Bài 2: Ma túy không từ bỏ ai
“Có hàng trăm lý do để người ta tìm đến ma túy. Khi đã vướng vào chất chết trắng thì người ta viện dẫn ra đủ hoàn cảnh để bào chữa cho hành vi của mình”. Đó là nhận định của ông Trần Văn Dễ, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh khi nói về nguyên nhân đẩy ngày càng nhiều người vào vòng xoáy ma túy.
THIẾU HIỂU BIẾT VỀ TÁC HẠI CỦA MA TÚY
Dù đã bước qua tuổi ngũ tuần, có sui gia và cháu con đề huề, ông H.V.T. nhà ở phường 2, TP. Mỹ Tho lại sa vào tệ nạn ma túy và bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh.
Theo ông T., 3 tháng sau khi vô trung tâm ông mới thấy hành vi của mình là sai. Thời gian đầu còn bị lệ thuộc vào ma túy, đầu óc không còn tỉnh táo… Đến khi được điều trị cắt đứt sự lệ thuộc vào ma túy ông mới bừng tỉnh về hành động không đúng của bản thân trước đây.
Ông T. chia sẻ: “Tuổi về già, khả năng sinh lý của nam giới bắt đầu giảm, bạn bè trong xóm chia sẻ bí quyết “giữ lửa” gia đình bằng cách dùng hàng đá (ma túy tổng hợp). Mấy người bạn này của tôi cho biết họ hạnh phúc với vợ nhờ nó, sử dụng hàng đá chỉ vui vẻ thôi chứ không có hại gì. Thế là tôi thử và thấy có tác dụng rõ rệt. Từ đó tôi yên tâm dùng, thế rồi bị lún sâu lúc nào không hay.
Tác dụng mong muốn ban đầu không còn nữa, mà ngược lại tâm tính tôi thay đổi. Tôi không thèm làm ăn gì cả mà lúc nào cũng chăm chăm việc đòi vợ, con đưa tiền để thỏa mãn cơn đói thuốc. Khi đã tỉnh ngộ mới thấy mình già mà còn dại. Nhóm bạn lôi kéo tôi vào vòng xoáy ma túy lại chính là những kẻ buôn bán chất chết trắng mà tôi không hề hay biết”.
15 TUỔI ĐÃ NGHIỆN
Đó là em N. đang học lớp 9, ngụ xã Bình Đức, huyện Châu Thành vừa được gia đình đưa vào Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh xin cai nghiện ma túy tự nguyện.
Được biết, gia đình N. thuộc diện khó khăn, cha mẹ em tất bật với việc mưu sinh nên ít có thời gian gần gũi, quan tâm nhiều đến con cái. N. lớn lên phổng phao, xinh xắn nên sớm có bạn trai và đã bị bạn trai dụ dỗ sử dụng ma túy tổng hợp.
Cha mẹ N. cho biết, N. cứ đòi ra khỏi nhà lúc 11 - 12 giờ trưa và lúc nửa đêm. Gia đình không cho đi ra ngoài thì N. đập phá đồ đạc và trở nên dữ tợn. Khi cho đi ra ngoài, khoảng 1 - 2 giờ sau N. trở về tươi tỉnh. Thấy biểu hiện của N. lạ nên gia đình theo dõi và phát hiện em sử dụng ma túy.
Theo chị Huỳnh Thị Phượng Liên, Phó Trưởng phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh, N. đã nghiện hàng đá ở mức độ nặng. Hiện trung tâm đang thực hiện liệu pháp cắt cơn cho N. Thời gian cai nghiện, phục hồi của N. theo hợp đồng với gia đình em là 6 tháng, tuy nhiên thời gian này có thể kéo dài hơn, tùy theo mức độ phục hồi.
THỬ THÀNH NGHIỆN
Trong số những học viên của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh, ngoài những đối tượng là người có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy thì cũng có những người là đối tượng trí thức. X.V. là một trong số những học viên có trình độ cao, đang bị cai nghiện ma túy bắt buộc. X.V. cho biết đã nghiện ma túy cách nay 10 năm.
Lúc đó X.V. đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Xa gia đình, lên TP. Hồ Chí Minh trọ học, X.V. tìm đến ở trọ tại quận 8, vì khu vực này giá cho thuê phòng trọ rẻ. Điều không thể ngờ được là khu vực này là một trong những trung tâm hoạt động của những người buôn bán ma túy. Do có khả năng tự kiếm tiền sớm bằng nghề sửa điện thoại di động, X.V. bắt đầu thử ma túy để trải nghiệm và trở thành con nghiện ngay khi còn ngồi ở giảng đường đại học.
Vì kiếm được nhiều tiền từ nghề làm thêm, X.V. có tiền sử dụng ma túy mà không bị gia đình phát hiện. Mãi đến khi tốt nghiệp xong đại học, việc sử dụng ma túy của X.V. mới bị gia đình phát hiện. Cha mẹ động viên, khuyên nhủ và X.V. tự cai nghiện thành công tại nhà. Tuy nhiên, khi đi làm việc và kiếm được nhiều tiền, X.V. đã quay trở lại con đường nghiện ngập.
Bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy, X.V. bị địa phương buộc phải chấp hành quyết định cai nghiện ma túy tập trung. Khi bị tai nạn giao thông, X.V. rời khỏi địa phương, lẫn trốn ở tỉnh Bình Phước gần 4 năm với công việc quản lý đồn điền cao su. X.V. chẳng những không thể từ bỏ mà còn lún sâu vào ma túy. Biết không thể trốn lệnh vĩnh viễn nên X.V. đã trở về tỉnh chấp hành lệnh cai nghiện.
X.V. chia sẻ: “Sau hơn 5 tháng vào trung tâm, em đã tăng 16 kg thể trọng. Lúc mới vô, trông em “thân tàn ma dại”. Bây giờ nghĩ lại cảm thấy hối tiếc. Phải chi thời gian có thể quay trở lại. Em đã rất cố gắng học. Em đã tốt nghiệp cùng lúc 2 chuyên ngành của Trường Đại học Bách khoa và tốt nghiệp thêm trung cấp bưu điện.
Em có thể kiếm tiền chân chính bằng sức lao động của mình ở mức trung bình 20 triệu đồng mỗi tháng. Vậy mà ma túy không chỉ làm hại bản thân em, còn liên lụy đến ba mẹ. Ba em là giáo viên dạy giỏi có tiếng trong huyện Cai Lậy. Em đã làm ba xấu hổ trước đồng nghiệp và học trò”.
Thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy, tâm lý tò mò thích khám phá cái mới, không làm chủ được bản thân trước cám dỗ, bị bạn bè xấu lôi kéo… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến ngày càng nhiều người lâm vào tệ nạn ma túy. Khi họ bừng tỉnh thì tất cả đã muộn màng, kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng mà việc từ bỏ chất chết trắng đó không phải là chuyện dễ dàng.
THỦY HÀ
Bài cuối: Lối về ngõ hẹp