Bưu điện văn hóa xã: Sẽ có "luồng gió mới" để "hồi sinh"?
Theo con số tổng hợp của ngành Bưu điện, đến đầu tháng 3-2013 toàn tỉnh có 107 điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã, trong đó có 10 điểm phối hợp liên ngành; đến nay đã tạm ngưng 18 điểm, còn 89 điểm hoạt động. Thực tế qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết điểm BĐVH xã chỉ hoạt động cầm chừng, mặc dù ngành Bưu điện hết sức cố gắng “vực dậy”, nhưng khá nhiều điểm BĐVH xã vẫn đang trong trình trạng “hấp hối”.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Năm 1995, BĐVH xã ra đời, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn và vùng ven đô về thông tin liên lạc qua điện thoại công cộng; gởi thư từ, chuyển phát nhanh thông tin, báo chí; mở tủ sách pháp luật, khoa học - kỹ thuật, báo chí cho nhân dân tham khảo, tìm hiểu tại chỗ và một số dịch vụ khác của ngành… Trong vòng 7 năm (từ năm 1995 đến 2002), các điểm BĐVH hoạt động rất tốt.
Bưu điện văn hóa xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước). |
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Lúc bấy giờ doanh thu ở các điểm BĐVH xã thấp nhất là 20 triệu đồng/tháng, có nơi lên đến 50 triệu đồng/tháng; đồng nghĩa với thu nhập của nhân viên bưu điện khá cao, bình quân 5 - 7 triệu đồng/ người/ tháng.
Thế nhưng, từ năm 2013 trở đi, hoạt động của các điểm BĐVH xã giảm dần và vắng hẳn, nguyên nhân chính là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp Bưu chính - Viễn thông nối tiếp nhau ra đời: Bưu chính Viettel, Công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn, Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Hợp Nhất, Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Nội Bài…
Thêm vào đó, mạng lưới Internet, điện thoại cố định tại từng hộ dân và điện thoại di động dần “nở rộ”, khiến cho hoạt động của các điểm BĐVH xã “xuống dốc” trầm trọng…”.
Thực tế hiện nay, có khoảng 50% điểm BĐVH xã gần như “tê liệt”, số còn lại chỉ hoạt động “lây lất” qua ngày, mặc dù đa số điểm BĐVH đều nằm ở vị trí “đắt địa” của xã. Do trong thời gian dài chỉ hoạt động “cầm chừng” nên hiện có không ít BĐVH đang xuống cấp trầm trọng: Tường bong tróc loang lổ, bàn ghế bụi bặm, sách báo ẩm mốc, cửa nẻo xập xệ, sân rong rêu và cỏ mọc um tùm…, biểu hiện của sự vắng khách lui tới.
Có nơi trở thành điểm buôn bán điện thoại di động, dịch vụ Internet, uốn tóc, làm kho chứa hàng… Một số điểm BĐVH xã vẫn hoạt động và có nhân viên trực nhưng với tần suất thấp, bởi lẽ mỗi tháng họ chỉ nhận được 850 ngàn đồng trợ cấp, không có phần trăm phụ thu từ các dịch vụ như trước nên buộc phải mở thêm một số dịch vụ không đúng với chức năng để kiếm thêm thu nhập.
Bàn về vấn đề này, ông Truyền chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm thông với tình hình hiện tại, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân viên bưu điện, nên tạm thời chấp thuận cho nhân viên mở thêm dịch vụ, hạn chế thấp nhất những dịch vụ không đúng chức năng của ngành. Những nơi nhân viên bưu điện không thể tiếp tục làm việc, chúng tôi phải hợp đồng bưu tá xã, mở cửa hoạt động theo tình hình thực tế ở cơ sở…”.
Tại điểm BĐVH xã Long Khánh (huyện Cai Lậy), thấy chúng tôi đứng nhìn vào, 1 người dân ở gần đó nói: “Gần đây, điểm Bưu điện này rất ít khách lui tới nên cán bộ cũng thất nghiệp, rất ít khi mở cửa. Cái trụ sở đẹp như vậy mà giống như bỏ hoang, tiếc quá!...”.
Còn ở điểm BĐVH xã Thanh Hòa (huyện Cai Lậy), nằm cạnh bờ sông, đối diện với trường học cũng lâm tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Lệ, 52 tuổi, ở gần đó cho biết: “Mỗi ngày chú Bé Tư vẫn đến mở cửa vài tiếng rồi đi giao thư từ. Mấy hôm trước thấy cán bộ huyện, tỉnh đến khảo sát đo đạc, nghe nói sẽ sửa chữa lại. Hồi trước thấy trong BĐVH xã mở tiệm uốn tóc, nhưng được vài tháng thì dẹp. Nghe đâu Nhà nước không cho mở nên họ dọn đi”.
