Thứ Hai, 30/06/2014, 12:15 (GMT+7)
.

Ma túy và những hệ lụy: Lối về ngõ hẹp

Phần lớn người nghiện ma túy đều không có một kết cục tốt đẹp trong cuộc sống. Mất việc làm, gia đình đổ vỡ, sa vào tệ nạn xã hội và nhiễm HIV… là điểm đến sớm hay muộn của hầu hết những người tìm vui bằng ma túy. Làm thế nào để người nghiện ma túy không tái nghiện và hòa nhập tốt vào cộng đồng là điều đang được quan tâm.

MẤT CẢ TƯƠNG LAI

Không chỉ những người thiếu hiểu biết, vô công rỗi nghề mới sa vào tệ nạn ma túy. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện một số người có học hành đàng hoàng và đang giữ địa vị khá cao trong xã hội cũng sa vào tệ nạn này.

Chẳng hạn trường hợp 1 vị thẩm phán ở Tòa án TP. Mỹ Tho bị bắt quả tang khi đang “đập đá” cùng một cô gái trẻ trong khách sạn vào ngày 8-6-2013. Kết quả là vị thẩm phán này đã bị phạt hành chính và bị đình chỉ công tác sau 15 năm nỗ lực.

Giáo viên Trường  Cao đẳng Nghề dạy nghề  sửa chữa  xe gắn máy cho học viên của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục,  lao động xã hội tỉnh.
Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề dạy nghề sửa chữa xe gắn máy cho học viên của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh.

Thực trạng tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy hiện nay trong cả nước và trên địa bàn tỉnh cho thấy từ nghiện ma túy đi đến phạm pháp là con đường không xa. Để có tiền mua ma túy sử dụng, nhiều người nghiện đã trở thành tội phạm buôn bán ma túy hoặc tội phạm cướp giật, trộm cắp và sa vào vòng lao lý.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh, cơ quan công an đã phát hiện 34 vụ, bắt 47 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Những đối tượng này đã bị truy tố trách nhiệm hình sự trước tòa. Điều đáng nói là phần lớn trong số những đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đều là người nghiện ma túy.

Ma túy không chỉ làm cho công danh sự nghiệp của người sử dụng nó tan thành mây khói mà còn khiến nhiều người đi đến kết cục bi thảm là tàn phế, thậm chí tử vong thê thảm. Người sử dụng ma túy tổng hợp thường bị ảo giác nặng nề. Trong lúc say thuốc, nhiều người đã tự làm tổn thương mình và thậm chí gây nên tội ác dã man.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, người nghiện ma túy tổng hợp đang ngày càng gia tăng. Hầu hết người sử dụng ma túy tổng hợp đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có những trường hợp có hành vi tự tử, đe dọa giết người, gây mất trật tự xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là do hoang tưởng. Được biết, những tổn thương thực thể trên não bộ của người sử dụng ma túy tổng hợp là không thể phục hồi sau cai nghiện.

Cái chết thương tâm của 1 nam thanh niên vào tháng 9-2013 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là hồi chuông báo động cho xã hội. T.T.B. ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho đã nhảy từ lầu 3 của bệnh viện xuống, vướng vào ô văng của căn-tin bệnh viện và tử vong tại chỗ.

Kết quả giám định pháp y cho biết, nạn nhân là người nghiện ma túy tổng hợp, tử vong do đa chấn thương và vỡ hộp sọ. Người thân nạn nhân cho biết, trước đó B. đã dùng kéo tự đâm vào cổ và dùng miểng chai tự cứa vào tay, được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau đó được bệnh viện chuyển lên tuyến trên điều trị.

Khi xe chuyển viện đi được một đoạn, bất ngờ B. mở cửa xe định nhảy xuống đường. Vì vậy xe cứu thương phải đưa B. quay ngược trở về khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, B. tiếp tục lấy cây kéo tự đâm vào vết thương cũ ở cổ rồi chạy lên lầu bệnh viện nhảy xuống.

Hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ điều trị cắt cơn đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Theo bà Lê Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh, trên 60% học viên của trung tâm là người nghiện ma túy tổng hợp.

Trung tâm đang gặp khó khăn rất lớn trong việc điều trị cắt cơn cho nhóm đối tượng này, vì phương pháp điều trị chỉ dựa vào kinh nghiệm của cán bộ y tế, trong khi liệu pháp sử dụng thuốc thay thế methadone chỉ đáp ứng trên đối tượng sử dụng heroin và ma túy có nguồn gốc tự nhiên.

Thêm một “cận cảnh” nữa của người nghiện ma túy chính là mắc các chứng bệnh lây truyền qua đường máu, trong đó có HIV/AIDS. Bác sĩ Trần Thị Thủy Hà, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tiêm chích ma túy là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến nhiễm HIV sau quan hệ tình dục không an toàn.

