Giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông từ rượu, bia
Theo phân tích của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) là do người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia. Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009) và Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) đã xử phạt nghiêm khắc đối với người tham gia điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức cho phép.
UỐNG RƯỢU BIA, ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG DẪN ĐẾN TNGT
Trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 300 vụ TNGT, làm chết 180 người, làm bị thương 273 người. Qua phân tích các vụ TNGT trên cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân chính gây ra TNGT; trong đó tập trung ở các lỗi gây TNGT là chạy quá tốc độ, tránh, vượt sai quy định, uống bia rượu say...
Theo phân tích của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Công an Tiền Giang), trong số TNGT xảy ra nêu trên, đã có 14 vụ xảy ra mà nguyên nhân do uống rượu bia say trước khi điều khiển phương tiện (chiếm 4,67% tổng số vụ TNGT).
Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào lúc 11 giờ ngày 13-6 trên đường Ấp Bắc (phường 10, TP. Mỹ Tho) giữa mô tô 63FV-1087 với người đi xe đạp (tên D.P.H, SN 1959, ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho) trong trạng thái có uống rượu.
Đến đoạn đường trước khách sạn Hướng Dương (đường Ấp Bắc), người điều khiển xe đạp loạng choạng đảo tay lái ra phía ngoài, va chạm với mô tô 63FV-1087 đang vượt qua mặt xe đạp. Cả 2 té nhào và tự thương lượng nhưng đến 14 giờ cùng ngày, ông D.P.H được gia đình đưa đến bệnh viện thì tử vong.
Cấp cứu nạn nhân TNGT liên quan đến điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia. |
Đến 20 giờ cùng ngày, gia đình nạn nhân đến Đội CSGT trình báo. Nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do điều khiển xe đạp trong trạng thái uống rượu, bia không làm chủ được tay lái gây tai nạn; người điều khiển mô tô (63FV-1087) vượt xe đạp không đảm bảo an toàn, gây tai nạn.
Hoặc vào lúc 15 giờ ngày 2-9, tại tỉnh lộ 862 (ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, TX. Gò Công), Phan Minh Tuấn điều khiển mô tô BS 51Y7-9106 lưu thông hướng TX. Gò Công - huyện Gò Công Đông. Đến địa điểm này, Tuấn điều khiển xe lấn trái đường nên va chạm với mô tô BS 63F7-3508 do Nguyễn Trường Vũ điều khiển đi hướng ngược lại; tiếp đó, xe 51Y7-9106 tiếp tục va chạm với mô tô BS 63B6-12369 do ông P.V.L điều khiển đi hướng ngược lại.
Sau khi va chạm, xe 51Y7-9106 tiếp tục va chạm với xe đạp điều khiển đi cùng hướng. Hậu quả, ông P.V.L chết tại chỗ, Tuấn bị chấn thương đầu, Vũ và người điều khiển xe đạp bị xây xát nhẹ. Nguyên nhân vụ tai nạn do Tuấn sau khi có uống rượu điều khiển xe 51Y7-9106 đi không đúng phần đường gây TNGT…
Trên đây chỉ là đơn cử số ít trong những vụ TNGT dẫn đến chết người mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia không làm chủ được tay lái khi tham gia giao thông. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt nhận xét:
Hầu hết các trường hợp TNGT và va quẹt giao thông xảy ra khi có lực lượng CSGT đến hiện trường lập biên bản thì người gây ra TNGT hoặc là nạn nhân đều có liên quan đến rượu bia. Có những vụ TNGT, người gây ra tai nạn say rượu đến nỗi không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn trong máu.
Một số đối tượng còn quá khích cự cãi, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, thậm chí kể cả chống đối y bác sĩ khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện, hiện tượng nạn nhân bị TNGT khi được đưa vào cấp cứu trong tình trạng say rượu, la hét thậm chí còn chửi rủa nhân viên y tế đang xử lý vết thương… là chuyện thường xuyên xảy ra.
Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia say là hết sức cần thiết nhằm hạn chế TNGT do uống bia, rượu gây ra.
GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TNGT TỪ RƯỢU, BIA
Luật GTĐB năm 2008 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 quy định: “Nghiêm cấm người điều khiển ô - tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, “người điều khiển mô-tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” sẽ bị phạt. Đây là mức thấp hơn so với quy định của Luật GTĐB năm 2001 và là mức mà 35 nước trên thế giới hiện đang áp dụng.
Còn theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014), quy định về chỉ số nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở làm căn cứ xử phạt được quy định cụ thể và mức phạt nghiêm khắc hơn so với trước đây.
Chẳng hạn, có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm bị phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng. Tương tự, mức phạt tiền sẽ từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung khác như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Về giải pháp hạn chế tình trạng uống rượu, bia quá mức cho phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:
Ban ATGT đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về vấn đề này; trong đó chú trọng đến hậu quả của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia say cùng mức xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Đặc biệt là Ban ATGT tỉnh sẽ có công văn gửi các ban, ngành, Ban ATGT các địa phương đề nghị tập trung thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ thị của Công văn 4676/UBND-KTN ngày 23-9-2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật và xử lý các vi phạm về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
HỮU CHÍ