Cần xem xét 1 giống lúa mới xuất hiện trên đồng ruộng
Những năm qua, việc sử dụng nhiều giống lúa IR 50404 trong tỉnh nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong các vụ lúa luôn làm các ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cảm thấy lo lắng. Dù đã được khuyến cáo không nên sử dụng giống lúa phẩm cấp thấp này, nhưng do giá bán không chênh lệch nhiều so với các giống hạt dài nên nông dân vẫn trồng đại trà.
Chính việc này, 1 cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã lai tạo ra một loại giống mới, chất lượng hơn và từng bước thay đổi được giống lúa IR 50404. Tuy vậy, đằng sau loại giống mới này còn quá nhiều chuyện nhọc nhằn.
Ông Nguyễn Văn Em giới thiệu giống lúa AP 2010 được canh tác tại ruộng nhà mình. |
Trong vài vụ lúa vừa qua, nông dân nhiều nơi của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước bàn tán xôn xao về 1 loại giống lúa có tên AP 2010, AP 2013. Theo nông dân, loại lúa này có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, dễ canh tác, giá bán khá hấp dẫn… được thương lái chọn mua. Trong vụ lúa hè thu chính vụ 2014, gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè trồng 0,5 ha lúa AP 2010, năng suất 6 tấn/ha, bán với giá 4.800 đồng/kg (lúa tươi tại ruộng).
Ông Minh cho biết, giống lúa này có triển vọng, kháng sâu bệnh, chất lượng cao, cây cứng, ít đổ ngã và hạn chế được sâu bệnh hơn. Năng suất và giá bán cũng tương đương với giống lúa IR 50404 nhưng dễ làm hơn. “3 vụ vừa rồi, tôi sử dụng giống lúa AP 2010. Tôi thích giống này vì thấy chất lượng của nó nổi trội và trong hơn gạo IR 50404. Còn IR 50404 cứng cơm, bạc bụng…” - ông Minh nói. Thấy ông Minh trồng có hiệu quả, nhiều nông dân trong vùng lấy giống về trồng và đến nay đã có trên 10 ha trồng loại giống trên.
Ông Nguyễn Văn Em, ấp 2, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy trồng gần 1 ha lúa AP 2010 trong vụ lúa hè thu chính vụ 2014. Ông Em nhận xét: “Tôi thấy giống này có năng suất trội hơn nên đã thay đổi giống từ vụ hè thu sớm năm nay. Vụ hè thu chính vụ rồi, tôi canh tác gần 1ha lúa, năng suất trên 6 tấn/ha. Giống này chất lượng cao, xuất khẩu được. Thương lái mua cao giá hơn IR 50404. Giống này ít bệnh và cũng ngắn ngày như IR 50404. Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, tôi sẽ tiếp tục canh tác loại giống này. Hiện tại, gia đình cũng đã dự trữ giống cho vụ lúa sau”.
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết: “Loại giống AP 2010, AP 2013 đã xuất hiện trên địa bàn huyện trong vài vụ vừa qua. Diện tích trồng khoảng 3.000 - 4.000 ha. Ưu điểm của loại giống trên là ngắn ngày, năng suất tốt, giá cả hấp dẫn hơn giống IR 50404…
Tuy nhiên, loại giống này chưa được Nhà nước công nhận nên trong các hội thảo, hội nghị với nông dân và các xã, chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo bà con không nên trồng ào ạt loại giống này. Thực tế, có lúc giá của giống lúa này lại thấp hơn IR 50404”.
Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết: Đây là giống lúa “lậu”, được nông dân trồng theo phong trào. Vụ trước thu hoạch, nông dân lấy giống nhân ra cho các vụ sau. Ngành Nông nghiệp huyện cũng không thể thống kê được diện tích giống lúa này, bởi các xã báo về thì đánh đồng giống lúa trên với IR 50404.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng không khuyến cáo bà con nông dân trồng loại giống trên. Bởi thực tế, chất lượng, năng suất, giá bán hấp dẫn hơn IR 50404 nhưng đến một thời điểm nào đó, thị trường bão hòa thì giá cả sẽ tuột dốc không phanh.
Tuy nhiên, khi hỏi về xuất xứ giống lúa AP 2010, AP 2013 thì hầu hết nông dân đều không biết. Hỏi các nhà chuyên môn thì được biết, cách nay 2 năm, tại tỉnh An Giang, 1 cán bộ ngành Nông nghiệp đã chọn dòng, phục tráng và đưa vào sản xuất 1 giống lúa mới mang tên AP 2010. AP là tên viết tắt của huyện An Phú và 2010 là năm bắt đầu làm thử nghiệm.
Cho đến nay, giống lúa mới đã chứng tỏ được những ưu điểm về phẩm chất hạt gạo và hoàn toàn có thể thay thế giống IR50404 đang trồng phổ biến hiện nay. Trong năm 2013, Phòng NN&PTNT huyện An Phú tiếp tục cho ra đời giống lúa AP 2013 có chất lượng tốt hơn giống lúa AP 2010.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện An Phú, tỉnh An Giang, giống lúa AP 2010 được chọn từ một loại giống IR 50404 dẻo. Đặc điểm nổi bật của giống lúa AP 2010 là hạt dài, chất lượng gạo ngon, không bạc bụng và thời gian sinh trưởng cũng ngắn tương đương như giống IR 50404.
Ngoài ra, giống lúa này sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, năng suất qua khảo nghiệm đạt rất cao. Thử nghiệm tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang trong những vụ vừa qua, giống lúa AP 2010, AP 2013 rất thích hợp, năng suất đều vượt trội hơn IR 50404, có thể cao hơn từ 1 - 1,5 tấn/ha so với giống IR 50404. Đặc tính sinh trưởng của giống này từ 90 - 91 ngày. Nó có ưu điểm là kháng bệnh đạo ôn, lem lép hạt và cháy bìa lá…
Sắp tới, giống lúa AP 2010 sẽ tiếp tục được ngành Nông nghiệp huyện An Phú lai tạo để có thêm mùi thơm nhẹ hơn, nhằm tăng giá trị và chất lượng.
Từ thực tế sản xuất trên đồng ruộng, thiết nghĩ các ngành chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên khảo sát và có kết luận để ngành Nông nghiệp các tỉnh nói chung, Tiền Giang nói riêng có cơ sở khuyến cáo nông dân trong việc canh tác giống lúa mới nêu trên, theo bà con nông dân là có nhiều ưu điểm, nếu không nói là khá hấp dẫn này.
SĨ NGUYÊN