Thứ Hai, 09/06/2014, 10:14 (GMT+7)
.

Giải pháp nào cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của nước ta trong năm nay ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là tình hình xuất khẩu trong tháng 5 giảm 17% so với tháng 4 do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu và đầu tư cho chế biến sản phẩm chưa tốt.

Hoạt động xuất khẩu nông thủy sản đang đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc như công tác quy hoạch vùng nguyên nhiên liệu cho sản xuất, tỷ lệ chế biến sâu chưa đạt yêu cầu, giá trị gia tăng (GTGT) trong sản phẩm xuất khẩu chưa như mong muốn.

Trong khi đó năng lực tài chính của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu còn yếu, áp lực cạnh tranh cao đối với các nước cùng xuất khẩu các mặt hàng này cũng là yếu tố hạn chế xuất khẩu của nước ta.

Nguồn nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu chỉ đạt từ 70-75% nhu cầu hệ thống các nhà máy chế biến (Ảnh: KT)
Nguồn nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu chỉ đạt từ 70-75% nhu cầu hệ thống các nhà máy chế biến. Ảnh: KT

Đơn cử như thị trường gạo thế giới đang bị áp lực cung vượt cầu và cạnh tranh quyết liệt. Bên cạnh lượng cung của các nước mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo như Myanmar, Campuchia, việc doanh nghiệp Thái Lan bán hàng tồn kho trong các chương trình tạm trữ trước tiếp tục tạo áp lực lớn cho gạo Việt Nam trong thị trường gạo thế giới.

Việc áp dụng đồng loạt thuế xuất khẩu 1% đối với các sản phẩm cao su cũng khiến xuất khẩu cao su gặp khó. Việt nam đã có tiêu chuẩn chất lượng quốc gia đối với cao su xuất khẩu nhưng chưa có quy định bắt buộc, chế tài đi kèm nên chất lượng cao su xuất khẩu chưa ổn định và đồng đều. Còn ở thị trường trong nước, chi phí đầu vào sản xuất như điện, nước vận tải đều tăng.

Theo ông Nguyễn Hồng Lê, Phó tổng giám đốc Công ty CP thuỷ sản An Phú, cần chủ động trg sản xuất thức ăn chăn nuôi mới tránh được những tác động của thị trg thức ăn chăn nuôi của nước ngoài tới giá thành sản phẩm thủy sản.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc chi phối khoảng 35% trên toàn bộ thức ăn cả nước, trong khi đó, 85% chất lượng cá tra là phụ thuộc vào thức ăn. Một số doanh nghiệp có nhà máy chế biến thức ăn riêng thì chất lượng tốt, còn một số nông dân, nhà máy không có có nhà máy thức ăn riêng thì không kiểm soát được chất lượng thức ăn đầu vào.

Tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp trong nước vay với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất thức ăn cho cá tra riêng để đảm bảo cho vùng nuôi của doanh nghiệp, đảm bảo cho chất lượng của cá tra trong tương lai”.

Nguồn nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu chỉ đạt từ 70-75% nhu cầu hệ thống các nhà máy chế biến, tương ứng 60-65% công suất của các nhà máy chế biến, ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản xuất và cung ứng sản phẩm cho các thị trường.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn cho cải tiến và đóng mới tàu, các phương tiện đánh bắt và chi phí khai thác thủy hải sản còn ở mức cao, trong bối cảnh nhu cầu thị trường thấp, dẫn tới giá xuất khẩu thấp.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chủ động thông tin thị trường để đưa ra mức giá cạnh tranh khi xuất khẩu là điều cần thiết.

“VASEP có đề nghị một số đề án như đề án tập trung thành một đầu mối xuất khẩu sản phẩm cá phi lê đông lạnh tại thị trường châu Âu qua hình thức sàn đấu giá. Chúng ta tổ chức đấu giá được sản phẩm cá phi lê trên thị trường quốc tế thì lập tức thị trường là người quyết định giá, chứ không phải chúng ta. Việc điều chỉnh lượng cung sao cho cân bằng cung - cầu sẽ giúp tạo ra cơ sở tốt hơn cho giá sản phẩm thủy sản của nước ta”, ông Dũng nhận định.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản hiện chiếm tỷ trọng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản tham gia chương trình xúc tiến thương mại còn ít.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần có sự phối hợp của doanh nghiệp và các bộ ngành trong chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nông sản có tiếng trên thị trường quốc tế mới mang lại hiệu quả xuất khẩu cao.

“Chúng tôi cho rằng, cho dù hỗ trợ của Nhà nước lớn đến đâu thì sự chủ động của doanh nghiệp phải được xây dựng thành những chương trình mang tính dài hạn, một chiến lược tiếp cận thị trường. Doanh nhiệp phải xây dựng được đề án, xây dựng được thương hiệu của mình gắn với việc tiếp cận thị trường.

Từ đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững tại thị trường cho cả sản phẩm của doanh nghiệp cũng như cho toàn bộ nền kinh tế của chúng ta. Thời gian tới, việc tìm cách xây dựng mô hình liên kết giữa các bộ ngành quản lý của Nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại là 1 nội dung trọng tâm ưu tiên.”

Theo các chuyên gia kinh tế, thứ nhất, cần xác định được lợi thế so sánh của Việt Nam, chọn ra 1 số mặt hàng mang tính chất chiến lược để đầu tư đồng bộ, để có chuỗi ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có GTGT cao.

Thứ hai, cần đẩy mạnh khâu chế biến sau sản xuất, sau thu hoạch để xuất khẩu nông sản tăng mạnh về chất lượng chứ không phải số lượng như hiện nay.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp cho biết: “Cần có những giải pháp hỗ trợ ngay lập tức và quyết liệt cho ngành nông nghiệp, ví dụ như khâu chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng tín dụng và hỗ trợ trực tiếp, đặc biệt cho những ngành hiện nay đang khó khăn như chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, và tìm cách liên kết người nông dân với chuỗi toàn cầu.”.

(Theo vov.vn)

.
.
.