Thứ Tư, 04/06/2014, 14:01 (GMT+7)
.

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả PCCC tại các cơ sở xay xát

Tiền Giang hiện có gần 300 cơ sở xay xát lúa, gạo, tập trung chủ yếu ở 4 huyện: Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè. Hoạt động của các cơ sở này đã góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu và ổn định nguồn cung cấp lương thực trong cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại một thực trạng đang rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp và cá nhân. Đó là thực trạng cháy và nguy cơ cháy, nổ cao tại các cơ sở xay xát lúa, gạo.

Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trên 40 vụ cháy tại các cơ sở xay xát lúa, gạo, cũng như chế biến các sản phẩm từ hạt lúa như: Sấy, nghiền cám, ép củi trấu... gây thiệt hại tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng, tác động không nhỏ đến an sinh xã hội và hoạt động xuất khẩu gạo trên địa bàn. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, phát hiện hơn 150 cơ sở còn nhiều thiếu sót có nguy cơ cháy cao.

Kiểm tra an toàn PCCC cơ sở xay xát.
Kiểm tra an toàn PCCC cơ sở xay xát.

Nguyên nhân là do:

Một số cơ sở xây dựng đã lâu, vào cuối thập niên 1990, các cơ sở xay xát lúa, gạo chưa được quy hoạch mà tự phát kiểu hộ gia đình. Sau thời gian hoạt động, lại tự ý cơi nới để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến. Hầu hết các cơ sở này chưa được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (PCCC), chỉ trang bị các phương tiện chữa cháy thô sơ.

Một số cơ sở nằm xa trong đồng sâu, không có đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận, chỉ đi bằng ghe, thuyền. Khi có cháy xảy ra, cơ sở thường không tự cứu chữa được, khi lực lượng chữa cháy đến nơi thì đám cháy đã cháy lan rộng, khó cứu chữa. 

Người đứng đầu ở một số cơ sở còn chưa thực sự chú trọng đến công tác PCCC, chưa thực hiện đầy đủ  trách nhiệm quản lý về PCCC theo quy định, dẫn đến nhận thức về công tác PCCC của nhân viên tại cơ sở còn hạn chế; việc thực hiện các yêu cầu quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ trong công nghệ sản xuất, bảo quản nguyên vật liệu và sản phẩm, cũng như các điều kiện để xử lý kịp thời và có hiệu quả khi có cháy xảy ra còn thiếu đồng bộ, thậm chí bất cập dẫn đến hiệu quả công tác PCCC  chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

Các cơ sở xay xát lúa, gạo thường sản xuất tập trung vào các mùa vụ, vào lúc cao điểm tập trung nhiều nguyên phụ liệu, chủ yếu là lúa, thành phẩm gồm gạo, cám, trấu, hàng hóa sắp xếp thường không đảm bảo lối thoát nạn. Trong quá trình sản xuất thường sinh nhiều bụi, nếu không vệ sinh công nghiệp tốt dễ gây cháy, nổ.

Đa số các cơ sở có nhà ở sinh hoạt gia đình ngay bên trong hoặc liền kề với nơi sản xuất nên khi có cháy xảy ra, việc thoát nạn cho công nhân và những người sinh sống trong gia đình rất khó khăn, nhất là khi đám cháy xảy ra vào ban đêm.

Hệ thống điện tại các cơ sở xay xát lúa, gạo là điện sản xuất 3 pha, đa số đã sử dụng lâu năm. Một số cơ sở hệ thống dây dẫn điện câu mắc tùy tiện. Đây là nguyên nhân gây cháy nhiều nhất tại các cơ sở xay xát lúa, gạo, do khoảng cách không đảm bảo an toàn từ dây dẫn điện đến vật liệu dễ cháy. Hệ thống điện chưa tách riêng biệt cho từng lĩnh vực: sản xuất, bảo vệ và chữa cháy.

Một số cơ sở thường sử dụng than đá hoặc than củi để sấy khô nguyên liệu trước khi chế biến. Một ít nơi còn đốt nhang thờ cúng, hút thuốc, đun nấu bên trong cơ sở xay xát lúa, gạo.

Đáng quan tâm hơn là tình trạng trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và lắp đặt hệ thống PCCC tại các cơ sở xay xát lúa, gạo còn nhiều hạn chế, thiếu sót, nhiều cơ sở trang bị hình thức, đối phó với cơ quan chức năng, hoặc có trang bị nhưng chưa đầy đủ, thiếu kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.

