Sân chơi dành cho trẻ em nông thôn: Thực tế và nhu cầu
Mùa hè là dịp để học sinh được vui chơi giải trí sau 1 năm học vất vả. Khác với trẻ em thành thị có nhiều sân chơi và được tham gia các câu lạc bộ năng khiếu, trẻ em nông thôn ít có sân chơi dành cho mình. Vấn đề sân chơi dành cho trẻ em nông thôn vô cùng bức thiết, luôn là điều quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh.
“KHÁT” SÂN CHƠI
Những ngày hè, cứ tầm 4 giờ chiều hàng ngày là nhiều bạn nhỏ ở xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông rủ nhau ra sân chơi quen thuộc của mình là một đoạn đường dal. Trò chơi được các em yêu thích nhất là đá bóng. Với những đôi chân trần, hơn chục em cùng với trái bóng nhựa chạy trên nền bê tông làm cản trở việc đi lại của người tham gia giao thông.
Em Nguyễn Thanh Giang, học sinh Trường Tiểu học Tân Thới cho biết: “Trong trường cũng có tổ chức trò chơi nhưng ít lắm, cả tuần chỉ chơi có 1 buổi. Thường thì tụi em chơi đá bóng, đi câu cá. Hôm nào trời mưa thì ở nhà xem ti vi”.
Tổ chức sinh hoạt hè cho các em chỉ có thể thực hiện 1 - 2 buổi/tuần. |
Dưới cái nắng chói chang của buổi trưa hè, tôi tình cờ gặp nhóm học sinh lớp 7 của Trường Tiểu học Quơn Long, huyện Chợ Gạo đang lặn hụp dưới con mương gần nhà. Em Nguyễn Ngọc Hải Luân tâm sự: “Nhà em phía bên kia đường, em qua đây tắm mương với các bạn. Lúc đầu ba mẹ không cho, nhưng vì bọn em biết bơi nên không cản ngăn. Tắm mương hay chơi đá banh hoài cũng chán, nhưng ngoài 2 trò này ra, tụi em không biết chơi trò nào khác”.
Đi qua những miền quê nghèo, hình ảnh thường thấy là những em nhỏ hòa mình với nắng gió và chơi các trò chơi dân gian như: Nhảy dây, bắn bi, nhà chòi… Thế nhưng, không phải ở đâu bọn trẻ cũng cảm thấy thích thú với những trò chơi ấy. Với nhiều đứa trẻ, việc chơi những trò đó dường như là lựa chọn bất khả kháng, vì không có trò nào khác để chơi và không có một sân chơi đúng nghĩa dành cho các em.
Thực tế, nhiều nơi đã được đầu tư vốn để xây dựng nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt của nhân dân và là nơi hội họp, là điểm vui chơi cho các cháu thiếu nhi khi hè về. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhà văn hóa được xây lên khang trang với số vốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng chưa phát huy hết hiệu quả.
Thỉnh thoảng người ta mới khai thác nó vào việc tổ chức họp dân, hay sinh hoạt các câu lạc bộ, không tổ chức sân chơi cho trẻ. Hỏi bất kỳ một em nhỏ nào về sân chơi, về nhà văn hóa ở nông thôn, câu trả lời chung là “không có”. Hình như nhà văn hóa xã không dành cho trẻ em.
Không có điểm vui chơi cố định nên các em ở nông thôn thường tiện đâu chơi đấy. Chỉ khi có chương trình hoạt động hè triển khai tại trường học thì các em mới được tham gia các trò chơi. Tuy nhiên, hoạt động hè chưa thể thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của các em. Không chỉ “khát” sân chơi” mà trẻ em nông thôn còn “khát” đồ chơi.
Hớt hải chạy xem đứa cháu nội thế nào, ông Mai Văn Có, ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cho biết: “Đứa cháu nội đi vào vườn tràm chơi bị ông chích nhiều vết trên người, cũng may là không sao. Ở vùng quê hẻo lánh này bọn trẻ chỉ quẩn quanh chơi tự phát mà thôi”.
GIẢI PHÁP TÌNH THẾ
Toàn tỉnh tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 23% dân số. Trên cơ sở Quyết định 1555 ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2020.
Theo khảo sát, đánh giá của UBND tỉnh, tỉnh quan tâm đầu tư các khu vui chơi giải trí cho các em, tuy nhiên hình thức, nội dung hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao, khu vui chơi giải trí chưa đa dạng, phong phú, chưa dành nhiều không gian, thời gian cho hoạt động của thiếu nhi.
Ông Huỳnh Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trong buổi gặp gỡ, lắng nghe nhu cầu về sân chơi của các em thiếu nhi đã chia sẻ: “Thời gian qua, từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao các huyện (tương đương), gần 70 nhà văn hóa các xã (tương đương) với vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh chỉ có 2 nhà thiếu nhi ở TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy. Tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà thiếu nhi tại các huyện (tương đương); khuyến khích các cá nhân, tập thể đầu tư xây dựng các sân bóng đá mini tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu thể dục - thể thao của thanh thiếu niên…”.
Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: “Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai kế hoạch sinh hoạt hè cho thiếu nhi đến cơ sở từ rất sớm. Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong trường học phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương, cơ sở tổ chức sinh hoạt hè cho các em tại trường học hoặc tại nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương, cơ sở mà xác định nội dung, hình thức sinh hoạt hè phù hợp để thu hút các em tham gia.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng các sân chơi lành mạnh, an toàn, bảo đảm phát triển toàn diện thể lực và trí lực cho trẻ em rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Các cấp, các ngành có liên quan và gia đình cần tăng cường quản lý, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; cùng quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là khẩu hiệu mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Tuy nhiên, để khẩu hiệu đó đi vào cuộc sống thì hơn lúc nào hết các địa phương, các ngành, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp nhằm giúp trẻ em vùng nông thôn có sân chơi bổ ích, đảm bảo sự an toàn và lành mạnh cho trẻ.
P. MAI