Thứ Tư, 03/12/2014, 16:19 (GMT+7)
.

Những người khiếm khuyết thể hình nhưng tâm hồn cao đẹp

Trong khi có không ít người lợi dụng những khuyết tật trên cơ thể, hoặc tự hủy hoại thân mình, hay giả tàn tật để lợi dụng sự từ tâm của những tấm lòng nhân ái thì cũng có nhiều người khuyết tật lại cặm cụi học nghề, đổ mồ hôi bằng chính công sức của mình đổi lấy đồng tiền ít ỏi để tự nuôi sống mình.

1. Những người qua lại ở ngã tư (Quốc lộ 50 về Chợ Gạo) chắc không lạ gì hình ảnh 1 phụ nữ trẻ chỉ còn 1 chân, ngồi trên xe lăn bán từng tấm vé số. Chị là Võ Thị Còn, sinh năm 1981, bị tai nạn lao động khi làm phụ hồ đã cướp đi đôi tay và một chân trái của chị.

Chị kể : “12 tuổi đã phải xuôi ngược mưu sinh từ nghề làm tôm, bắt nghêu, làm cá ở cảng… nhưng kiếp nghèo vẫn mãi đeo mang. Năm 2007, từ Cà Mau về quê nội ở huyện Cai Lậy, tôi lập gia đình. Anh làm nghề biển, tôi cắt cá ở Cảng cá Mỹ Tho và con trai ra đời, mong cuộc sống sẽ tốt đẹp.

Nhưng nghề làm cá không ổn, tôi chuyển sang làm phụ hồ, một lần chuyền sắt gần cột điện cao thế, điện phóng xuống cháy 2 tay và 1 chân. Tôi phải cắt bỏ 3 chi và hoàn toàn thành người tàn phế…

Cay đắng thay, anh ấy bỏ luôn mẹ con tôi. Bà con đến chia sẻ, động viên, khuyên tôi đi ra chợ Thạnh Trị ăn xin để nuôi con. Biết cô bác thương mà khuyên như vậy, nhưng sao tôi thấy như bị tổn thương, từ nhỏ đến giờ tôi sống bằng sức lao động của mình, dù có nghèo nhưng vẫn thấy hãnh diện vì mình làm việc chân chính…”.

Chị Võ Thị Còn, chỉ còn 1 chân, hàng ngày vẫn đội nắng, dầm mưa bán  vé số nuôi con.
Chị Võ Thị Còn, chỉ còn 1 chân, hàng ngày vẫn đội nắng, dầm mưa bán vé số nuôi con.

Và chị đã chọn nghề bán vé số, vì chị cho rằng người mua ủng hộ mình mà họ cũng được mua một hy vọng cho chính họ, hơn nữa nghề này cũng hợp với người tàn tật như chị. Chị Còn mong ước cho sức khỏe mình tốt để bán vé số nuôi con trai ăn học.

Ngày qua ngày, chị vẫn ngồi dưới nắng, dưới mưa và gió bụi giữa ngã tư đường phố, dùng cùi tay ngắn ngủn gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, khách tự lấy vé số, tự bỏ tiền vào giỏ giùm chị, vậy mà cũng có kẻ bất nhân lấy vé số đi luôn…

Anh Lê Văn Minh, mất 1 chân vẫn tự mưu sinh với nghề mộc.
Anh Lê Văn Minh, mất 1 chân vẫn tự mưu sinh với nghề mộc.

2. Ở một vùng quê xa lắc, có một anh thương binh với 1 chân còn lại, suốt mấy mươi năm thủy chung với nghề mộc, đổi giọt mồ hôi nuôi con ăn học. Bây giờ các con khôn lớn, có nghề nghiệp, anh đã có tuổi và thêm bệnh nan y, vậy mà anh vẫn giữ cái nghề truyền thống, khi khỏe vẫn làm để kiếm tiền chi lặt vặt trong nhà.

“Trở về với đời thường trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thân thể tật nguyền, anh nghĩ mình không thể nào hòa nhập được với cuộc sống, nhưng nhìn vợ hiền, con dại, anh quyết vươn lên.

Hơn 20 năm trước, nghề mộc làm thủ công hoàn toàn, không có máy móc hỗ trợ; 1 chân, di chuyển khó khăn, nhưng chẳng lẽ ngồi trông chờ vào ít tiền phụ cấp.

Anh cố gắng vượt qua khó khăn với khiếm khuyết của cơ thể, vận dụng sức khỏe của đôi tay: Cưa, bào, đục… đóng bàn ghế để phụ vợ nuôi con. Vậy đó, mà lại có nhiều học trò theo học nghề…” - anh Lê Văn Minh, sinh năm 1958, ấp Bình Ninh, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo đã tâm sự như thế.

3. Cô gái khiếm thị trẻ Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1990 đã bộc bạch: “Phải má em còn sống chắc em sẽ không bị mù, giờ làm nghề massage, em mong kiếm tiền để tự nuôi sống mình bởi ba có vợ khác và có em trai”. Hằng bị đục thủy tinh thể 1 mắt từ nhỏ, nhà nghèo, mẹ mất sớm nên không ai chăm sóc, không tiền chữa trị.

Học đến lớp 7 thì mắt còn lại từ từ mất ánh sáng. Hằng trở thành người khiếm thị, em đã khóc thật nhiều, nhưng khóc chẳng được gì nên quyết chí tìm nghề để học. Giờ em là kỹ thuật viên massage ở Hội Người mù tỉnh, em nói: “Phục vụ xoa bóp 1 người 50 ngàn đồng thì em được trả công 20 ngàn đồng, nhưng có khi cả ngày cũng chẳng ai tới… tự làm ra tiền
vẫn thấy vui hơn cô à!”.

4. Ai thích phim Việt chắc hẳn sẽ biết các bộ phim: Quý bà lắm chiêu, Xương rồng trên cát… của nhà biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu (TX. Gò Công). Ít ai biết rằng những đứa con tinh thần đậm tính nhân văn kia được “sinh ra” từ một người phụ nữ khuyết tật.

Sốt bại liệt từ nhỏ, Mộng Thu vượt qua mặc cảm, đến trường bằng những bước chân yếu ớt và quyết tâm học tập để có công việc tự nuôi sống mình. Chị lập gia đình, nhưng rồi lại “gãy gánh” giữa chừng, ôm con thơ chị tưởng chừng cuộc đời mình bế tắc.

Với ý chí mạnh mẽ, chị đã vượt qua những ngày tháng khó khăn, bán chữ nuôi con; kiên trì, nhẫn nại để rồi hôm nay chị trở thành nhà biên kịch có tiếng trong làng phim Việt, con trai sắp trở thành kỹ sư xây dựng. Tâm hồn chị mạnh mẽ hơn ta tưởng rất nhiều.

Còn nhiều những tấm gương khuyết tật về ngoại hình nhưng lòng quả cảm, ý chí, bản lĩnh… đã tạo nên tâm hồn đẹp. Họ là những bông hoa đẹp, tô đậm nét sinh động cho cuộc sống này.

NGỌC LỆ

.
.
.