Đờn ca tài tử với du lịch
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm: “…Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc… Phát huy lợi thế Quốc gia về văn hóa dân tộc, thế mạnh các vùng, miền… Liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch…”.
Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc của 1 Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận, nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) giờ đây là tài nguyên vô cùng đặc sắc để các doanh nghiệp lữ hành có thể phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam bộ.
NHỮNG BĂN KHOĂN
Không phải đến lúc vinh danh Nghệ thuật ĐCTT mới quan tâm gắn kết để phục vụ khách du lịch, mà hơn 10 năm qua vùng Đồng bằng sông nước Nam bộ đã có những tour, điểm du lịch có loại hình ĐCTT với nhiều hình thức: Đờn ca trên sông (ghe, tàu du lịch), trong vườn cây trái, nhà hàng…
Tiếng đàn tranh, bầu, kìm, cò… hòa quyện ngọt ngào cùng giọng ca của nữ tài tử miệt vườn thon thả với chiếc áo bà ba… đã tạo điểm nhấn khó phai trong lòng khách du lịch.
Loại hình này nhiều năm qua đã phát triển mạnh ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… Tuy nhiên hoạt động ĐCTT phục vụ du khách chưa có sự đồng nhất nên các đội, nhóm ĐCTT vẫn còn lúng túng trong hoạt động và những bất cập nảy sinh.
Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch ở cù lao Thới Sơn - TP. Mỹ Tho. Ảnh: NC |
Có nên quảng bá ĐCTT trong hoạt động du lịch không? Đã có nhiều ý kiến trái chiều cùng những băn khoăn tại diễn đàn Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT”.
Lo lắng cho sự sinh tồn của âm nhạc dân độc, GS-TS-VS Trần Văn Khê cho rằng: “Không thể mang ĐCTT Nam bộ mà làm du lịch được. Du khách biết gì về ĐCTT mà nghe? Trong 10 phút, cả đoàn du lịch ghé lại mà nghe 2 - 3 bản thì làm cho ĐCTT giảm giá trị. Trong buổi đờn đó, người đờn đâu có vui và hào hứng mà đờn. Họ đờn để lấy tiền. Đâu phải làm như vậy mà giúp ĐCTT tiến bộ được. Cho nên hãy cẩn thận, đừng biến âm nhạc tài tử thành một bộ môn sân khấu và đừng biến nó thành một món hàng”.
Bởi lẽ, khi chúng ta đáp ứng nhu cầu thuận tiện, đơn giản và rẻ của các công ty lữ hành thì không khéo Di sản ĐCTT không còn giữ được sắc thái, bản chất và giá trị nghệ thuật của nó. Đó là nỗi lo chung của những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân cả đời tâm huyết với dòng âm nhạc dân tộc này.
NHỮNG GIẢI PHÁP KHẢ THI
Làm thế nào để du khách trong nước, ngoài nước hiểu đúng giá trị văn hóa, lịch sử của nghệ thuật ĐCTT và làm thế nào cho du khách chiêm nghiệm, thưởng thức được hồn cốt của dòng nhạc cổ truyền này? Câu hỏi này đặt ra từ các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc và được nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ: “…
Với ĐCTT, theo tôi cần khai thác tuyệt đối thế mạnh của hình thức di sản này, đó là nghệ thuật hòa đờn tài tử. Tôi tin rằng, với những du khách bất đồng ngôn ngữ khi nghe hòa đờn tài tử sẽ bị thuyết phục bởi cái hay, cái tài nghệ, cái dễ truyền cảm của loại nhạc này với du khách nước ngoài.
Cách đây hơn 1 năm, khi đang còn công tác ở Viện Âm nhạc, tôi đã nhiều lần giới thiệu với khách tham quan những bản đờn ca của các bậc thầy ĐCTT như: Giáo Thinh, Bảy Bá, Ba Tu, Vĩnh Bảo… trong gian phòng vừa phải, ấm cúng.
Trước khi cho khách nghe, tôi giới thiệu sơ qua với khách du lịch nơi sinh ra ĐCTT, những đặc tính, đặc trưng của nó; các nhạc cụ và cách chơi trong ĐCTT, sau đó mới cho khách nghe. Hầu hết du khách đều tán thưởng và họ háo hức muốn tìm đến vùng đất sinh ra loại hình nghệ thuật này để tận mắt xem các tài tử chơi đờn…”.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nên xây dựng 1 không gian phù hợp với ĐCTT ở các khu du lịch, di tích lịch sử để tổ chức đờn ca thính phòng phục vụ du khách, tránh tình trạng “biến ĐCTT thành bộ môn sân khấu…” như GS-TS-VS Trần Văn Khê từng chia sẻ.
