Thứ Tư, 24/12/2014, 16:56 (GMT+7)
.

Cần nâng cấp hầm bảo quản trên tàu khai thác hải sản

Những năm qua, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản của ngư dân Tiền Giang lên đến 30%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tổn thất lớn như vậy là do hầm bảo quản không đảm bảo, phương pháp bảo quản còn lạc hậu khiến chất lượng hải sản khai thác sau khi bảo quản giảm sút.

Do đó, việc nâng cấp hầm bảo quản cũng như áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến là vô cùng cần thiết để giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân và nâng cao chất lượng hải sản nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản của ngư dân Tiền Giang lên đến 30% (Ảnh chụp ở phường 2, TP. Mỹ Tho).
Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản của ngư dân Tiền Giang lên đến 30% (Ảnh chụp ở phường 2, TP. Mỹ Tho).

TỔN THẤTSAU THU HOẠCH HẢI SẢN CAO

Theo số liệu thống kê, hàng năm đội tàu đánh cá của tỉnh Tiền Giang mang về đất liền khoảng 80.000 tấn hải sản các loại để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, khối lượng hải sản đưa vào chế biến xuất khẩu chỉ chiếm hơn 60%, phần còn lại bán dưới dạng tươi, nguyên con dùng làm thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước hay bán dưới dạng cá phân với giá trị thấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do chất lượng bảo quản hải sản sau thu hoạch chưa cao.

Nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp cho rằng, chất lượng hải sản sau thu hoạch chưa cao là do đội tàu khai thác của tỉnh có gần 1.400 chiếc nhưng có đến gần 570 tàu cá có công suất dưới 90Cv, trong đó chỉ có khoảng 350 tàu cá đánh tuyến khơi.

Mặc dù các tàu cá này được trang bị khá đầy đủ các phương tiện, thiết bị khai thác hải sản tiên tiến nhằm khai thác được sản lượng cao nhưng các thiết bị bảo quản hải sản khai thác chưa được chủ tàu chú trọng đầu tư. Điều này khiến các tàu cá mặc dù đánh bắt được sản lượng cao nhưng hiệu quả kinh tế thấp do chất lượng hải sản sau khi đưa vào đất liền bị giảm sút nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Ru, chủ tàu đánh cá ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện nay hầu hết ngư dân bảo quản thủy sản theo phương pháp truyền thống là ướp đá xay trong những hầm bảo quản vách bằng ván gỗ với nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, chủ tàu có thể áp dụng phương pháp ướp xá, bảo quản bằng khay nhựa hay đựng trong bao ni-lông trong hầm nước đá xay. Thông thường, các tàu cá có hầm bảo quản được chia thành 4 - 6 hầm nhỏ cách nhau bằng ván gỗ dày 1,5 - 2cm. Mỗi vách của hầm bảo quản được cách nhiệt bằng tấm xốp ép chặt vào vách hầm. Thành vách hầm được đóng chặn bằng ván gỗ và thường được phủ bạt hay sơn để dễ làm vệ sinh và khử trùng sau mỗi lần sử dụng. Phía trên hầm có nắp đậy bằng gỗ được ốp tấm cao su dày 5cm để giữ nhiệt.

Ông Phan Hữu Hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết, tổn thất sau thu hoạch đối với nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh được đánh giá là khá cao, với tỷ lệ trên 30%. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tổn thất lớn này là do phần lớn tàu cá trên địa bàn tỉnh còn sử dụng phương pháp ướp đá theo kiểu truyền thống.

Thời gian qua cũng có nhiều nghiên cứu cải tiến công nghệ bảo quản khai thác hải sản và triển khai cho ngư dân, nhưng khó thực hiện vì ngư dân đã quen với cách bảo quản truyền thống, khó thay đổi kết cấu hầm chứa và lo ngại chi phí đầu tư cao.

CẦN CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ NÂNG CẤP HẦM BẢO QUẢN

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, các tàu cá trên địa bàn tỉnh đã liên kết với nhau thành các tổ, đội khai thác hải sản trên biển để luân phiên chở sản phẩm vào bờ, giảm thời gian bảo quản trên biển.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ giải quyết phần nào sự suy giảm chất lượng hải sản sau thu hoạch do thời gian bảo quản trên biển cũng chỉ giảm từ 1 - 2 tháng xuống còn 10 - 15 ngày. Do đó, giải pháp quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng hải sản đưa vào đất liền là phải đầu tư hầm bảo quản với công nghệ bảo quản tiên tiến.

Hiện nay, có nhiều phương pháp bảo quản hải sản tiên tiến có hiệu quả giúp nâng cao chất lượng hải sản như hầm bảo quản bằng vật liệu dưới dạng bọt xốp polyurethane (PU), công nghệ băng lỏng, lạnh ngâm làm hạ nhiệt độ nước biển xuống -40C…

Ông Lê Văn Hồng, chủ tàu lưới đèn đánh cá ngừ ở phường 2, TP. Mỹ Tho cho biết, đội tàu đánh bắt xa bờ của ông có hầm bảo quản bằng vật liệu foam PU nên hầm cách nhiệt tốt, hao hụt nước đá ít hơn 20% so với hầm đóng theo kiểu truyền thống, tỷ lệ cá đạt chất lượng cao trên 90% và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặt khác, thời gian vệ sinh hầm bảo quản cũng ngắn hơn, đỡ tốn nhân công và ít mùi hôi.

Nâng cấp hầm bảo quản trên tàu khai thác hải sản, cũng như áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến để giảm tổn thất sau thu hoạch.
Nâng cấp hầm bảo quản trên tàu khai thác hải sản, cũng như áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến để giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang), đối với ngư dân sử dụng hầm bảo quản thủy sản truyền thống thì hiệu suất sử dụng nước đá chỉ từ 50 - 60% nên chất lượng sản phẩm có thể giảm đến 30% trong 15 ngày bảo quản do không duy trì được nhiệt độ thấp.

Khi đầu tư hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU, hầm được lót bằng inox có thời gian sử dụng lên đến 20 năm và khối lượng nước đá mang theo được giữ đến 95% nên chất lượng hải sản bảo quản được bảo đảm.

Đối với các tàu khai thác hải sản có công suất lớn từ 800 - 1.200 mã lực có thể ứng dụng công nghệ lạnh thấm với chi phí đầu tư từ 350 - 400 triệu đồng/hệ thống. Công nghệ này sử dụng một máy lạnh công suất 20 mã lực cùng với hệ thống ống trao đổi nhiệt lắp đặt xung quanh thân và đáy của hầm lạnh nhầm duy trì cho nước đá không tan chảy trong suốt quá trình tàu hoạt động trên biển. Việc lắp đặt hệ thống lạnh theo công nghệ này cũng đơn giản, không chiếm nhiều không gian trên tàu…

Theo ông Phan Hữu Hội, hiện nay, tồn tại lớn nhất đối với ngư dân trong việc đầu tư công nghệ bảo quản hải sản tiên tiến, hiệu quả cao là vấn đề tập quán sản xuất, nhất là vốn đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn này, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 63 và Quyết định 65 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản.

Mới đây nhất, Nghị định 67 của Chính phủ cũng có chính sách ưu đãi tín dụng dành cho ngư dân khi đóng mới tàu cá nên cơ hội để ngư dân tiếp cận các công nghệ bảo quản tiên tiến đối với tàu cá mới rất cao. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nâng cấp hệ thống bảo quản cho đội tàu vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh, bởi nếu việc nâng cấp này thành công thì hiệu quả của nghề khai thác hải sản trong tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

THÀNH CÔNG

.
.
.