Những nội dung cần đổi mới trong đánh giá kết quả GD trường phổ thông
Có thể nói, đánh giá kết quả giáo dục (GD) có vai trò quan trọng trong phát triển GD và đánh giá kết quả GD sẽ góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động GD, sản phẩm GD và các chương trình, kế hoạch GD. Vì qua đánh giá kết quả GD, chúng ta có thể xác định hiện trạng GD, chỉ ra những mặt tích cực, những sai sót, lệch lạc trong GD cần sửa sai, điều chỉnh và góp phần hoàn thiện mục tiêu GD, phát triển GD.
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam |
Khoa học đánh giá ngày càng phát triển, các loại hình đánh giá kết quả GD cũng ngày càng đa dạng như: Xét theo quy mô đối tượng được đánh giá; xét theo khách quan và chủ quan trong đánh giá; xét theo hình thức đánh giá; xét theo thành phần tham gia GD; xét theo quá trình GD; xét theo tiến trình thời gian năm học, khóa học...
Ngoài ra, còn có nhiều loại hình đánh giá kết quả GD khác như: Đánh giá chẩn đoán, đánh giá phát triển, đánh giá tổng kết... Tuy đa dạng về loại hình, nhưng yêu cầu chung của đánh giá kết quả GD là phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản là công bằng, khách quan, khoa học, nhất quán và toàn diện.
Trong phạm vi bài này, chỉ đề cập đến đánh giá kết quả GD trên khía cạnh sản phẩm chủ yếu của GD là nhân cách của người được GD là học sinh phổ thông và trên cơ sở những loại hình đánh giá đang sử dụng hiện nay ở trường phổ thông.
Theo đó, mục tiêu cơ bản của GD phổ thông nước ta hiện nay vẫn là GD toàn diện cho HS, với các mục tiêu GD cụ thể, gồm các yếu tố: Đức dục, trí dục, thể dục, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản...
Về hình thức đánh giá, chủ yếu vẫn là đánh giá về đạo đức, hạnh kiểm (với 4 mức xếp loại hạnh kiểm là tốt, khá, trung bình, kém) và đánh giá các mặt trí dục, thể dục, thẩm mỹ... (thường được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 và quy ra 5 loại gồm giỏi, khá, trung bình, yếu, kém).
Ở trường phổ thông, các hình thức đánh giá kết quả GD này là quyền của giáo viên (GV) và do GV chủ nhiệm, GV bộ môn đánh giá, xếp loại HS của mình.
Về nội dung, các đánh giá kết quả GD ở trường phổ thông chủ yếu dựa trên 3 mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ (trong đó đánh giá kiến thức là trọng tâm). Về phương pháp, việc đánh giá kết quả GD ở trường phổ thông hiện nay dựa trên kết quả thi cử, kiểm tra là chính; một số ít trường hợp được đánh giá qua năng lực thực tế. Những cách đánh giá này bước đầu đạt được những hiệu quả khá tốt, đã góp phần cho đánh giá kết quả GD ở các trường phổ thông được công bằng, nhất quán;
việc xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả GD ngày càng rõ ràng, cụ thể và được thể chế hóa; việc xây dựng hệ thống khảo thí, kiểm định chất lượng GD góp phần cải tiến mạnh mẽ việc đánh giá kết quả GD ở trường phổ thông; bệnh thành tích đang dần được khắc phục, có nhiều chuyển biến để việc đánh giá kết quả GD ở trường phổ thông thực chất hơn.
Những đánh giá kết quả GD dựa theo quá trình GD cũng đã chỉ ra những bất cập, không phù hợp của chương trình, sách giáo khoa hiện hành để có những định hướng và hình thành chủ trương thay sách GD phổ thông giai đoạn sau năm 2015.
Sự phát triển của khoa học đánh giá ở nước ta đã có những tiến triển đáng kể, góp phần làm cho ngành GD tiếp cận được các thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới và có nhiều vận dụng vào trong thi, kiểm tra, đổi mới cách đánh giá kết quả GD thời gian qua trong toàn ngành nói chung và trong các trường phổ thông nói riêng...
