Giá cước vận tải, hàng hóa có giảm theo giá xăng, dầu?
Ngày 7-11, giá bán xăng, dầu trong nước lại vào đợt giảm sâu, trong đó giá bán lẻ xăng A92 giảm gần 1.000 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã giảm 9 lần với tổng mức giảm 4.250 đồng/lít, dầu diesel giảm 15 lần với tổng mức giảm 3.580 đồng/lít, dầu hỏa giảm 12 lần với tổng giảm 3.250 đồng/lít. Tuy nhiên, sau 10 ngày giá xăng, dầu giảm nhưng giá cước vận tải và giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn chưa giảm theo giá xăng dầu.
Giá cước vận tải chưa giảm tương xứng theo giá xăng, dầu. |
Giá cước vận tải chưa giảm
Trên thực tế cho thấy, dù giá xăng dầu đã liên tục giảm trong thời gian qua nhưng giá cước vận tải, loại giá chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng, dầu vẫn chưa có biến động giảm tương ứng. Giải thích về việc giá cước vận tải khó giảm, ông Lê Tấn Nẫm, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang cho biết, giá xăng dầu giảm nhưng biên độ thấp, chưa đủ bù so với các đợt tăng giá trước đó. Hiện giá cước cho các loại hình vận tải hàng hóa, vận tải hành khách của công ty vẫn giữ nguyên.
Việc nhiều doanh nghiệp vận tải khác không giảm giá cước khi xăng, dầu giảm giá cũng vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố đầu vào cao tác động khá mạnh lên giá cước. Ngoài ra, theo anh Bùi Ngoan (xã Nhị Quí, TX. Cai Lậy), chủ của 4 xe tải lớn (chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Bắc - Nam) cho biết, vận tải hàng hóa có đặc thù riêng là phải ký hợp đồng trước với khách hàng cả năm nên việc tăng, giảm giá không phải muốn là được. Một khi thấy lợi nhuận tăng lên, để có sự cạnh tranh, doanh nghiệp vận tải sẽ tự hạ giá cước cho phù hợp với quy luật cung - cầu.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn tỉnh đang có những động thái tích cực trong việc điều chỉnh giảm giá cước theo giá xăng, dầu. Ông Nguyễn Quốc Thái, Công ty TNHH Mai Linh Tiền Giang cho biết, bắt đầu từ ngày 17-11, Taxi Mai Linh Tiền Giang sẽ có sự điều chỉnh giá cước, giảm 500 đồng/km.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Tiền Giang, đối với các doanh nghiệp vận tải cố định hay kinh doanh taxi, việc tăng hay giảm giá cước đều phải theo lộ trình. Vì giá cước vận tải của các loại hình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chi phí lao động, bảo hiểm xã hội, chi phí sửa chữa...
Xăng, dầu chỉ là một trong những yếu tố để xác định mức giá. Riêng đối với trường hợp cần điều chỉnh giá cước vận tải cố định, các doanh nghiệp phải làm tờ trình phân tích các yếu tố cấu thành giá. Sau đó, các doanh nghiệp nộp tờ trình cho các sở, ngành chức năng xem xét. Do đó, không thể xăng dầu giảm giá là cước vận tải giảm ngay được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang cân nhắc, xem xét việc giảm giá cước tương xứng để bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn “đứng yên” khi xăng, dầu giảm giá. |
Giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn “đứng yên”
Không chỉ có giá cước vận tải chưa giảm tương xứng với giá xăng, dầu, mà giá các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn “neo giá” trước việc xăng, dầu giảm giá đến lần thứ 9.
Theo khảo sát vào sáng ngày 15-11 tại các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Chợ Thạnh Trị, chợ Cũ, chợ Mỹ Tho và một số chợ nông thôn như: Chợ Bình Đức (huyện Châu Thành), chợ Nhị Quí, chợ Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy), giá các loại hàng hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn “neo giá” như những ngày trước đây (khi giá xăng, dầu chưa giảm).
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có một số mặt hàng giảm giá nhẹ như: Trứng gà, trứng vịt giảm 1.000 đồng/chục. Các loại rau, củ, quả... cũng giảm từ 1.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại)... Theo tiểu thương kinh doanh các mặt hàng này ở các chợ, mức giảm này tuy không nhiều nhưng có tác động đến tâm lý người tiêu dùng.
Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giảm theo giá xăng, dầu. Nguyên nhân được các tiểu thương cũng như người kinh doanh lý giải là giá cước vận chuyển giảm rất ít hoặc vẫn được giữ nguyên.
Chị Thắm, một tiểu thương bán cá nước ngọt ở chợ Mỹ Tho cho biết: “Trước đây khi xăng, dầu lên giá, bạn hàng bảo chi phí vận chuyển tăng nên giá cả cũng phải nhích lên. Nay xăng, dầu giảm giá bạn hàng lại nói, do nhà xe không giảm giá chở hàng nên giá các loại cá vẫn giữ nguyên”.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các yếu tố đầu vào giảm nhưng giá thực phẩm, hàng hóa vẫn giữ nguyên. Điều này cho thấy, rõ ràng xăng dầu không phải là nguyên nhân tăng giá thực phẩm, hàng hóa như các doanh nghiệp, tư thương thường nói. Giá hiện đang nằm trong tay của trung gian, nhà buôn, doanh nghiệp đầu mối. Người nông dân, người tiêu dùng là người chịu thiệt khi giá có nhiều biến động.
PHƯƠNG NGHI
Tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn Theo Công văn 16176/BTC-QLG của Bộ Tài chính ngày 6-11-2014 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận tải, giá cước vận tải. Doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào. Trường hợp biến động của chi phí xăng, dầu tác động làm giảm giá thành vận tải thì yêu cầu doanh nghiệp tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu (đặc biệt là những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014); hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và thu giá cước theo đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo tiếp tục triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. |