Thứ Tư, 21/01/2015, 13:49 (GMT+7)
.

Cần sự chung tay nâng chất công tác tư vấn tâm lý học đường

Công tác tư vấn tâm lý học đường (TLHĐ) ngày càng được các trường học quan tâm. Một số trường đã xây dựng được phòng tư vấn nhằm giải quyết những lo lắng, vướng mắc cho học sinh (HS). Bên cạnh đó, nhiều biện pháp khác cũng được tiến hành song song. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc tư vấn chưa cao. Đây là thực tế khiến các trường lo lắng. Vậy đâu là giải pháp đúng cho vấn đề này?

Anh minh họa. Ảnh: Như Lam
Anh minh họa tư vấn học sinh THPT Chuyên Tiền Giang. Ảnh: Như Lam

PHÁT HUY VAI TRÒ GIÁO VIÊN

Ông Trần Thanh Nguyên, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: “Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong việc tư vấn tâm lý cho các em. Bởi GVCN là tâm điểm trong mọi mối quan hệ (với các giáo viên bộ môn, tập thể học sinh trong lớp, cha mẹ HS và các lực lượng giáo dục khác).

Đặc biệt là với HS, GVCN luôn là người gần gũi, đáng tin cậy nhất và cũng chính là cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh và giữa HS với cha mẹ các em. Chính vì thế, nếu được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tư vấn tâm lý thì chính GVCN sẽ là người tư vấn tốt nhất cho HS, thậm chí cho phụ huynh về những vấn đề liên quan đến các em”.

Hầu hết các trường cũng đều đánh giá cao vai trò của GVCN trong công tác tư vấn TLHĐ. Theo cô Hà Thanh Thiên Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (TX. Gò Công), trong nhà trường, việc tư vấn tâm lý cho HS là một hoạt động không thể thiếu của GVCN. GVCN sẽ thể hiện sự quan tâm của mình qua việc nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý các em, đặc biệt là những em có “hoàn cảnh đặc biệt”, từ đó GVCN sẽ kết hợp với giáo viên bộ môn và những người có liên quan để giải quyết vấn đề.

GVCN cũng dễ dàng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại... qua đó giúp các em có thêm một số kỹ năng cần thiết cũng như nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng, giúp các em không sa ngã vào những hành vi tiêu cực của xã hội, học tập tốt hơn…

Bên cạnh đó, các trường cũng đánh giá, ngoài GVCN, các giáo viên bộ môn cũng có vai trò rất quan trọng trong công tác tư vấn tâm lý cho các em. Tuy không thể theo sát bằng GVCN, nhưng giáo viên bộ môn có kỹ năng và sở trường riêng, nếu được các em tin tưởng.

XÃ HỘI CHUNG TAY

“Thật ra, tư vấn TLHĐ không nhất thiết phải đợi khi “có vấn đề” mới bắt tay vào. Cần nhìn nhận công tác tư vấn một cách rộng và thoáng hơn. Chẳng hạn như tạo các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, giáo dục đạo đức cho các em... cũng là một cách tư vấn rất tốt.

Trong các năm qua, qua các cuộc nói chuyện chuyên đề, tôi nhận thấy HS-SV rất quan tâm đến các vấn đề như: Tình bạn, mối quan hệ với bạn khác giới, tình yêu tuổi học trò, những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh, cuộc sống và nghề nghiệp...” - giảng viên Đặng Xuân Sơn, khoa Sư phạm Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ. Chính vì thế, việc tư vấn TLHĐ không chỉ là trách nhiệm của các giáo viên.

Ban Giám hiệu quan tâm thì công tác này mới thuận lợi, giáo viên dễ dàng thực hiện các hoạt động. Hơn nữa, có một số hoạt động lớn như nói chuyện chuyên đề, tổ chức ngoại khóa... nếu không có sự thống nhất và sẵn sàng hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường thì rất khó.

Cô Huỳnh Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình Điền cho rằng,  trong công tác tư vấn TLHĐ, vai trò của nhà trường rất quan trọng, vì chỉ nhà trường mới có thể phát huy sức mạnh của tất cả các lực lượng trong và ngoài nhà trường để giải tỏa tâm lý cho các em.

Ngoài nhà trường, gia đình và xã hội cũng cần có sự hỗ trợ tích cực thì công tác này mới phát huy hết hiệu quả. Vì trong quá trình tư vấn, người tư vấn cần tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là phụ huynh học sinh cũng như những người bên cạnh các em.

Thầy Trần Văn Nhum chia sẻ: Việc tư vấn muốn có hiệu quả cần phải có sự phối hợp chặt giữa nhà trường, gia đình và xã hội; sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên tư vấn tâm lý với mọi người, đặc biệt là cha mẹ, bạn bè, những người xung quanh các em.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, gia đình và xã hội cần phải chung tay để phát huy hiệu quả của hoạt động tư vấn TLHĐ. Vì thực tế, nhà trường chỉ “quản lý” khoảng 40% thời gian các em, hầu hết thời gian còn lại các em thuộc về gia đình và xã hội. Vì thế, tư vấn tâm lý giúp các em vượt qua khó khăn, hướng các em đi theo con đường đúng và chỉ thật sự hiệu quả khi mọi người cùng hỗ trợ.

Chứ nếu chỉ nhà trường “nói”, còn gia đình thì thiếu quan tâm, xã hội “ruồng bỏ”... thì nhà trường có làm thế nào cũng bằng thừa.

Tuy hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn như: Chưa có cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất thiếu thốn, người chịu trách nhiệm tư vấn thường làm công tác kiêm nhiệm nên thiếu thời gian và kỹ năng chuyên nghiệp. Mặt khác, một số trường chưa quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý... nhưng nhìn chung, công tác tư vấn TLHĐ đã có một lối đi cụ thể.

Chỉ cần sự quan tâm của tất cả mọi người, từ nhà trường, giáo viên, gia đình và xã hội thì công tác này sẽ ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc các HS ngày càng được quan tâm, tránh những sự việc không đáng xảy ra.

MINH CHÂU

.
.
.