Hiện tại, trên 25% bệnh nhân nhiễm HIV đang được trung tâm này theo dõi điều trị là người có tiền sử tiêm chích ma túy.

Những người nghiện ma túy bị nhiễm HIV sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong sớm hơn so với các nhóm đối tượng khác. Nguyên nhân là những người này có thể trạng yếu, cơ thể suy kiệt.

TÁI NGHIỆN TRIỀN MIÊN

Có thể nói, việc từ giã ma túy đối với người nghiện là điều cực kỳ khó khăn. Vì theo các nhà chuyên môn, sau khi cai nghiện, người nghiện ma túy tuy không còn bị vật vã do đói thuốc hành hạ nhưng ký ức về cảm giác đặc biệt mà ma túy mang lại không mất đi.

Do đó, khi có điều kiện thuận lợi họ sẽ tái nghiện. Đó là lý do mà không ít người sau 18 tháng, thậm chí 24 tháng cai nghiện rất tốt tại trung tâm đã tái nghiện sau vài tháng hòa nhập cộng đồng. Thậm chí có những người đã hạ quyết tâm năm lần bảy lượt cai nghiện mà vẫn không thành công. Vì vậy làm thế nào để chống tái nghiện ma túy đang là một thách thức lớn hiện nay.

Anh N.N.L. (38 tuổi), nhà ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo là 1 trong 5 người “gắn bó lâu dài” với Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh. Sau 3 lần tái nghiện, những học viên này bị buộc phải chịu hình thức quản lý sau cai nghiện ở lại trung tâm thêm 2 năm theo luật định. Anh L. cho biết, quê gốc của anh ở TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2000 anh tự đứng ra mở quán giải khát và hơn 1 năm sau ông chủ trẻ này dính vào ma túy. Biết tác hại của ma túy, L. tự cai nghiện thành công tại nhà, sau đó chuyển về quê vợ ở xã Bình Phan sinh sống nhằm đoạn tuyệt với ma túy. Hàng ngày anh làm nghề cắt tóc, cuộc sống cũng tạm ổn nhưng 5 năm sau L. đã quay lại với ma túy.

Năm 2008, L. bị bắt buộc đi cai nghiện 24 tháng. Trở về nhà chưa đầy nửa năm L. lại tái nghiện và trở lại trung tâm cai nghiện lần thứ 2. Sau lần tái hòa nhập cộng đồng này L. lại  tiếp tục tái nghiện và quay trở vào trung tâm cai nghiện lần thứ 3. Theo L., sở dĩ cứ tái nghiện hoài là vì 3 nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là bản thân không giữ được mình, thứ 2 là ma túy mua rất dễ, thứ 3 là bị sự xa lánh của gia đình và cộng đồng, bản thân không có việc làm.

Anh L. chia sẻ: “Hy vọng sau 2 năm nữa, khi được tái hòa nhập cộng đồng tôi sẽ được gia đình quan tâm hơn. Hiện tại vợ tôi đã bỏ đi và các con phải sống nhờ ông bà. Tôi khát khao được tham gia vào một câu lạc bộ nào đó để không có thời gian trống. Tôi mong sẽ có những bạn bè mới để dẫn dắt tôi tránh xa nhóm bạn bè nghiện ma túy”.

Những điều mà L. chia sẻ thật sự là điều rất đáng lưu tâm trong việc tìm nguyên nhân tái nghiện và giải pháp chống tái nghiện ma túy hiện nay. Trên thực tế, sau khi hòa nhập cộng đồng, người có tiền sử nghiện ma túy thường bị cộng đồng xa lánh khiến họ càng thêm mặc cảm về bản thân. Việc tìm việc làm của người sau cai nghiện cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy thì có 40% người sau cai nghiện tìm được việc làm. Tại Tiền Giang, đa phần người nghiện ma túy không có việc làm. Trong thời gian cai nghiện bắt buộc, các học viên đều được Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội tỉnh dạy nghề.

Tuy nhiên, đây chỉ là những lớp dạy nghề ngắn hạn, cung cấp kiến thức cơ bản nên học viên không thể làm nghề đã học sau khi rời trung tâm. Không tay nghề cộng với lý lịch có tiền sử sử dụng ma túy chính là rào cản lớn trên đường tìm việc của người sau cai nghiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy: “Khi đã vướng vào ma túy thì khó lòng dứt ra được. Bằng chứng là tỷ lệ người tái sử dụng ma túy sau cai nghiện chiếm từ 80% - 90%. Do đó, giải pháp tốt nhất trong phòng, chống tệ nạn ma túy chính là mỗi người cần có sự hiểu biết về tác hại của ma túy và không nên thử dù chỉ 1 lần”.

THỦY HÀ

.
.
.