Việc đảm bảo an toàn PCCC các cơ sở xay xát lúa, gạo  trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ an ninh lương thực, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đối với người đứng đầu cơ sở:

Cần tìm hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC.

Chỉ đạo và xây dựng, ban hành nội quy, quy định về PCCC tại cơ sở của mình. Tổ chức thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về  PCCC. Tổ chức thành lập lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động nền nếp, hiệu quả. Chỉ đạo xây dựng và thực tập phương án chữa cháy tại chỗ. Tổ chức thực hiện công tác tự kiểm tra về PCCC, có hồ sơ theo dõi hoạt động PCCC; nghiêm túc xử lý các cá nhân không chấp hành tốt nội quy, quy định về PCCC tại cơ sở.

Đầu tư kinh phí cho các hoạt động PCCC của cơ sở như: Trang bị phương tiện chữa cháy cũng như hệ thống PCCC tại cơ sở, tổ chức kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố xảy ra. Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý chức năng và các đơn vị, cơ sở khác trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC.

Đối với hệ thống điện tại cơ sở cần cải tạo, nâng cấp mạng điện cho phù hợp với công suất tiêu thụ điện; thay thế các dây dẫn điện cũ, ải, mục. Tách riêng hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng, bảo vệ, kinh doanh, sinh hoạt, chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt.

Lắp đặt các thiết bị bảo vệ hiện đại, tự động hoạt động chính xác khi sự cố xảy ra. Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất tại cơ sở mình luôn đảm bảo chính xác giữa các bộ phận, tránh để phát sinh các nguồn nhiệt và điều kiện để cháy, nổ phát sinh.

Đối với các cơ sở xay xát lúa, gạo trong diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi xây dựng phải trình thẩm duyệt về PCCC, phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn của Nhà nước về PCCC. Trong đó chú ý đến khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy, lối thoát nạn, việc trang bị, lắp đặt các hệ thống PCCC phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Đối với các cơ sở đã hoạt động lâu năm, chưa có hệ thống PCCC hoàn chỉnh hoặc hệ thống đã bị hư hỏng cần thiết kế lắp đặt mới, cải tạo, trang bị bổ sung cho phù hợp với quy định và đảm bảo hiệu quả hoạt động trong thực tế. Chú trọng xây dựng tường ngăn cháy giữa khu vực sản xuất với nhà kho hàng hóa và với khu vực sấy, khu vực chứa vỏ trấu.

Vận động nhân viên nêu cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác về PCCC, phân công việc tự kiểm tra về PCCC, trực chữa cháy và tổ chức thường trực, tăng cường tuần tra, canh gác vào ban đêm... để chủ động phát hiện cháy và dập tắt kịp thời khi đám cháy mới phát sinh.

Đối với Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH:

Tham mưu Công an tỉnh, đề xuất UBND cùng cấp tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về PCCC; phê duyệt và chỉ đạo, tổ chức diễn tập các phương án, tình huống liên quan đến cháy, nổ; tăng cường đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác PCCC. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, phúc tra và đôn đốc việc thực hiện công tác PCCC tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại, bất cập, vi phạm và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC.

Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình về  PCCC tại các cơ sở xay xát lúa, gạo trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền về PCCC bằng nhiều hình thức. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho đội PCCC cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra về  PCCC, chú trọng kiểm tra chuyên đề các cơ sở xay xát lúa, gạo. Kiên quyết xử  lý vi phạm. Đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời khi có cháy xảy ra.

Đối với chính quyền các cấp:

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong phạm vi quản lý.

Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng dẫn kiến thức PCCC cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Chỉ đạo xây dựng, củng cố, nâng chất các đội chữa cháy dân phòng và đội PCCC cơ sở và đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.

Trang bị phương tiện đáp ứng yêu cầu chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy xảy ra. Quan tâm đầu tư cho công tác PCCC, nhất là các cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ.

Chỉ đạo giải quyết tốt về giao thông, nguồn nước; đảm bảo an ninh trật tự khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp xay xát lúa, gạo tập trung, trong đó đảm bảo việc thu hút đầu tư, thuận lợi về giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống cấp nước chữa cháy và hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đại úy NGUYỄN PHƯƠNG TÂM

.
.
.