Thứ Hai, 30/06/2014, 12:45 (GMT+7)
.

Chung tay bảo vệ môi trường

Ngày nay, kinh tế - xã hội (KT-XH) có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây. Đời sống nhân dân được nâng lên, nhiều người vượt khó, thoát nghèo trở nên giàu có. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong những thành quả nổi bật về KT-XH thì vấn đề môi trường sống bị ô nhiễm đang trở thành nỗi lo lắng, ưu tư trong các cấp, các ngành, cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Ô nhiễm môi trường không còn là chuyện xa lạ và đang diễn ra chung quanh, ngay trong nhà, ngoài ngõ, trên khắp các nẻo đường và dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là rác thải, khói bụi, tiếng ồn, rồi nạn xâm hại của lục bình trên các tuyến kinh rạch, sông ngòi, xác súc vật chết, ô nhiễm nguồn nước thải do hoạt động sản xuất - chế biến nông - thủy sản của c

Đoạn kinh mương lộ cặp theo đường Nguyễn Văn Hiếu (nối liền TX. Cai Lậy với xã Thanh Hòa) lục bình bị chết dày đặc và đang phân hủy do phun thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm môi trường (ảnh chụp ngày 23-5).
Đoạn kinh mương lộ cặp theo đường Nguyễn Văn Hiếu (nối liền TX. Cai Lậy với xã Thanh Hòa) lục bình bị chết dày đặc và đang phân hủy do phun thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm môi trường (ảnh chụp ngày 23-5).

ác doanh nghiệp trong các khu - cụm công nghiệp... Hình thức và nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng hết sức đa dạng, muôn hình vạn trạng. Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng xâm hại các công trình thủy lợi, lấn chiếm sông rạch, lấn chiếm dòng chảy để cất nhà cửa và công trình xây dựng trái phép cũng góp phần tăng thêm ô nhiễm.

Có dịp đi trên các nẻo đường thành thị cũng như miền quê, đâu đâu cũng gặp rác thải, không ít thì nhiều; nhất là tình trạng vứt chai lọ, bao nylon và các tác nhân gây ô nhiễm bừa bãi trên đường, sông ngòi, kinh rạch...

Nếu có dịp đi trên đường tỉnh 868 đoạn từ thị xã Cai Lậy về hướng Long Khánh, Long Trung... người ta sẽ thấy con mương lộ cặp theo tuyến đường này ngày trước rộng và sâu, nước trong xanh, ngọt ngào biết mấy thì nay nhiều đoạn đã bị lấp, bị cạn, trên lòng con mương lộ rác thải lềnh khênh và đủ loại mà nhiều nhất là chai lọ, túi nylon.

Rồi lục bình xâm lấn gây tắc nghẽn kinh rạch, chiếm toàn bộ dòng chảy là trường hợp ở kinh mương lộ Giồng Tre qua địa bàn các xã Cẩm Sơn, Bình Phú, Long Khánh hay kinh Nguyễn Văn Tiếp qua các xã: Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc của huyện Cai Lậy...

Có dịp lên cầu đúc Cai Lậy nhìn xuống dòng Ba Rày - một chi lưu lớn của sông Tiền sẽ thấy thời gian gần đây dòng sông chở toàn lục bình, rác rưởi, túi nylon và trăm thứ ô nhiễm khác. Thấy mà đau xót.

Vì sao có tình trạng như trên? Có nhiều nguyên nhân, nhưng người viết bài này cho rằng một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức của con người bởi thói quen sống, nhận thức chưa đủ và đúng về bảo vệ môi trường.

Ví dụ như thói quen xả rác chẳng hạn. Nhiều người tiện tay cứ bạ đâu vứt rác thải ở đó. Có khi vứt ngay bên nhà hoặc trong khu vườn - nơi sinh sống bao đời nay của mình. Có dịp qua lại trên một tuyến đường nông thôn ven thị xã Cai Lậy, người viết bài này thường đi ngang ngôi nhà khang trang trong một khu vườn rất đẹp, cho thấy đời sống chủ nhân khá sung túc.

Tuy nhiên, đập vào mắt người đi đường là bên hông nhà có một con mương bị bồi lắng bởi hàng ngàn bao nylon cùng rác thải sinh hoạt. Mỗi năm có dịp đi qua ngôi nhà đó, thấy đống rác không hề vơi mà ngày càng nhiều thêm.

Hay như việc xử lý lục bình không cho phát triển xâm lấn các công trình kinh mương thủy lợi. Từ khi triển khai chủ trương xây dựng mạng lưới đê bao ngăn lũ bảo vệ sản xuất thì kinh mương trong các khu đê bao hầu như không còn dùng để chuyên chở, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện giao thông thủy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lục bình, cỏ rác xâm lấn.

Hàng năm, không được dọn hoặc xử lý nên cỏ rác và lục bình xâm lấn đến tốc độ chóng mặt. Nhiều nơi, người ta dùng thuốc diệt cỏ phun xịt. Đơn cử như kinh mương lộ cặp theo tuyến đường Nguyễn Văn Hiếu (nối TX. Cai Lậy với xã Thanh Hòa), bà con dùng thuốc diệt cỏ phun xịt, lục bình chết hàng loạt. Thời điểm trùng với con nước kém 25-4 âl, nước trên kinh rạch cạn kiệt cộng với lục bình chết phân hủy, cả một đoạn kinh dài nước đen ngòm bốc mùi rất khó chịu.

Lục bình, cỏ rác chết gây ô nhiễm nặng nguồn nước, chưa kể ô nhiễm vì thuốc bảo vệ thực vật. Cá tôm chết, nguồn thủy sản cạn kiệt; nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân quanh vùng... Tại sao hàng năm chúng ta không tổ chức dọn lục bình, cỏ rác và lấy nguồn nguyên liệu quý này để ủ phân xanh bón cho cây trồng, vừa “nhất cử lưỡng tiện” mà môi trường sống ngày một trong lành?

Nói điều đó để thấy rằng việc chung sức bảo vệ môi trường sống, khắc phục, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ngay từ đầu là hết sức cấp bách, đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò của báo chí và mạng lưới thông tin đại chúng trong nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người, mọi nhà về nguy cơ, ảnh hưởng và sự cần thiết phải chung tay bảo vệ môi trường sống.

Thông tin phải dài hơi, thực hiện liên tục và dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, từ đó giúp mọi người thay đổi hành vi, tập quán, tiến tới chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường sống, khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Có như thế mới hy vọng trong thời gian tới có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng như hiện nay. Hãy chung tay để môi trường sống mãi thêm “xanh, sạch, đẹp”. Hy vọng thông điệp trên nhận được sự phản hồi và hưởng ứng tích cực của cộng đồng.

MỘNG TUYẾT

.
.
.