Điều chỉnh quy hoạch ĐBSCL gắn với chiến lược phát triển quốc gia
Ngày 22-12, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.”
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, cho biết quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1581 ngày 9-10-2009.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Sau bốn năm triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng phối hợp với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch trên cơ sở làm rõ hiệu quả, những bất cập cần bổ sung, điều chỉnh đối với công tác quy hoạch xây dựng, đảm bảo tính khả thi của đồ án quy hoạch...
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm làm rõ, phát huy hơn vị thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các chiến lược phát triển của quốc gia, lồng ghép các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kinh tế ngành, tình hình tác động của biến đổi khí hậu và các cơ chế chính sách.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày các tham luận về lý do và sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch, phạm vi, ranh giới, các nội dung, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đánh giá thực trạng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; một số vấn đề đặt ra về quy hoạch xây dựng vùng nhìn từ góc độ kinh tế, xã hội, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng bền vững với các chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động ngập lũ.
Đặc biệt, xây dựng và phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt nuôi trồng thủy sản với tốc độ tăng trưởng cao, phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước tầm quốc gia và quốc tế.
Theo giáo sư - tiến sĩ Bruno De Meulder, Đại học K.U.Leuven (Bỉ), Đồng bằng sông Cửu Long hiện phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều đô thị phát triển nhưng còn rải rác, nhỏ lẻ, chưa tập trung và thiếu sự liên kết với nhau.
Sông Mekong là con sông quan trọng thứ 2 trên thế giới cung cấp cho chúng ta nguồn nước dồi dào và sự đa dạng sinh học nên nếu khai thác đúng sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, trong tương lai, tình trạng nước biển dâng và nhiệt độ tăng lên là không tránh khỏi, con người phải sống và làm việc trong hòan cảnh đó nên điều chỉnh quy hoạch cần phải làm rõ và mang tính khu vực chứ không làm riêng lẻ cho từng địa phương.
Bên cạnh đó, không nên phân mảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành các vùng nhỏ lẻ vì sẽ làm rối loạn hệ sinh thái khu vực và trong quy hoạch nên cân nhắc nên hay không làm các tuyến đường cao tốc.
Trong quy hoạch, theo ông Bruno De Meulder, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm đến các yếu tố về môi trường sinh thái, môi trường xã hội và đặc biệt là phải giữ được vùng ven biển rừng ngập mặn cho cả biển Tây và biển Đông để giảm sự tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; không thể vì mục tiêu phát triển kinh tế mà khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/dieu-chinh-quy-hoach-dbscl-gan-voi-chien-luoc-phat-trien-quoc-gia/298095.vnp)