Thứ Sáu, 10/10/2014, 13:56 (GMT+7)
.

Hoạt động Đoàn ở cơ sở - nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Những năm gần đây, hoạt động Đoàn của tỉnh không ngừng được đẩy mạnh.  Song thực tế ở cấp cơ sở vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn. Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn ở cơ sở trong tình hình hiện nay đang là vấn đề được các cấp bộ Đoàn quan tâm.

Bài 1: Những khó khăn của Đoàn ở cơ sở

Số lượng đoàn viên ít, kinh phí eo hẹp, kỹ năng của cán bộ Đoàn còn hạn chế… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng sinh hoạt Đoàn ở cơ sở chưa cao, thậm chí thấp. Qua đó tác động việc tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) gặp không ít khó khăn.

Năm 2013, Tỉnh đoàn đã tiến hành khảo sát, cho thấy số lượng đoàn viên khối nông thôn giảm mạnh, số lượng các chi đoàn trên địa bàn dân cư dưới 10 đoàn viên chiếm 50%, thậm chí một vài nơi chỉ có 4 đoàn viên, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các chi đoàn cũng giảm sút.

ĐV-TN ra quân vớt lục bình khơi thông dòng chảy.
ĐV-TN ra quân vớt lục bình khơi thông dòng chảy.

KHÓ TẬP HỢP THANH NIÊN

Toàn tỉnh hiện có 309.872 thanh niên (từ 15 - 35 tuổi), trong đó có 70.000 đoàn viên và 88.000 hội viên Hội LHTN, chỉ chiếm xấp xỉ 50% tổng số thanh niên. Số còn lại, phần đông tham gia lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc đang theo học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học…

Anh Nguyễn Bình Khánh, Bí thư Chi đoàn ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông, huyện cù lao Tân Phú Đông cho biết: Chỉ tổ chức họp chi đoàn vào buổi tối, vì ban ngày các bạn bận đi làm. Chi đoàn hiện chỉ có 8 đoàn viên, nên việc triển khai thực hiện các phong trào rất khó vì lực lượng quá “mỏng”.

Trước đây, Xã đoàn Phú Đông có lúc trên 200 đoàn viên; thế nhưng hiện tại chỉ còn 84 đoàn viên tham gia sinh hoạt tại 9 chi đoàn ấp. Có chi đoàn còn duy trì họp hàng tháng, có chi đoàn 2 - 3 tháng mới họp 1 lần hoặc sinh hoạt ghép với các chi đoàn khác - chị Thái Thị Ngọc Hân, Bí thư Xã đoàn chia sẻ.


Tuy là cơ sở Đoàn được công nhận vững mạnh, nhưng Xã đoàn Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây cũng không ngoại lệ. Anh Lê Anh Chiến, Bí thư Xã đoàn cho biết: “Hầu như việc duy trì sinh hoạt chi đoàn ấp hàng tháng không thể thực hiện. Đa số chi đoàn 2 - 3 tháng mới sinh hoạt một lần. Mỗi khi có việc cần bàn, bí thư chi đoàn phải đi đến từng nhà đoàn viên từ mấy hôm trước để mời họp, vậy mà số lượng đoàn viên tham gia cũng không đông đủ…”.

Nhiều bí thư Xã đoàn tâm sự rằng: Thanh niên bây giờ không có gì ràng buộc với Đoàn và Hội LHTN nên tập hợp họ rất khó khăn. Vả lại, nhiều bạn đã lập gia đình, bận lo việc nhà hoặc lo làm ăn nên ít “mặn mà” với hoạt động đoàn thể…

Chị Võ Thị Búp, Bí thư Thị đoàn Cai Lậy cho biết: Qua khảo sát, TX. Cai Lậy có trên 12.000 thanh niên, nhưng thực chất tham gia sinh hoạt là 8.915. Số thanh niên giảm là do bận đi làm ăn xa. Có nơi thanh niên đi làm ăn xa chiếm trên 70% tổng số thanh niên, vì vậy đã ảnh hưởng đến công tác tập họp và hoạt động Đoàn ở cơ sở.

“THỦ LĨNH” THANH NIÊN THAY ĐỔI LIÊN TỤC

Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Đoàn, Hội LHTN ở cơ sở hiện nay là “thủ lĩnh” thanh niên thường xuyên biến động, nhiều nơi bí thư chi đoàn vừa thiếu lại vừa yếu. Cụ thể, Xã đoàn Long Hưng (TX. Gò Công) hiện có 4 chi đoàn ấp, trong đó vừa mới thay đổi Bí thư Chi đoàn ấp Hưng Phú.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Thuận, Bí thư Xã đoàn Long Hưng chia sẻ: Vì nhiều lý do, trong đó có lý do đặc biệt là gánh nặng mưu sinh nên nhiều khi vừa kiện toàn xong, làm “thủ lĩnh thanh niên” được chỉ mấy tháng đã xin “từ chức”.

Chi đoàn ấp 1 (thuộc Xã đoàn Bình Xuân, TX. Gò Công) cũng vừa mới thay Bí thư. Được biết, mỗi năm Xã đoàn Bình Xuân đều thay đổi 1 - 2 bí thư chi đoàn vì nhiều lý do khác nhau.

Anh Trần Công Viên, Bí thư Xã đoàn Bình Xuân cho biết: “Năm 2009, Xã đoàn đã thay đổi 6 bí thư chi đoàn do lớn tuổi, bận đi làm ăn xa, đi học hoặc nghỉ thai sản… Có bí thư chi đoàn làm được vài năm có kinh nghiệm, đã xin “trưởng thành Đoàn” để lo cho vợ (chồng) con. Cũng bởi thiếu nguồn nhân lực mà nhiều nơi cán bộ Đoàn, bí thư chi đoàn đã lớn tuổi vẫn phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm “thủ lĩnh thanh niên”, như Bí thư Chi đoàn ấp 7 Trương Lê Bách…”.

Anh Phạm Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 1.073 chi đoàn ấp (khu phố). Bí thư chi đoàn ấp (khu phố) hàng tháng chỉ được trợ cấp bằng 0,3 mức lương tối thiểu, còn phó bí thư chi đoàn thì không.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cán bộ chi đoàn không thiết tha với công tác Đoàn, dù cho họ có tâm huyết đi nữa. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, Huyện đoàn Tân Phú Đông đã thay đổi gần 50% bí thư chi đoàn ấp - con số đáng “báo động”…  

Về kỹ năng hoạt động Đoàn của những “thủ lĩnh thanh niên”, chị Phan Thị Thùy Dung, Bí thư Thành đoàn Mỹ Tho cho rằng, hoạt động Đoàn ở cơ sở phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Thế nhưng thực tế hiện nay, đa số cán bộ Đoàn cơ sở hạn chế về kỹ năng.

Những “thủ lĩnh” này không tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy cơ sở do thiếu mạnh dạn. Từ đó dẫn đến hoạt động Đoàn ở một số nơi rơi vào thế “độc lập”, không thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia...

Cũng bởi lực lượng thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội hạn chế, khó tìm “thủ lĩnh” nên hoạt động Đoàn, Hội ở nhiều nơi thường chỉ rộ lên vào một vài thời điểm nào đó, những khi khác thì hoạt động “cầm chừng”.

PHƯƠNG MAI

Bài cuối:
Giải pháp để tập họp thanh niên và nâng chất hoạt động Đoàn cơ sở

.
.
.