Chung tay phát huy lợi thế hàng Việt trên "sân nhà"
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Công thương, hiện đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt Nam có chất lượng cao.
Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm từ 80 - 90% tại hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp (DN) trong nước và chiếm 90% tại hệ thống các điểm (trên 9.000 điểm) bình ổn thị trường. Riêng trên địa bàn tỉnh có 85% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị.
Hiệu quả nhiều mặt
Với nhiều giải pháp được áp dụng trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã mang lại những kết quả khả quan.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cuộc vận động cho đến thời điểm này chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng DN, nhà quản lý, cũng như toàn xã hội.
Kết quả, trong 5 năm thực hiện cuộc vận động, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong hệ thống cửa hàng, siêu thị; lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối, đặc biệt là đưa hàng Việt Nam về chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Người tiêu dùng mua sắm hàng Việt tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại TP. Mỹ Tho năm 2014. |
Riêng đối với DN, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có 3 tác động rõ ràng. Trước tiên, nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng; tạo suy nghĩ hàng Việt Nam cũng có nhiều hàng chất lượng, giá cả hợp lý.
Thứ hai, giúp DN sản xuất, kinh doanh ngày càng tự ý thức, cải thiện mình để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trong môi trường cạnh tranh, nếu DN Việt Nam không tự nâng cao chất lượng sản phẩm thì sớm hay muộn sẽ bị bật khỏi thị trường. Thứ ba, cuộc vận động cũng giúp cho hệ thống phân phối, đặc biệt hệ thống phân phối hàng Việt Nam có cơ hội tăng trưởng, phát triển.
Còn người tiêu dùng cũng đã nhận thức tốt hơn về hàng Việt. Theo đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có bước chuyển đáng kể, đó là xu hướng chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, thể hiện được tinh thần yêu nước của người dân.
Vừa là động lực, vừa là áp lực
hông còn ở thế yếu so với hàng ngoại như những năm trước, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ. Theo nhận định của Sở Công thương, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt đã có những chuyển biến rõ rệt, đồng thời chất lượng hàng hóa trong nước cũng đã được nâng lên.
Tuy nhiên, để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ là một phong trào sớm nở tối tàn, thì cần sự nỗ lực dài hơi từ nhiều phía chung tay góp sức, với sự khích lệ từ phía Nhà nước, cố gắng của DN và sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Trước hết, về phía người tiêu dùng, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện đã phát sinh nhu cầu cao hơn về tiêu dùng. Vấn đề là làm thế nào để hàng nội có giá rẻ mà chất lượng chấp nhận được. Đã qua rồi cái thời kêu gọi lòng yêu nước chung chung, mà phải làm sao cho người dân thấy rằng mình có trách nhiệm đối với sự phát triển của nền kinh tế, trách nhiệm đối với việc tạo nhiều việc làm.
Thị trường vừa có sức hấp dẫn lại vừa tôn trọng sự chọn lựa của người tiêu dùng và bất cứ ai cũng có quyền từ chối một sản phẩm mình không vừa ý. Điều này đặt trên vai của nhà sản xuất một trách nhiệm nặng nề là không để đánh mất lòng tin của người dân vào hàng hóa do mình làm ra. Thực tế cho thấy, chất lượng sản phẩm không ổn định là một trong những lý do khiến người tiêu dùng dè dặt với hàng nội. Lúc này, trái bóng “ưu tiên dùng hàng Việt” lại thuộc về phần sân của nhà sản xuất.
Đã có ý kiến cho rằng, tại sao cứ phải hô hào dùng hàng Việt là yêu nước, mà không đặt lời kêu gọi ngược lại cho nhà sản xuất lấy đạo đức kinh doanh làm thước đo lòng yêu nước, để từ đó buộc DN phải có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng bằng những sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý, phục vụ cho đời sống người dân, cũng là cách làm giàu cho mình và cho đất nước.
Riêng trách nhiệm của Nhà nước trong điều hành là nhằm giúp DN có thể sản xuất hàng hóa với giá thành thấp và chất lượng cao. Nhưng trong vai trò quản lý, Nhà nước vẫn chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật chuẩn để ngăn chặn hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường nội địa; chưa chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả đến nơi đến chốn để bảo vệ nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Ngoài ra, với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất, các cơ quan Nhà nước cần nêu gương trong việc thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng cách phải ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ được cung ứng từ DN trong nước.
Trong xu thế toàn cầu hóa, khi mà Nhà nước mất dần đặc quyền sử dụng chính sách bảo hộ để nuôi sống công nghiệp trong nước, thì sự tự nguyện của người dân dùng hàng hóa sản xuất trong nước là nhân tố vô cùng quan trọng đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn để phát triển.
Với ý nghĩa, mục đích của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động là nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao, cũng chính là một phản ứng có điều kiện trước những thách thức gay gắt.
HỮU NGHỊ