Người dân chưa mặn mà với BHYT: Nguyên nhân vì sao?
Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); đồng thời thực hiện tốt các chính sách, chế độ về BHYT và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ... Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện BHYT đến người dân còn nhiều khó khăn, bất cập, không ít người dân chưa “mặn mà” với BHYT. Trước thực trạng này, biện pháp khắc phục ra sao?
Thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT. Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan BHXH tỉnh, tính đến tháng 7-2014, số người tham gia BHYT chỉ chiếm 59,3%.
Khảo sát việc triển khai thực hiện Dự án phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại Tiền Giang do Quỹ Fred Hollows tài trợ. |
Qua khảo sát thực tế cho thấy, đa số người tham gia BHYT thuộc diện đối tượng chính sách; cán bộ hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; học sinh, sinh viên (HSSV); người nghèo và một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp. Riêng người lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, làm nghề nông… tham gia BHYT tự nguyện không nhiều, trong khi đây là đối tượng chiếm số đông ở cộng đồng và cần được vận động tham gia.
Chính sách BHYT là lý tưởng với mọi người, nhưng trên thực tế lại chưa thu hút nhiều đối tượng tham gia, do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc tham gia BHYT. Mặt khác, do tình trạng quá tải ở bệnh viện các tuyến; thủ tục khám, chữa bệnh (KCB) còn nhiêu khê; còn có sự phân biệt giữa KCB theo yêu cầu và KCB BHYT khiến người dân chưa mấy “mặn mà” với BHYT và mức đóng BHYT hiện nay không phải ít… Vì vậy, đa phần người tham gia BHYT tự nguyện đều là những người có bệnh, nhất là bệnh mãn tính.
Bà Nguyễn Thị Mười Hai (ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành) rất muốn tham gia BHYT tự nguyện để vợ chồng mỗi khi ốm đau được xã hội chia sẻ bớt gánh nặng, nhưng với công việc làm thuê hàng ngày, thu nhập không ổn định, thì việc chi gần 1,2 triệu đồng mua thẻ BHYT cho vợ chồng không phải là số tiền nhỏ trong khi vợ chồng bà Mười Hai còn phải nuôi thêm 3 người con. Ngược lại, những người khỏe mạnh, ít ốm đau, bệnh tật có khi cả năm chưa sử dụng đến thẻ BHYT lần nào thì càng khó vận động tham gia BHYT tự nguyện.
Theo phân tích của một cán bộ phòng thu của cơ quan BHXH tỉnh, sở dĩ tỷ lệ người tham gia BHYT chưa như kỳ vọng là do còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Các nhóm đối tượng tham gia không đều, phần lớn tập trung ở nhóm đối tượng bắt buộc (gồm người nghèo; người lao động tại các khu, cụm công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội…).
Trong khi đó, nhóm tự nguyện hộ gia đình, nhóm cận nghèo chiếm tỷ lệ tham gia BHYT thấp, đến tháng 7-2014 mặc dù ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng, nhưng chỉ có 298.000 người tham gia, đa số là những người thường xuyên ốm đau, có tiền sử bệnh tật, có nhu cầu khám, chữa bệnh hoặc chỉ tham gia BHYT khi có nguy cơ mắc bệnh. Riêng đối tượng HSSV, năm học 2013 - 2014 toàn tỉnh chưa đạt tỷ lệ 95% tham gia theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Mặt khác, tình trạng lạm dụng trong KCB BHYT vẫn còn xảy ra; mức đóng BHYT chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia; tỷ lệ tham gia BHYT của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn thấp; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT và thậm chí còn nợ ngân sách (đến tháng 7-2014 tổng nợ BHYT là 26,108 tỷ đồng). Các chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHYT, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân cũng chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành, thị…
Vừa qua, Đoàn khảo sát tình hình cấp phát thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đã đến làm việc với nhiều địa phương trong tỉnh. Đã có không ít địa phương cho rằng, dù có nhiều ưu việt, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính như:
Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chính sách BHYT chưa đầy đủ; tính chia sẻ cộng đồng còn hạn chế; tỷ lệ nhân dân tham gia BHYT chưa cao do nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động. Bên cạnh đó, chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở KCB ban đầu chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân, dẫn đến tình trạng KCB vượt tuyến, khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao…
Những khó khăn, hạn chế nêu trên được cơ quan BHXH tỉnh đã và đang khắc phục bằng nhiều giải pháp, trong đó xác định 2 giải pháp chính là tăng cường tuyên truyền thường xuyên, liên tục để người dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHYT và nâng chất lượng KCB BHYT… Có như thế, mục tiêu BHYT toàn dân ở tỉnh ta nói riêng và toàn quốc nói chung mới đạt được yêu cầu.
HOÀI THU