Thứ Sáu, 12/12/2014, 13:55 (GMT+7)
.

Những tác hại khi thanh thiếu niên nghiện game

Trong xã hội hiện nay, Internet rất cần thiết cho cuộc sống và công việc hàng ngày. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của các trò chơi điện tử trên mạng như game online đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực, do các dịch vụ Internet không thực hiện đúng quy định, nhiều nơi vẫn còn phổ biến trò chơi kích động, bạo lực, đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục.

Nhiều thanh thiếu niên sa đà vào các trò chơi và một khi đã nghiện trò chơi điện tử, mà hiện nay nhiều người vẫn thường gọi là nghiện game thì việc sinh hoạt, học tập bị sa sút, không ít trường hợp học sinh bỏ học, thậm chí trở thành tội phạm.

Một cửa hàng Internet có nhiều học sinh chơi game.
Một cửa hàng Internet có nhiều học sinh chơi game.

Chỉ vì ham chơi, Dương Minh C. (SN 1998, ngụ khu 2, thị trấn Chợ Gạo) đã tìm đến game online từ khi còn là học lớp 5. Sau 1 năm chơi “liên minh huyền thoại” và “trò chơi đột kích”, Châu đã nghiện không bỏ được.

Phát hiện con mê chơi game, bỏ bê học hành, chị Lê Thị Ngọc Nhiệm - mẹ C. đã hết lời khuyên nhủ, nhưng mọi cố gắng của chị Nhiệm và gia đình cũng chỉ giúp C. học đến lớp 11 thì C. bắt đầu trốn tiết, tụ tập bạn bè chơi game.

Gia đình khuyên nhủ, la rầy thì C. bỏ nhà đi ngày, đi đêm tại các nơi cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến. Để có tiền tiêu xài và chơi game, C. đã 3 lần thực hiện hành vi trộm mô tô rồi đưa cho bạn đem bán. Số tiền có được C. dùng vào việc bao bạn bè ăn uống, còn ngược lại thì chúng bao lại C. chơi game.

Trương Quốc M. (SN 2000, ngụ ấp Mỹ Thành, xã Phước Lập) và Nguyễn Minh X. (SN 1999, ngụ ấp 2, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) vừa bị Công an huyện Tân Phước mời làm việc về hành vi trộm tài sản, mục đích lấy tiền chơi game. M. cho biết, bắt đầu chơi game từ năm lớp 7, cha mẹ cho tiền đi học, M. nhịn ăn để chơi game, 1 tuần M. trốn học 2 - 3 ngày để chơi game, hết tiền thì đi trộm. Còn X. thì nghiện game từ năm 12 tuổi.

Trước đây, khi nào gia đình cho tiền thì X. mới tìm đến các dịch vụ cung cấp trò chơi trực tuyến, nhưng mấy tháng gần đây X. lại “siêng” vào các dịch vụ Internet hơn, nhưng không có tiền nên nảy ý định trộm cắp.

Qua tìm hiểu, được biết, cha mẹ X. đã ly hôn, X. sống với bà ngoại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà ngoại đi làm suốt ngày, không ai quản lý nên X. đi chơi với bạn, lân la vào các dịch vụ Internet và đã nghiện game lúc nào không hay. Tại cơ quan điều tra, M. và X. khai nhận, từ đầu năm đến nay đã thực hiện 20 vụ trộm cắp vặt trên địa bàn huyện Tân Phước.

Cách đây hơn 1 năm, vì không kềm cơn tức giận khi đứa con thường xuyên trốn học chơi game, chị Phạm Thị Bé T. (ngụ ấp Xã Lới, xã Tân Trung, TX. Gò Công) đã dùng dây xích trói đứa con trai là Lý Lâm B. (SN 2001) vào cây cột, rồi dùng vỏ xe đốt gần đó để hù dọa. Thấy lửa cháy, bà ngoại B. cầm cây dập lửa, sơ ý để vỏ xe văng lên người B. gây bỏng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các dịch vụ Internet, hầu hết thanh thiếu niên, học sinh vào đây là để chơi game, còn việc sử dụng tiện ích của Internet vào việc học tập thì hầu như hiếm thấy. Mặt khác, các dịch vụ cung cấp trò chơi trực tuyến trên Internét vì lợi nhuận đã câu khách bằng cách cho các em chơi những trò chơi không lành mạnh, kéo theo hệ lụy nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội.

Trước thực trạng trên, năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 09 về tăng cường quản lý trò chơi trực tuyến trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định: Đại lý Internet tham gia cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến từ chối cung cấp trò chơi trực tuyến cho người mặc đồng phục học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, trừ những ngày nhà trường nghỉ học theo quy định chung.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều đại lý Internet cho học sinh mặc đồng phục vào chơi game dù đang trong giờ học, chẳng khác nào tiếp tay cho các em học sinh trốn học chơi game.

Game nói chung là phục vụ cho nhu cầu giải trí và kích thích sự sáng tạo, rèn luyện sự nhanh nhạy, kỹ năng sử dụng vi tính, song chơi game quá đà sẽ dẫn đến tác hại khôn lường. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết:

Theo kết quả của các nhà nghiên cứu khoa học thì những người nghiện game online có thể gây tổn thương bộ não con người, gây ra suy giảm trí nhớ, nhận thức tương tự như những người nghiện rượu, bia; còn việc tiếp xúc liên tục và kéo dài với máy tính, cơ thể trải qua những triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, đau ngực.

Đối với các em nghiện game online bị đau cổ, trầm uất, sợ sệt, không sẵn lòng tiếp xúc với người khác; thậm chí nhiều em có triệu chứng rối loạn giấc ngủ, chán nản, cảm thấy cô đơn, mất hết bạn thân, sao lãng việc học hành, thậm chí bỏ học, giảm tiếp xúc với gia đình, bạn bè, sống cô lập trước màn hình máy tính, nhiều em còn trộm tiền cha mẹ chơi game.

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử phạt những vi phạm hành chính trong việc cung cấp game online, tuy nhiên tình trạng này chưa hạn chế như mong muốn.

Trong năm 2015 và những  năm tiếp theo, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cương quyết hơn, chỉ đạo thanh tra của Sở và Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị, thành tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với những đại lý cách cổng trường học dưới 200 m cung cấp game online, nếu vi phạm thì sẽ yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ. Đối với những đại lý vi phạm nhiều lần thì Sở sẽ xử phạt tăng nặng, thậm chí yêu cầu đại lý ngừng cung cấp dịch vụ.

Để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên nghiện các trò chơi trực tuyến, ngoài những giải pháp của cơ quan chức năng thì gia đình, nhà trường, đoàn thể cần tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các em, giúp các em nhận biết lợi ích và tác hại của game online; đặc biệt là gia đình cần quan tâm con em mình, dành thời gian tìm hiểu suy nghĩ, tình cảm và hướng dẫn con cái học tập, tránh để bạn bè xấu lôi kéo sa vào những trò chơi trực tuyến.

Điều quan trọng là thế hệ trẻ cần phải xác định rõ mục đích, quyền lợi của bản thân, quyết tâm đẩy lùi sự xâm nhập của các trò chơi không lành mạnh.

HỒ SƯƠNG

.
.
.