Sự cần thiết PCCC tại các cửa hàng tạp hóa
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn, trong đó có nhiều vụ cháy cửa hàng tạp hóa, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Ở Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2014, các vụ cháy cửa hàng tạp hóa xảy ra không nhiều, không có thương vong về người, nhưng con số thiệt hại về tài sản khá lớn, có vụ lên đến hàng tỷ đồng.
Thực tập phòng cháy, chữa cháy. |
Từ thực tế các vụ cháy cho thấy: Nguyên nhân gây ra các vụ cháy tại các cửa hàng tạp hóa hầu hết là do ý thức chủ quan của người dân, nhất là do sử dụng các thiết bị điện không đảm bảo an toàn và sơ xuất, bất cẩn khi dùng lửa. Trong khi đó, tại các cửa hàng tạp hóa thường tập trung nhiều loại hàng hóa dễ cháy và cháy lan nhanh như: Các loại giấy, vật dụng bằng nhựa, bao bì, túi xốp…
Không cần qua công tác kiểm tra, bình thường khi đến các cửa hàng tạp hóa hiện nay, điều dễ nhận thấy nhất là sự bề bộn, trừ một số cửa hàng có quy mô lớn, mặt bằng rộng. Tuy nhiên, ở những nơi này, kho chứa cũng thiếu ngăn nắp. Nhiều chủ cửa hàng vì muốn tận dụng không gian trưng bày và sự “tiện lợi”đã bày hàng kín cả lối đi, vì thế khi sự cố cháy xảy ra, không có lối thoát nạn, việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ gặp khó khăn.
Thực tế, hầu hết các vụ cháy từ cửa hàng tạp hóa, tài sản thiệt hại thường là 100%. Chẳng hạn như vụ cháy 1 cửa hàng tạp hóa xảy ra trên địa bàn ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho vào đầu tháng 1-2014 đã làm thiệt hại 100% căn nhà và hàng hóa trị giá trên 1 tỷ đồng. Hay như vụ cháy tại 1 cửa hàng kinh doanh bao bì nhựa, hộp xốp trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP. Mỹ Tho.
Mặc dù, lực lượng chữa cháy đã tích cực cứu chữa nhưng do tiệm tạp hóa chứa nhiều chất dễ cháy nên đám cháy lan sang 2 hộ lân cận. Mức độ thiệt hại gần 90% căn hộ và hàng hóa, thiệt hại ước tính 1,5 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do chập đường dây dẫn điện từ cầu chì trời vào nhà gây cháy.
Vì vậy, việc phòng ngừa cháy, nổ ở các cửa hàng tạp hóa là rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), các cửa hàng tạp hóa cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Bố trí mặt bằng giữa khu bán hàng và kho riêng biệt, có tường ngăn cháy, bố trí khu vực bán hàng thành từng khu, lô hàng hóa riêng biệt tạo khoảng cách ngăn cháy lan.
Bố trí ít nhất 2 cửa đi thoát nạn, cửa thoát nạn phải là loại cửa lùa, mở ra phía ngoài nhà, không khóa cửa thoát nạn trong quá trình hoạt động.
Lắp đặt dây dẫn điện và thiết bị điện theo đúng tiêu chuẩn, dây dẫn phải luồng trong ống bảo vệ, lựa chọn cầu dao tự động để bảo vệ tách riêng điện kinh doanh, điện chiếu sáng bảo vệ thành hệ thống riêng biệt.
Thường xuyên quan tâm thực hiện nội quy PCCC tại cơ sở, nhắc nhở những người làm việc tại cửa hàng nêu cao ý thức cảnh giác, tự giác chấp hành nội quy, quy định về PCCC.
Không bố trí xăng, dầu, chất dễ cháy khác chung trong khu vực bán hàng.
Trang bị các phương tiện chữa cháy phù hợp. Đối với cửa hàng trên 300 m2 thì lắp đặt hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động và trang bị bình chữa cháy xách tay theo quy định.
Lập đội, tổ PCCC tại cơ sở và tổ chức huấn luyện nhiệm vụ PCCC cho lực lượng tại chỗ.
Bố trí người trực bảo vệ, tuần tra, canh gác vào ban đêm để kịp thời phát hiện cháy và chữa cháy hiệu quả khi mới phát sinh.
Thực hiện đầy đủ các giải pháp trên thì các chủ cửa hàng tạp hóa không những góp phần cùng lực lượng chức năng phòng ngừa tốt trong công tác PCCC mà còn bảo vệ tài sản của chính mình.
HỒ SƯƠNG