Hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng-thực hành, bảo đảm tỷ lệ sinh viên giữa hai hướng này là 20:80.
Ngoài ra còn một số kiến nghị cụ thể trước mắt như: Nhà nước chỉ đạo tập trung ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, bộ, ngành; tổ chức xây dựng hệ thống trường trung học nghề (thông qua các giải pháp:
Đổi tên và chức năng trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng thực hành hoặc trường trung học nghề, hợp nhất một bộ phân trường THPT với các trung tâm dạy nghề địa phương thành trường trung học nghề...); quy hoạch lại các trường đại học theo hai hướng: Hướng nghiên cứu và hướng nghề nghiệp-ứng dụng; xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập chất lượng giáo dục...
(Theo chinhphu.vn)