Thứ Hai, 23/06/2014, 10:50 (GMT+7)
.

Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, mừng hay lo?

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 của tỉnh ta cao hơn năm 2013 gần 1%. Điều này chưa phản ánh được thành tích thật sự của ngành Giáo dục tỉnh nhà, do cách xét tốt nghiệp THPT năm nay có khác so với những năm trước, đó là điểm trung bình năm học lớp 12 của học sinh được tính vào để xét tốt nghiệp…

Ảnh: Như Lam
Ảnh: Như Lam

Qua việc khảo sát bảng điểm tốt nghiệp THPT năm 2014 của một số trường THPT trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nếu không “nhờ” điểm trung bình năm lớp 12, chỉ tính điểm thi để xét tốt nghiệp như hàng năm thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh ta năm nay sẽ rất thấp so với năm học trước và với cả nước.

Trong những trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100% của Tiền Giang năm nay, điều làm nhiều người ngạc nhiên là có những trường các năm trước thường đỗ tốt nghiệp thấp, xếp ở nhóm cuối của hệ THPT trong tỉnh.

Nếu do các nhà trường ấy nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học nên đạt được thành tích như thế này thì thật đáng phấn khởi, nhưng không phải vậy. Những trường này không có học sinh hỏng tốt nghiệp là do điểm trung bình của năm học lớp 12 của các em quá cao, trong khi điểm thi của các em rất thấp (có nhiều em thi 4 môn tốt nghiệp chỉ khoảng 16 điểm, có nghĩa là khoảng 4 điểm mỗi môn).

Chúng tôi khảo sát ngẫu nhiên 5 trường THPT (địa bàn huyện Cái Bè 2 trường, TP. Mỹ Tho 1 trường, huyện Châu Thành 1 trường, huyện Gò Công Tây 1 trường) thì thấy nếu điểm trung bình năm lớp 12 của các em không cao thì sẽ có thêm 68 em hỏng tốt nghiệp nữa.

Một trường THPT trên địa bàn vùng sâu của huyện Gò Công Tây tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% có tới 98,75% học sinh có điểm trung bình năm lớp 12 đạt loại khá, giỏi. Nếu không “nhờ” điểm trung bình cả năm 12 cao bất thường như vậy, trường này sẽ có tỷ lệ tốt nghiệp THPT chỉ khoảng 90% thôi.

Nhìn ra tỉnh bạn, thấy có những tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất mà không biết nên vui hay nên lo lắng. Có nơi, toàn tỉnh chỉ có 6 học sinh hỏng tốt nghiệp (?!).

Để tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp như vừa rồi, cả nước tốn kém rất nhiều tiền của. Thi mà gần như đỗ hết thì thiết nghĩ lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần xem xét lại có nên tổ chức thi cử như thế này không?

Nếu tiếp tục tổ chức thi thì phải có chỉ đạo, có giải pháp gì để tránh được căn bệnh chạy theo thành tích, nếu không tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, nhất là vài năm nữa nước ta sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh để làm căn cứ xét tuyển vào đại học.

N.K

.
.
.