Anh Nguyễn Văn Quyên, Bưu tá kiêm nhân viên BĐVH xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) bộc bạch: “Hàng ngày tôi thường mở cửa điểm BĐVH xã từ 8 giờ đến 11 giờ. Khi có thư từ, báo chí, giấy tờ của tuyến trên giao thì tôi đóng cửa để đi chuyển báo, giao giấy tờ cho từng hộ dân… Tiền trợ cấp hàng tháng 850 ngàn đồng chỉ đủ đổ xăng xe, bởi có khi chỉ cầm 2 tấm giấy CMND giao tận tay khách hàng ở cuối xã.
Còn ở đây, khi cần thư từ gấp thì dân mới tới, nhưng hiếm hoi lắm”. Trong phòng thì trống trơn, điện thoại công cộng đã bị cắt; bên ngoài mái che di động rách tả tơi… BĐVH xã Ngũ Hiệp đang chờ sự “hà hơi tiếp sức”.
Riêng điểm BĐVH xã Thiện Trí (huyện Cái Bè) được mở cửa thường xuyên, bởi lẽ nó được xây dựng ngay trước sân nhà chị Trần Ngọc Hà, là kế toán của UBND xã Thiện Trí kiêm nhân viên bưu điện. Chị cho biết: “Hiện nay điện thoại, sách báo, Internet của BĐVH xã Thiện Trí đều bị cắt. Thỉnh thoảng dân đến gởi thư từ hoặc một số người dân lấy địa chỉ này để nhận hàng qua mạng.
Hiện tại, đây là điểm bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phát tiền trợ cấp cho cán bộ chính sách, cán bộ hưu… Tôi xin mở thêm dịch vụ photocopy và đánh máy thuê. Với tình hình này, nhân viên bưu điện phải kiêm nhiệm thêm công việc mới có thêm thu nhập mà “bám trụ”, chứ trợ cấp quá thấp làm sao sống nổi!”.
Ở BĐVH xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) thì khá nhộn nhịp, vì nơi đây chuyển thành điểm dịch vụ Internet nên thanh thiếu niên hay lui tới.
Trong báo cáo thì điểm BĐVH xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) vẫn còn hoạt động. Thực tế, cửa rào để hé mở, bị gỉ sét, trước sân cỏ mọc um tùm, trong giờ hành chính buổi sáng mà cửa đóng im ỉm. Hỏi thăm thì được bà con cho biết đã ngưng hoạt động vì chẳng ai tới giao dịch.
ĐỔI MỚI MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỂ HY VỌNG “HỒI SINH”
BĐVH là 1 trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên bằng mọi cách phải “đánh thức” nó dậy. Trong Công văn 2299 hướng dẫn tổ chức quản lý hoạt động BĐVH xã của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ngày 4-8-2014 có đoạn: “…. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động cho các điểm BĐVH xã đảm bảo hiệu quả bền vững.
Ban hành các cơ chế, chính sách của Tổng Công ty bao gồm: Các cơ chế quản lý đầu tư khang trang cơ sở vật chất; các cơ chế, chính sách cho nhân viên điểm BĐVH xã và các cơ chế liên quan đến hoạt động tại điểm BĐVH xã; xây dựng và định hướng phát triển kinh doanh, phục vụ tại điểm BĐVH xã…”. Đây được xem là “luồng gió mới”, là “liều thuốc hồi sinh” cho các điểm BĐVH xã.
Ông Truyền cho biết thêm: “Bằng mọi giá phải duy trì hoạt động BĐVH xã, vì nó nằm trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trước hết tập trung củng cố lực lượng nhân viên bưu điện, sẽ có cơ chế, chính sách và chi thêm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho anh chị em này; đồng thời thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, duy trì làm nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công: Phát giấy CMND, hộ chiếu, bằng lái xe, hồ sơ hộ tịch, chi trả lương hưu, thu phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trả lương cho đối tượng chính sách…
Có 14 điểm BĐVH xã đã được khảo sát, nâng cấp từ tháng 9 đến tháng 11-2014; sau đó sẽ sửa chữa tiếp 12 điểm khác với mức kinh phí thực hiện 35 triệu đồng/điểm BĐVH xã. Ngành Bưu điện mong các cấp, các ngành quan tâm, ủng hộ về mặt chủ trương để ngành phấn đấu đến năm 2015 các điểm BĐVH xã sẽ chuyển biến mạnh mẽ và hoạt động tốt”.
NGỌC LỆ