Không nên trồng mít Thái siêu sớm theo phong trào
Mít Thái siêu sớm (mít siêu sớm) là giống cây ngoại được du nhập vào Việt Nam và trồng phổ biến ở miền Nam trong vài năm trở lại đây. Với ưu thế trồng mau cho trái (18 tháng), năng suất cao (có thể đạt từ 25 - 40 tấn/ha) nên được nhiều nông dân chuộng trồng. Tại Tiền Giang, mít siêu sớm được trồng nhiều ở huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè.
DỄ TRỒNG, MAU CHO TRÁI
Dọc các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn của các xã: LongTrung, Hội Xuân, Tam Bình (huyện Cai Lậy), mít siêu sớm được trồng rất phổ biến. Phần lớn loại cây ăn trái này được trồng theo hình thức xen canh; một số ít trồng chuyên canh. Anh Lê Văn Bé Ba, ấp Hội Lễ, xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy) cho biết, anh trồng mít siêu sớm đã được hơn 2 năm.
Đợt đầu, anh trồng 70 cây xen vườn sầu riêng và đã cho trái. Đợt thứ 2, anh trồng tiếp 120 cây, đến nay đã hơn 1 năm tuổi. Nói về sự lựa chọn cây mít siêu sớm, anh Bé Ba bày tỏ:
“2 năm trước, tôi thấy xung quanh ai nấy đều trồng mít siêu sớm, nhiều người trồng thu được lợi nhuận cao, lại dễ trồng nên tôi cũng trồng theo để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Do trồng xen, cây lại cho thu hoạch không tập trung nên từ khi trồng đến nay, tôi cũng chưa tính toán lời lỗ thế nào”.
Ông Lê Mười (xã Long Trung, huyện Cai Lậy) đã có 7 năm trồng mít siêu sớm. |
Ông Lê Mười, ở ấp 16, xã Long Trung là 1 trong những người đầu tiên đưa cây mít siêu sớm về vùng này và trồng theo hình thức chuyên canh. Ông cho biết, sau thời gian dài trồng nhãn không hiệu quả và một phần vì bệnh “chổi rồng”, năm 2007 ông quyết định chuyển sang trồng mít siêu sớm.
Qua 2 đợt trồng đến nay, vườn mít siêu sớm rộng 1 ha của ông có trên 1.000 cây. Khi được hỏi vì sao chọn cây trồng còn khá mới mẻ này, ông cho biết: “Thực ra, trồng mít siêu sớm cho thu nhập không bằng sầu riêng nhưng hiệu quả cũng khá tốt.
Mít có ưu thế là dễ trồng, chi phí chăm sóc thấp, mau cho trái nên nhiều bà con chọn trồng xen để tăng thêm thu nhập và đặc biệt thích hợp cho những gia đình không có công chăm sóc như gia đình tôi. Mặt khác, cây cho trái gần như quanh năm (mùa thuận năng suất trái nhiều hơn mùa nghịch) và dễ xử lý cho trái tập trung để đón giá”.
Theo UBND xã Long Trung, cây mít siêu sớm chỉ phát triển trong vài năm trở lại đây. Hiện xã có khoảng 8 ha trồng mít, chủ yếu trồng xen vào vườn sầu riêng. Một số ít diện tích trồng chuyên canh được chuyển từ những vườn nhãn bị bệnh “chổi rồng” không phục hồi được hoặc vườn cây ăn trái không hiệu quả.
Tại xã Tam Bình, ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã ước tính trên địa bàn xã có khoảng 100 ha mít siêu sớm và hầu hết xen canh vườn sầu riêng. Hiện nay, chưa được thống kê đầy đủ nhưng theo nhận định của giới chuyên môn, trên địa bàn tỉnh, mít siêu sớm đã phát triển lên đến cả ngàn ha, trong đó tập trung ở huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè với hình thức chủ yếu trồng xen với các cây trồng khác.
KHÔNG NÊN PHÁT TRIỂN Ồ ẠT ĐỂ TRÁNH CUNG - VƯỢT CẦU
Cũng như các loại cây ăn trái khác, khi mít siêu sớm phát triển nhanh về diện tích thì giá trở nên rất bấp bênh. Theo nhiều nhà vườn, thời gian qua, có lúc giá mít siêu sớm lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng cũng có lúc chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg. Do phần lớn diện tích mít được trồng theo hình thức xen canh nên rất khó hạch toán lời lỗ. Tuy nhiên, theo ước tính của một số nhà vườn, nếu giá mít dưới ngưỡng 7.000 - 8.000 đồng/kg thì người trồng sẽ lỗ vốn.
Theo ông Trần Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã Long Trung, hiện nay mít siêu sớm không có doanh nghiệp đầu mối thu mua, tiêu thụ với sản lượng lớn và ổn định nên giá cả rất thất thường. Vả lại, mít không phải là cây trồng chủ lực nên ít được quan tâm hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, cũng như phòng trừ sâu bệnh. Việc trồng xen mít siêu sớm trong vườn sầu riêng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của cây sầu riêng. Vì thế, xã không khuyến khích phát triển mạnh cây trồng này trên địa bàn.
Theo ghi nhận của chúng tôi từ nhà vườn, thời gian gần đây, trên mít siêu sớm đã bắt đầu xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại như xì mủ thân, đen xơ múi, nứt trái... Trong đó, bệnh xì mủ thân, đen xơ múi mít đang rất phổ biến và gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Bệnh xì mủ thân làm cho cây giảm năng suất, giảm chất lượng trái, cây suy kiệt và chết rất nhanh.
Đến nay, nhà vườn vẫn chưa tìm ra được phương cách phòng trị hữu hiệu bệnh này. Còn bệnh đen xơ múi rất khó phát hiện do trái vẫn phát triển bình thường, chỉ sau khi trái mít già bổ ra mới thấy xuất hiện đen ở múi, múi bị sượng, không ngọt (nếu bị nhiễm nhẹ thì thương lái mua giá thấp, còn bị nặng thì thương lái không mua) gây thất thu đáng kể cho nhà vườn.
Dù xuất hiện chưa được bao lâu nhưng mít siêu sớm có bước phát triển khá nhanh trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng nông dân đua nhau trồng mít siêu sớm, một số nhà chuyên môn đã cảnh báo nông dân không nên trồng theo phong trào, cần cẩn trọng khi quyết định lựa chọn trồng mít siêu sớm nói riêng cũng như những cây trồng khác nói chung. Và thực tế, người trồng đã từng phải lao đao vì mít siêu sớm rớt giá.
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, cho biết: Thời gian qua, mít siêu sớm được trồng xen vào vườn cây ăn trái rất nhiều với mật độ dày, thưa khác nhau. Đến nay, ngành Nông nghiệp huyện chưa thống kê diện tích mở rộng của cây trồng này.
Tuy nhiên, đây không phải là cây trồng chủ lực nên huyện không chủ trương phát triển chúng. “Thực tế, thời gian qua, giá mít siêu sớm rất bấp bênh, cộng với trồng theo hình thức xen canh nên đến nay ngành cũng chưa đánh giá được hiệu quả của cây ăn trái này đến mức nào. Vì thế, ngành khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt cây trồng này để tránh trường hợp cung vượt cầu” - ông Thanh cho biết.
N.VĂN