Để chương trình tiết kiệm năng lượng đi vào đời sống
Vai trò quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã rõ. Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sau đó Chính phủ và các Bộ có liên quan đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư quy định về vấn đề này; đây là các văn bản vừa tạo hành lang pháp lý, vừa mang tính chỉ đạo và định hướng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở các địa phương cũng không hề đơn giản.
Xông đèn cho thanh long, một công việc tiêu tốn nhiều năng lượng trong sản xuất nông nghiệp. |
Khó khăn trong thực hiện chương trình
Theo nhận định của các đại biểu tại Hội nghị TKNL toàn quốc lần thứ 7-2014 vừa qua, thì 2 yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình là kinh phí và con người. Ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công thương Long An cho biết, nguồn kinh phí hàng năm của Nhà nước cấp cho chương trình còn rất hạn chế, trong khi đối tượng trong khuôn khổ chương trình thì rất rộng và đa dạng.
Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp (DN) về vấn đề này còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận thông tin về công nghệ và giải pháp TKNL. Mặt khác, DN không có vốn hoặc không tiếp cận được các khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL.
Hiện tại, các cơ chế tài chính và nguồn vốn hỗ trợ cho việc đầu tư vào các dự án TKNL còn rất hạn chế, chủ yếu cho một số dự án thí điểm, trình diễn. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ giúp việc làm công tác TKNL phải kiêm nhiệm, còn hạn chế về trình độ chuyên môn nên việc triển khai chương trình trên địa bàn còn hạn chế.
Cùng nhận định trên, ông Trịnh Trầm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Bình Thuận cho rằng, giá thành của các dụng cụ, thiết bị TKNL còn khá cao nên người dân còn phân vân trong việc trang bị; cũng như các DN chưa dám đầu tư thiết bị cho các giải pháp TKNL do có kinh phí cao.
Kinh phí địa phương không phân khai cho hoạt động TKNL; kinh phí Trung ương cấp còn hạn chế và phân bổ về địa phương còn chậm. Nhận thức của cộng đồng và DN trong lĩnh vực TKNL còn hạn chế, chưa nhận thức sâu sắc hết được tầm quan trọng trong việc sử dụng TKNL, các biện pháp chế tài chưa được áp dụng triệt để nên nhiều DN chưa quan tâm.
Còn ông Nguyễn Thanh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh Bình Phước thì cho rằng DN là đối tượng sử dụng năng lượng nhiều nhất, nhưng các DN hiện nay chưa triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn cho người lao động kiến thức về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; chưa đủ kinh phí để thay đổi những dây chuyền đã cũ, lạc hậu tốn nhiều năng lượng, chưa kiểm toán năng lượng để đánh giá tiềm năng TKNL, một số chưa phối hợp tốt với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc báo cáo, cung cấp số liệu để xây dựng đường chuẩn năng lượng dẫn đến việc hướng dẫn gặp nhiều khó khăn.
Những giải pháp trong thời gian tới
Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và DN là vấn đề trước mắt đặt ra; đặc biệt là phải thực hiện triệt để các biện pháp chế tài để kích thích DN triển khai thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu về các giải pháp để thực hiện tốt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Văn phòng TKNL - Bộ Công thương, trong thời gian tới Bộ sẽ nâng cao năng lực của các Trung tâm TKNL ở các địa phương, đào tạo hệ thống cán bộ kiểm toán năng lượng; tăng cường công tác thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành Công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ cho các DN thay đổi dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, TKNL; riêng công tác tuyên truyền sẽ đi sâu vào từng đối tượng, với từng chuyên đề cụ thể. |
Theo dự báo của Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đến năm 2030 chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là công nghiệp (35,8%) nên việc vận động, hỗ trợ các DN sản xuất trong triển khai thực hiện chương trình là rất cần thiết.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ KHCN và TKNL - Bộ Công thương, cho biết trong thời gian tới, các địa phương cần liên kết tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo hội nghị chuyên đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong từng lĩnh vực, từng ngành, cùng việc tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cách quản lý vận hành, sử dụng thiết bị tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn DN và người dân nên chọn mua thiết bị sử dụng năng lượng có nhãn hiệu uy tín, có dán nhãn năng lượng, có hiệu suất năng lượng cao.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ các DN sản xuất các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm giá thành các sản phẩm khi đến tay người dùng. Hỗ trợ mạnh về tài chính và chính sách cho các DN sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học.
Các ngân hàng nên tạo điều kiện cho DN và người dân có nhu cầu tiếp cận vốn vay để cải tạo hay đầu tư mới các thiết bị TKNL. Ngoài ra, Văn phòng TKNL - Vụ khoa học và công nghệ thuộc Tổng cục Năng lượng cần xem xét hỗ trợ các dự án mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các địa phương.
SƠN PHẠM