Thứ Hai, 01/12/2014, 17:09 (GMT+7)
.

Người có kiến thức không dễ mắc HIV

Chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn nên HIV/AIDS trở thành căn bệnh đáng sợ của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trên thực tế, căn bệnh này không thật sự đáng sợ bằng nhiều bệnh truyền nhiễm khác, vì nó không thể lây truyền qua đường tiếp xúc thông thường.

Đối với người nhiễm HIV, nếu được chăm sóc và điều trị đúng phác đồ sẽ duy trì được cuộc sống bình thường trong thời gian dài. Hiểu về căn bệnh này sẽ giúp người dân chủ động phòng tránh hiệu quả và có cái nhìn thoáng hơn, chia sẻ với người mắc HIV/AIDS.

100% mẫu máu truyền cho bệnh nhân đều được tầm soát HIV. Những người tình nguyện sẽ cung cấp nguồn máu chất lượng cho bệnh nhân.
100% mẫu máu truyền cho bệnh nhân đều được tầm soát HIV. Những người tình nguyện sẽ cung cấp nguồn máu chất lượng cho bệnh nhân.

CỘNG ĐỒNG GIẢM KỲ THỊ

Với sự nỗ lực trong công tác tầm soát, quản lý và điều trị HIV/AIDS, hiện nay tình hình nhiễm mới HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh giảm nhẹ so với năm 2013, trong khi tình hình chung của cả nước tăng.

Từ đầu mùa dịch (năm 1992) đến tháng 10-2014, toàn tỉnh ghi nhận 2.216 ca nhiễm HIV, trong đó có 1.423 người còn sống. TP. Mỹ Tho có người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện nhiều nhất (557 ca), kế đến là huyện Châu Thành (330 ca), huyện Cái Bè (289 ca) và huyện Cai Lậy (281 ca).

Điều đáng phấn khởi là kiến thức của người dân về HIV/AIDS đã tăng đáng kể. Chính vì lẽ đó mà sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm. Bên cạnh đó, bản thân nhiều người nhiễm HIV cũng đã có kiến thức tốt về căn bệnh này nên đã mạnh dạn, tự tin hơn khi tiếp xúc với cộng đồng và sự chăm sóc y tế.

Trung bình mỗi tháng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tiếp nhận từ 60 - 70 người đến tầm soát và tư vấn về HIV/AIDS. Bác sĩ Huỳnh Tuyết Trang, Phó Trưởng khoa Tư vấn chăm sóc điều trị của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết:

“Hiện tại, phần đông người đến tầm soát HIV đều cởi mở và sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân với bác sĩ, trong khi trước đây phần đông đều xin xét nghiệm vô danh. Điều này rất tốt, vì khi phát hiện có HIV, người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi sức khỏe và điều trị bệnh tốt hơn”.

Đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân điều trị HIV trong thời gian dài với thuốc kháng vi rút (điều trị ARV) đã mang thai và sinh con khỏe mạnh. Hiện tại đang có 8 phụ nữ mang thai khi đang uống thuốc điều trị ARV; có 7 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện khi chuyển dạ. Tất cả các trường hợp sản phụ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng lây truyền bệnh từ mẹ sang con.

Theo khoa học chứng minh, 95% -  98% phụ nữ nhiễm HIV sinh con khỏe mạnh nếu được điều trị ARV trong quá trình thai kỳ và không cho con bú sữa mẹ sau sinh; khoảng 45% con của sản phụ nhiễm HIV không điều trị ARV sẽ được khỏe mạnh nếu không bú sữa mẹ sau sinh.

VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Có thể nói, thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay chính là diễn biến phức tạp của bệnh và hậu quả xã hội của nó.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong tổng số 2.216 người nhiễm HIV toàn tỉnh thì có đến 2.007 người ở độ tuổi từ 20 - 49 tuổi, trong đó có 1.007 người từ 20 - 29 tuổi; 773 người từ 30 - 39 tuổi và 224 người từ 40 - 49 tuổi. Đây là lứa tuổi lao động nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của gia đình.

Xét về con đường lây nhiễm HIV hiện nay, 50,41% người nhiễm HIV bị lây truyền qua đường tình dục; 27,21% không rõ nguyên nhân và 19,4% bị lây truyền qua đường máu. Trong điều kiện tình hình mại dâm, ma túy diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc phòng, chống lây nhiễm HIV sẽ rất khó khăn.

Một thách thức nữa trong công tác phòng, chống HIV/AIDS chính là sự kỳ thị của cộng đồng đối với người mắc bệnh. Mặc dù sự kỳ thị này đã giảm rõ rệt nhưng chưa xóa bỏ được, chính vì điều này khiến cho người nhiễm HIV e dè, không dám đến cơ sở điều trị và người có nguy cơ cao không dám xét nghiệm tầm soát bệnh.

