Cần cảnh giác cao với cháy, nổ do sự cố điện
Trong thời gian gần đây, tình hình cháy trên địa bàn Tiền Giang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an Tiền Giang, năm 2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ cháy; làm chết 1 người, bị thương 4 người, tổng tài sản thiệt hại ước tính thành tiền trên 13 tỷ đồng và 14,2 ha rừng trồng tràm, bạch đàn. Trong đó nguyên nhân cháy do điện chiếm trên 40%. Riêng tháng 11 - 2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, trong đó nguyên nhân cháy do sự cố điện 5 vụ (chiếm 83%).
Mới đây, 1 vụ cháy xảy ra vào lúc 21 giờ 24 phút ngày 6-11-2014, tại nhà ông Nguyễn Văn Thái, địa chỉ số 4/3, đường Nguyễn Huỳnh Đức, phường 8, TP. Mỹ Tho. Tại thời điểm cháy, trong nhà có 8 người, 7 máy may công nghiệp, nhiều vải sợi và phụ liệu may. Khi phát hiện cháy, mọi người đang ngủ ở gác lửng.
Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ tại 1 vụ cháy do sự cố điện. |
Riêng anh Nguyễn Bùi Anh Tuấn, là con ông Thái vẫn còn thức nên phát hiện cháy. Anh Tuấn thực hiện các thao tác dập lửa ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, do đám cháy bắt vào các vật liệu dễ cháy nên lan nhanh, anh Tuấn thoát ra khỏi nhà bằng cửa trước duy nhất tiếp giáp mặt đường Nguyễn Huỳnh Đức.
Sau đó, anh Tuấn trèo lên mái nhà bên cạnh qua mái nhà bị cháy và phá tấm tole nhựa lấy ánh sáng, cùng 1 người khác kéo từng người ra qua mái nhà thoát nạn. Trong quá trình thoát nạn, có 1 người bị thương nhẹ. Vụ cháy gây thiệt hại 80% diện tích căn nhà với tổng tài sản thiệt hại ước tính thành tiền khoảng 41.500.000 đồng. Nguyên nhân cháy do sự cố điện, cầu chì tại cầu dao tổng được thay bằng dây đồng.
Qua các vụ cháy do sự cố điện cho thấy, nguyên nhân gây cháy do điện bao gồm: Cháy do dùng điện quá tải, do chập mạch, do nối dây lỏng, do tia lửa điện, do hồ quang điện và sự truyền nhiệt của vật tiêu thụ điện, cháy do sét đánh cũng là do điện gây ra.
Để bảo đảm an toàn trong sử dụng điện, không để xảy ra các vụ cháy do sự cố điện gây ra, cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC về điện sau đây:
Thứ nhất
- Khi thiết kế phải chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với dòng điện.
- Khi sử dụng không được dùng thêm quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn nếu như mạng điện không được tính đến việc dùng thêm thiết bị đó.
- Chú ý kiểm tra nhiệt độ của các máy móc, thiết bị, không để máy nóng quá mức cho phép.
- Thay dây dẫn điện mới đối với các dây đã quá cũ kỹ hoặc bị bong tróc lớp vỏ cách điện.
- Khi sử dụng mạng điện và các máy móc phải có những bộ phận bảo vệ như cầu chì, rơle…và không tự ý thay đổi những bộ phận này làm cho chúng không hoạt động chính xác.
Thứ hai
- Chọn lắp đặt, sử dụng mạng điện, thiết bị điện phải đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đúng khoảng cách đối với dây điện trần phía ngoài nhà (cách 0,25m).
- Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện (đối với dây dẫn tiếp xúc với kim loại bị ăn mòn), không mắc dây điện nơi có hóa chất ăn mòn. Không dùng dây kim loại khác thay thế cầu chì.
- Các dây điện nối vào phích cắm, đuôi đèn, máy móc phải chắc chắn, điện nối vào mạch rẽ ở hai đầu dây nóng và nguội không được chồng lên nhau. Khi nối dây điện với nhau phải đúng quy cách và phải được bịt kín bằng vật liệu cách điện như băng keo.
- Thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, phát hiện vị trí những mạng điện bị sự cố, sớm ngắt điện và phát hiện sự cố lớn.
- Sử dụng các thiết bị bảo vệ tự ngắt (cầu dao tự động) hoặc cầu chì để ngắt dòng điện ngắn mạch, các thiết bị bảo vệ kín để chống tia hồ quang điện làm cháy các vật xung quanh.
Thứ ba
- Cầu dao, bảng điện phải được đóng chặt và có hộp bảo vệ. Cầu chì phải có nắp đậy. Ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ các thiết bị điện này đặt ở phía ngoài. Trước khi ra khỏi nhà, nơi làm việc, nơi sản xuất phải tắt hết các thiết bị điện không sử dụng.
- Các mối nối phải chặt, đúng kỹ thuật và bọc kín bằng chất cách điện (băng dính). Khi thấy băng keo bị khô và cháy xém thì phải kiểm tra và nối chặt lại các điểm nối.
- Không được co kéo dây điện hay treo các vật nặng lên dây.
- Không dùng hai loại dây khác nhau làm dây dẫn điện, ví dụ: Một dây đồng một dây nhôm.
- Dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không bị gỉ sét vì nơi gỉ là nơi phát sinh nhiệt lớn.
- Không để các vật dễ cháy (nhất là xăng, dầu, diêm, gas…) gần các bảng điện, cầu dao, cầu chì,… đề phòng tia lửa điện gây cháy nổ.
- Tuyệt đối cấm những trường hợp dùng bàn ủi, bếp điện mà không có người trông coi. Cấm dùng vật dễ cháy để làm chao đèn, không dùng bóng đèn điện để sưởi, sấy quần áo. Những vật tiêu thụ điện như bóng đèn, bàn ủi, bếp điện…phải để xa các vật dễ cháy ít nhất 0,5m.
- Ngoài ra, sét đánh cũng là nguyên nhân gây ra cháy và nguy hiểm đến tính mạng con người, vì vậy để tránh sét đánh lúc có mưa, giông không nên đứng dưới gốc cây và công trình kiến trúc cao mà không có thu lôi chống sét hoặc đứng trên gò trống cũng nguy hiểm. Lắp đặt hệ thống thu lôi, chống sét các công trình nhà cửa, nơi tập trung đông người và những công trình có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ.
TIẾN NAM