Trong không gian nhỏ, du khách và tài tử sẽ có điều kiện gần gũi để trao đổi, giao lưu, tìm hiểu về nghề nghiệp của các tài tử, tạo tình cảm thân thiện… Muốn được như vậy thì những tài tử phục vụ phải có nghề và am hiểu sâu sắc về môn âm nhạc dân tộc này. Không phải chỉ có đờn, ca, mà trong số họ phải có người hiểu biết và có khả năng diễn thuyết để giới thiệu khái quát về quá trình lịch sử, giá trị nghệ thuật của ĐCTT…
Riêng Soạn giả Huỳnh Anh (Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang) rất tâm đắc về việc đưa ĐCTT vào phục vụ khách du lịch. Ông cho đó là một chủ trương đúng đắn. Ông đưa ra những hình ảnh trữ tình của làng quê Nam bộ với khúc Nam đảo, Nam ai, vài câu vọng cổ ngọt ngào rót vào lòng lữ khách.
Với Soạn giả Huỳnh Anh thì nên xây dựng 1 chương trình có chủ đề, có dàn dựng, có chọn lọc, có thời lượng vừa phải với những bài bản phù hợp để phục vụ du khách. ĐCTT chính thống thì không thể có những bài lý, bài bản cải lương, nhưng với ĐCTT phục vụ khách du lịch nên gia giảm quy định này và phải giới thiệu tiết mục nào là nhạc tài tử, bài nào là tiết mục phụ để không làm “biến dạng” cái tinh túy của dòng nhạc dân tộc Việt trong lòng khách bốn phương.
Và ông không quên đề cập sự quan tâm đến đời sống của anh chị em tài tử cũng như phong cách, trang phục của tài tử phải “thuần Việt” để tô đậm nét văn hóa vùng, miền tạo ấn tượng đẹp một cách toàn diện.
ĐỜN CA TÀI TỬ PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH - THỰC TẾ Ở TIỀN GIANG
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn có hơn 10 năm đờn phục vụ khách du lịch đã chia sẻ: “Rất nhiều khách du lịch trong nước thích nghe ĐCTT. Khi nghe xong, họ xin hát giao lưu, phổ biến nhất là ca vọng cổ. Nhiều khách 3 - 4 lần trở lại điểm du lịch này để được nghe, được ca giao lưu.
Riêng khách nước ngoài, sau khi nghe nhạc cổ của Việt Nam, họ thích nghe người Việt hát nhạc của họ, nên nhóm tài tử Sông Tiền phải có vài bài nhạc nước ngoài để hát sau khi kết thúc phần ĐCTT phục vụ. Trong chương trình phục vụ, ngoài vài lớp nhạc tài tử, phải đan xen vọng cổ và lý để người nghe không chán”.
Về thu nhập của tài tử phục vụ du lịch, chị Nguyễn Lê Thanh, điểm du lịch Sông Tiền (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) băn khoăn: “Tài tử phục vụ du lịch chỉ sống bằng tiền “boa” của khách. Khách du lịch cứ đinh ninh họ đã trả chi phí “nghe ĐCTT” vào “gói của tour” nên việc “boa” tiền cũng rất tùy hứng. Chua chát hơn, không ít lần khách du lịch nước ngoài đặt vào giỏ hoa tờ giấy 2.000 đồng, thậm chí 200 đồng tiền Việt Nam.
Một số công ty du lịch còn đặt vấn đề: Mỗi tài tử phải chi cho người hướng dẫn 20% tiền “boa”. Anh em tài tử có người ở huyện Tân Phước, Châu Thành… sáng đi, tối về, chi phí ăn uống, xăng xe rồi sắm sửa áo quần mà thu nhập không cao, không ổn định”.
Anh Huỳnh Thanh Hữu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VHTT&DL Tiền Giang cho biết: “Tại Tiền Giang hiện nay có 12 ban nhạc ĐCTT phục vụ khách du lịch ở các điểm du lịch Cồn Thới Sơn, huyện Cái Bè và Cai Lậy. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL đã kết hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh mở các lớp cơ bản, lớp nâng cao cho các tài tử phục vụ khách du lịch.
Năm 2013 đã phát động sáng tác bài bản ĐCTT với nội dung ca ngợi văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Tiền Giang cung cấp cho các điểm phục vụ du lịch nhằm giới thiệu với khách du lịch. Sở VH-TT&DL Tiền Giang vừa có văn bản về quản lý biểu diễn và tổ chức biểu diễn về ĐCTT. Hướng tới sẽ mở thêm 1 lớp ĐCTT nâng cao phục vụ khách du lịch ở khu vực huyện Cái Bè và Cai Lậy”.
Để nghệ thuật ĐCTT “sống khỏe” và vươn xa, mãi mãi đẹp trong lòng khách mộ điệu thì cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, trách nhiệm của ngành quản lý và ý thức vươn lên của từng tài tử. Tin rằng Di sản ĐCTT sẽ được nâng niu “phát triển và bảo tồn” đúng đắn để làng quê Nam bộ mãi ngân vang bài ca vọng cổ, mãi ngọt ngào khúc Nam Xuân và từng thế hệ xuất hiện những ngón đờn, bài bản đờn, giọng ca… đi vào lịch sử của âm nhạc dân tộc như: Nhạc Khị, Dạ cổ hoài lang của bác Sáu Lầu (tỉnh Bạc Liêu) và nhiều danh ca, danh cầm một thời vang bóng.
NGỌC LỆ