Bên cạnh đó, việc đánh giá cũng bộc lộ một số nhược điểm như: Không đánh giá được đầy đủ những sai sót trong thực hiện mục tiêu GD toàn diện, nhất là những lệch hướng trong dạy chữ, dạy người, dạy nghề; những thất bại trong phân ban đầu cấp THPT; những yếu kém trong phân luồng HS sau THCS; những bất hợp lý trong phân luồng HS sau THPT.
Việc đánh giá kết quả GD ở trường phổ thông chủ yếu là do GV thực hiện nên HS ít có cơ hội tham gia đánh giá, tự đánh giá mình, đánh giá bạn; quá chú trọng về đánh giá kiến thức, coi nhẹ đánh giá kỹ năng, thái độ; quá chú trọng đánh giá kết quả GD qua thi cử, kiểm tra (trong thi, chủ yếu là thi viết, thi kiến thức đơn môn không thi kiến thức có tính tổng hợp, liên môn); đề thi đơn điệu theo dạng cấu trúc, chưa theo dạng “ma trận”.
Do vậy đánh giá kết quả GD chỉ nhằm vào đánh giá kiến thức, chưa đánh giá tư duy, trí tuệ, phẩm chất, năng lực thực tế và ứng dụng, sáng tạo; đánh giá chủ yếu là để xếp loại HS, chưa quan tâm đầy đủ đến tính tích cực là giúp cho HS thấy được sự tiến bộ, phát triển của bản thân qua học tập và rèn luyện; tác động của đánh giá đối với bản thân HS chưa tạo động lực mạnh mẽ cho sự phấn đấu vươn lên, chưa giúp HS có năng lực tự hiểu biết về mình, tự đánh giá được mình.
Các nhược điểm này sẽ phát sinh ra các hệ quả: Hình thành ở HS (nhất là học sinh THPT) quan niệm học để thi, dẫn đến học lệch; tạo ra tâm lý khoa bảng, bằng cấp cho HS (nhiều HS sau trung học không sẵn sàng tham gia lao động, lúng túng trước việc chọn ngành nghề cho mình một cách phù hợp, đúng đắn; nhiều HS sau trung học phổ thông có vốn kiến thức thực tế và kỹ năng sống không nhiều); năng lực tự đánh giá, khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, tự giải quyết vấn đề không cao...
Để khắc phục những nhược điểm này, các cơ quan quản lý, các cơ sở GD các cấp cần:
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng của hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng GD trong ngành, tạo thuận lợi cho việc cải tiến, đổi mới việc đánh giá kết quả GD ở trường phổ thông;
Hoàn thiện các văn bản pháp quy về kiểm định, đánh giá, quản lý chất lượng GD chặt chẽ, nhất quán trong các lĩnh vực quan trọng của GD cần đánh giá hiện nay;
Cải tiến, đổi mới công tác thi cử, kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông, nhất là trong thi hoặc công nhận tốt nghiệp THCS, THPT, vì đây là một hình thức đánh giá kết quả GD quan trọng, nền tảng về học vấn phổ thông đối với người học; nên cải tiến việc thi, kiểm tra và công nhận kết quả theo hướng:
Đa dạng hóa hình thức đề thi, đề kiểm tra; kết hợp nhiều hình thức khi ra một đề thi, đề kiểm tra (đề thi “ma trận”); có thể kết hợp thi môn bắt buộc, môn tự chọn, môn điều kiện, môn nhiệm ý; thi, kiểm tra theo “đơn môn” hoặc “liên môn”;
Giảm thiểu các đề thi, kiểm tra có tính tái hiện tri thức, học thuộc lòng; khuyến khích các loại đề thi, kiểm tra phát huy trí sáng tạo, các ứng dụng thực tiễn, phát triển kiến thức tích hợp, liên môn, thi thuyết trình, trình bày một vấn đề bằng lời...
Ngoài ra, cũng cần có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề về đánh giá kết quả GD cho cán bộ quản lý GD và GV nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đánh giá GD; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vận dụng hoặc tham gia vào các chương trình đánh giá kết quả GD tiên tiến, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay; có định hướng cho đổi mới đánh giá kết quả GD theo yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
NGƯT.TS PHẠM VĂN KHANH
(Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)