Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử
Thời gian qua, HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong hoạt động thực tiễn.
Tại Hội nghị giao ban HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ 22 vừa diễn ra tại Tiền Giang, đại diện lãnh đạo HĐND một số tỉnh, thành ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ quan dân cử. Báo Ấp Bắc lược ghi những giải pháp được đại biểu đánh giá cao tại hội nghị.
ÔNG TRẦN VĂN THƯỜNG, PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND TP. CẦN THƠ:
Luôn quan tâm đến “sức sống” các nghị quyết
Điểm nổi bật của HĐND TP. Cần Thơ trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 là đã ban hành nhiều nghị quyết tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, được các cấp, các ngành và nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả. Để đạt được kết quả này, Thường trực HĐND quan tâm thực hiện một số việc như:
Một là, luôn quan tâm đến “sức sống” các nghị quyết còn hiệu lực thi hành; đồng thời giao các ban phụ trách theo lĩnh vực của HĐND theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết.
Hai là, các ban của HĐND theo dõi sát nội dung chương trình của các sở, ngành và ý kiến của UBND tại các cuộc họp, nắm bắt những nội dung trọng tâm. Đối với các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, các ban chủ động mời các sở, ngành liên quan họp giải trình, làm rõ để các đại biểu HĐND thành phố xem xét, quyết nghị.
Ba là, các ban của HĐND thực hiện giám sát có nhiều sáng tạo, kiến nghị thuyết phục, thông qua nghị quyết sát thực tiễn cuộc sống, khả thi, được HĐND tiếp thu và nhân dân đồng tình. Đơn cử như: Ban Pháp chế trực tiếp khảo sát đối tượng chịu sự tác động của dự thảo nghị quyết về chế độ, mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách ở xã, ấp.
Qua khảo sát, cho thấy đề xuất của ngành chuyên môn đối với dự thảo nghị quyết chuẩn bị trình chưa sát, vì vậy Thường trực HĐND và các ban của HĐND đã có kiến nghị và được HĐND thống nhất nâng mức phụ cấp lên khoảng 1/3 so với dự thảo nghị quyết đề xuất ban đầu. Ban Văn hóa - Xã hội qua các đợt giám sát đã kiến nghị các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND và được UBND thống nhất trình HĐND thông qua nghị quyết về mức chi hỗ trợ cho giáo viên Mầm non.
Theo đó, mức hỗ trợ cho giáo viên Mầm non hàng tháng bằng 0,5 x mức lương cơ sở (tương đương 575.000 đồng), hỗ trợ trong 9 tháng/năm. Ngoài ra, nhằm tăng hiệu lực của nghị quyết ban hành, các kết luận của chủ tọa kỳ họp, HĐND còn quyết định ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó đề cập trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan trả lời chất vấn tại kỳ họp, là cơ sở để xem xét trách nhiệm của thủ trưởng nếu không thực hiện đúng nghị quyết…
BÀ LÊ HỒNG THU, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH BẠC LIÊU:
Ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm khai thác và phát huy nguồn lực của địa phương
Chúng tôi quan niệm, nếu HĐND chỉ dừng lại ở việc cụ thể và thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà không ban hành được các nghị quyết chuyên đề để tạo hành lang pháp lý nhằm khai thác và phát huy nguồn lực của địa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thì HĐND chỉ mới làm được một phần chức năng, quyền hạn của mình.
Xác định rõ tầm quan trọng đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua 17 nghị quyết chuyên đề, đã được cán bộ trong tỉnh đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ, đặc biệt là một số nghị quyết thực hiện chính sách như:
Nghị quyết về việc thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gặp khó khăn về nhà ở; Nghị quyết về thực hiện chính sách khen thưởng đối với hộ gia đình, tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chủ trương thu hồi đất và giao đất trước thời hạn;
Nghị quyết về quy định một số chính sách thu hút đối với cán bộ quản lý và giáo viên Mầm non về công tác ở những địa bàn khó khăn đặc thù của tỉnh; Nghị quyết về một số chính sách thu hút nguồn nhân lực về công tác tại tỉnh Bạc Liêu...
Các nghị quyết chuyên đề được HĐND tỉnh ban hành đảm bảo quy trình ban hành, phù hợp với quy định của pháp luật và nguồn lực thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của địa phương cũng như đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết, nên phần lớn các nghị quyết có tính khả thi cao và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Từ đó, vai trò của HĐND được công luận cũng như cử tri trong tỉnh đánh giá cao. Chúng tôi cho rằng, nội dung nghị quyết phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, giải quyết nhiệm vụ cụ thể về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; nội dung được lựa chọn ban hành phải thật sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống và của công tác quản lý xã hội.
Đánh giá đúng tình hình, tính toán kỹ nguồn lực và khả năng ngân sách của địa phương sẽ tránh được tình trạng ban hành nghị quyết mà không cân đối đủ nguồn lực thực hiện; đồng thời phải dự báo được những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của đất nước trong thời gian tiếp theo để có cơ chế, chính sách phù hợp...
ÔNG NGUYỄN HỮU TÁM, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH SÓC TRĂNG:
Xem xét, nhanh chóng quyết định những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm
Bên cạnh quyết định những vấn đề quan trọng, liên quan đến các nhiệm vụ thường xuyên như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ và quyết toán ngân sách, tổ chức bộ máy…, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Điển hình như ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ lãi suất mua máy gặt đập liên hợp thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Kết quả, đến nay toàn tỉnh hỗ trợ được 650 máy, trong đó người dân tự trang bị 350 máy, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa từ 25% lên 80%, giảm tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch từ 5% xuống còn 2%, chi phí thuê máy thấp hơn thuê thu hoạch thủ công khoảng 1,5 triệu đồng/ha, chất lượng lúa được nâng lên và tăng lợi nhuận cho nông dân…
Nói chung, việc ban hành nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành viên các ban của HĐND đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động thẩm tra, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thẳng thắn nêu những vấn đề còn thiếu sót, hạn chế. Những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đóng góp, hầu hết đều được UBND tỉnh tiếp thu, sửa đổi trước khi trình HĐND biểu quyết, thông qua.
Đặc biệt, từ khi ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của công dân được quy định chặt chẽ.
UBND tỉnh thực hiện nghiêm việc tổ chức cuộc họp chuyên đề (mời Thường trực, các ban của HĐND và các sở, ngành liên quan) đóng góp cho nghị quyết. Các ban của HĐND tham gia ngay từ đầu của quá trình chuẩn bị; các dự thảo nghị quyết đều được tổ chức lấy ý kiến theo đúng quy định và việc triển khai thực hiện nghị quyết luôn được ưu tiên quan tâm.
HOÀI THU