Hiện toàn tỉnh có 1.422 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, chỉ có 982 người quản lý được. Trong số những bệnh nhân quản lý được, chỉ có 822 người tham gia điều trị ARV, còn lại 60 người không điều trị. Trong khi đó, người nhiễm HIV nếu điều trị ARV sớm và đúng phác đồ sẽ duy trì cuộc sống bình thường trong thời gian dài.

Một cô giáo ở Gò Công, sau 7 năm phát hiện bệnh mới đến cơ sở điều trị. Theo chia sẻ, cô bị lây nhiễm HIV từ chồng và bản thân đã phát hiện bệnh từ 7 năm trước, nhưng do công tác ở môi trường giáo dục, cô e ngại việc công khai bệnh sẽ gây khó khăn trong công việc và cũng không muốn gia đình lo lắng. Mãi đến khi sức khỏe đã suy giảm nghiêm trọng, cô giáo mới tìm đến cơ sở điều trị.

Đặc biệt, đối tượng cần được quan tâm chia sẻ nhiều nhất là những trẻ em nhiễm HIV. Toàn tỉnh có 66 trẻ em dưới 12 tuổi nhiễm HIV, hiện có 23 trẻ đang điều trị ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Đa số trẻ nhiễm HIV trên 10 tuổi đều là trẻ mồ côi vì cha mẹ đã qua đời do AIDS; những trẻ em nhỏ hơn thì mồ côi cha hoặc mẹ và có đến 99% trẻ nhiễm HIV là con các gia đình nghèo, do đó điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng không đầy đủ, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất, tâm thần của trẻ.

Cháu K.C ở huyện Gò Công Đông cho biết: “Cha mẹ qua đời khi cháu còn quá nhỏ. Ngoại không nhận nuôi vì cháu mang bệnh. Cháu về sống với nội. Khi ông bà nội qua đời, cháu sống cùng với bác…”. Dù mới 12 tuổi nhưng cô bé phải tự chủ tất cả mọi việc cho cuộc sống của bản thân và chăm sóc cho cả người bác đơn thân.

Hay trường hợp của chị em bé T. T ở huyện Tân Phú Đông. Cha mẹ qua đời, 2 chị em T. sống cút côi trong căn nhà nhỏ và tự chăm sóc cho nhau. Điều đáng nói là dù phần đông trẻ em nhiễm HIV sống trong gia đình nghèo khó, nhưng các em không được hưởng chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước vì thân nhân các em e sợ cộng đồng kỳ thị, không dám đến cơ quan chức năng khai báo.

HƯỚNG MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ HIV

Hiện tại, toàn bộ bệnh nhân nhiễm HIV có xét nghiệm tế bào CD4 ở dưới mức 350 được điều trị ARV miễn phí từ nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, các dự án viện trợ quốc tế sẽ giảm dần và kết thúc vào năm 2016, lúc đó người nhiễm HIV phải tự thanh toán chi phí điều trị cho mình.

Với giá thuốc như hiện nay, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ phải chi trả từ 36.000 - 66.000 đồng cho 1 ngày điều trị ARV (tùy theo phác đồ điều trị gồm tiền khám, thuốc, chi phí xét nghiệm).

Xuất phát từ thực tế trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản thống nhất thanh toán chi phí điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV giống như những đối tượng bảo hiểm y tế khác. Để chuẩn bị cho lộ trình đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã thí điểm tổ chức cấp thuốc cho bệnh nhân HIV tại trạm y tế.

Công tác này được triển khai trên địa bàn TP. Mỹ Tho hơn 2 tháng qua. Việc cấp phát thuốc điều trị ARV trên địa bàn thành phố được tổ chức tại 7 điểm trạm y tế là phường 1, phường 3, phường 4, phường 6, phường 8, xã Trung An và xã Mỹ Phong, vừa giúp giảm quá tải cho trung tâm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh (người bệnh đỡ tốn thời gian và chi phí đi lại hàng tháng; quen dần với việc nhận thuốc tại trạm y tế khi thực hiện điều trị theo bảo hiểm y tế; được theo dõi và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội đúng tuyến…).

Công tác khám và điều trị cho bệnh nhân HIV tại trạm vẫn đảm bảo yêu cầu. Sau 6 tháng điều trị tại trạm y tế, bệnh nhân đến trung tâm để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển nơi cấp thuốc phải được sự đồng ý của bệnh nhân.

THỦY HÀ

.
.
.