Khi qua đò, phà phải mặc áo phao
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy trong những năm gần đây mặc dù đã được kiềm chế song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa khôn lường. So với giao thông đường bộ, đường sắt thì tỷ lệ TNGT trên đường thủy thấp hơn, nhưng một khi tai nạn xảy ra thì thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Việc nhắc nhở hành khách mặc áo phao nên tạo thành thói quen. (ảnh chụp tại Bến phà Bình Ninh - Tân Thới). Ảnh: P.L |
Theo đánh giá trong báo cáo sơ kết 1 năm của Ban chỉ đạo Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” của tỉnh Tiền Giang, ý thức tự giác chấp hành quy định về giao thông đường thủy, nhất là quy định về mặc áo phao khi tham gia giao thông của người tham gia giao thông, thuyền trưởng, chủ phương tiện vẫn còn hạn chế, chưa có chuyển biến tích cực.
Nguyên nhân là do người tham gia giao thông thủy còn tâm lý ngại mặc áo phao (vì thời gian qua đò ngắn, áo phao chưa đảm bảo vệ sinh), chủ phương tiện chưa đầu tư trang bị đủ về số lượng và chất lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho hành khách; chủ phương tiện, người lái phương tiện chưa thể hiện trách nhiệm trong việc hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.
Theo quy định tại Thông tư 15/2012 của Bộ Giao thông - Vận tải, từ ngày 15-7-2013, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình di chuyển đến khi cập bến an toàn.
Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều phương tiện, số lượng áo phao trang bị chỉ đủ để “ngắm”, nhiều hành khách vẫn chủ quan và ngại không sử dụng áo phao vì... thao tác “phức tạp”; áo phao để lâu ngày bị bẩn, hôi, chưa kể khi trời nắng thì mặc áo phao vào rất nóng.
Nguyên nhân quan trọng nữa là ý thức của chủ phương tiện đường thủy vì lợi nhuận nên thường chở quá số người quy định sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của hành khách khi có sự cố xảy ra.
Hiện nay chưa có quy định nào kiểm tra, kiểm soát hoạt động này. Tuy nhiên, trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng vẫn luôn khuyến cáo người dân khi đi qua sông bằng đò, thuyền… phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn.
Vì vậy, điều trước tiên là để tự bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân khi có sự cố xảy ra, người dân khi đi đò, phà nên tự giác mặc áo phao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng như Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông vận tải cần thường xuyên mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chấn chỉnh công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy, đặc biệt là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 sắp đến.
T.V.T