Thứ Sáu, 02/01/2015, 08:38 (GMT+7)
.

Dòng tiền đang chảy vào đâu?

Dòng tiền nhàn rỗi của người dân đã và đang chảy vào bất động sản, tích trữ ngoại tệ, kinh doanh vàng, đầu tư sản xuất - kinh doanh hay đổ vào các ngân hàng thương mại? Câu hỏi này cũng không khó để tìm câu trả lời.

TÍCH TRỮ NGOẠI TỆ

Từ khi Nghị định 70 của Chính phủ ra đời, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, nhiều người nghĩ rằng, việc tích trữ ngoại tệ sẽ là một trong những kênh mà người dân lựa chọn trong điều kiện các kênh đầu tư khác không còn mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, khi đề cập đến kênh đầu tư này, giám đốc một ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc người dân tích trữ ngoại tệ, nhất là đồng USD nhằm kỳ vọng vào tỷ giá ngoại tệ tăng lên để kiếm lời, thực tế cũng đã diễn ra nhưng chỉ chiếm số lượng ít.

Bởi thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã đưa ra thông điệp là chỉ cho biến động chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng tiền Việt Nam (VND) tối đa từ 1 - 2 %, nhằm giữ ổn định cho VND.

Nhưng thực tế, đến cuối năm 2014 chênh lệch biến động về tỷ giá giữa hai đồng tiền này cũng chỉ khoảng 1%. Tất nhiên, để làm được điều này, NHNN Việt Nam phải có lượng ngoại tệ dự trữ đủ lớn, khi trên thị trường tiền tệ có biến động, NHNN Việt Nam kịp thời can thiệp để giữ ổn định tỷ giá.

Giá vàng giữ ổn định trong thời gian dài và ở mức thấp nên khả năng sinh lợi thấp so với các kênh đầu tư khác.
Giá vàng giữ ổn định trong thời gian dài và ở mức thấp nên khả năng sinh lợi thấp so với các kênh đầu tư khác.

Giám đốc NH này cũng phân tích thêm, hiện nay lượng kiều hối từ các nước chuyển về Việt Nam nói chung và qua các NH trên địa bàn tỉnh nói riêng tương đối lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhưng những người sở hữu lượng ngoại tệ này cũng đã tính toán, cân nhắc việc sử dụng sao cho có hiệu quả.

Nếu muốn đồng tiền sinh lời, hầu hết người dân chuyển đổi sang VND, vì lãi suất tiền gửi bằng USD hiện nay rất thấp. Chính sự chênh lệch về lãi suất tiền gửi giữa USD và VND như thế, nên huy động vốn bằng VND vẫn chiếm ưu thế hơn.

Tất nhiên, cũng có tâm lý là người dân muốn cất giữ bằng USD, nhưng chắc chắn không phải để kỳ vọng chờ tỷ giá tăng cao để kiếm lời. Bởi tỷ giá hiện tại được kiểm soát chặt chẽ, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường và của hệ thống NH là rất thấp, nên thực tế việc cất trữ ngoại tệ cũng không còn sinh lời bao nhiêu.

Nhìn vào các kênh đầu tư còn lại cũng cho thấy một góc nhìn khác. Giám đốc một công ty vàng bạc đá quý cho biết, thực tế là đầu tư vào vàng cũng không còn mang lại hiệu quả cao, bởi một thời gian dài vừa qua vàng giữ giá ổn định và ở mức thấp, trong khi NHNN Việt Nam kiềm chế được giá vàng thông qua nhiều công cụ khác nhau, nên người dân cũng không còn “lướt sóng”.

“Lượng vàng giao dịch trên thị trường cũng ở mức thấp. Có một thời giá vàng SJC “leo” lên trên 5,2 triệu đồng/chỉ, nhưng nay chỉ dao động ở mức 3,3 - 3,5 triệu đồng/chỉ và giữ trong một thời gian dài. Thực tế như thế nên vàng không còn sinh lời như những giai đoạn thị trường vàng có biến động lớn trước đây” - Giám đốc một công ty vàng bạc đá quý nhận định.

Riêng mảng sản xuất - kinh doanh vẫn phục hồi chậm, nên việc đổ vốn vào đầu tư mới chắc chắn còn phải cân nhắc, mà quan trọng là cố giữ ổn định mức sản xuất hiện tại. Chưa kể nhiều doanh nghiệp hiện gặp không ít khó khăn.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp trong ngành Thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chật vật để vượt qua khủng hoảng. Thể hiện rõ nhất là qua dư nợ tín dụng của nhóm đối tượng này không tăng nhiều trong năm 2014.

Theo đại diện các NH trên địa bàn tỉnh, dư nợ cho vay trong năm 2014 tăng chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng là kinh tế hộ. Đây cũng là nhóm đối tượng vay mà các NH thương mại đang cạnh tranh nhau quyết liệt.

NGÂN HÀNG LÀ SỰ LỰA CHỌN SỐ 1?

Trong khi các kênh đầu tư khác chưa có dấu hiệu sinh lợi, kênh gửi tiết kiệm tại các NH thương mại được người dân ưu tiên lựa chọn hơn và hơn hết là tính an toàn của nó. Cũng chính điều này mà vốn huy động của hệ thống các NH thương mại liên tục tăng ở mức cao, dẫn đến việc dư thừa nguồn vốn cho vay. Tất nhiên, tỷ lệ tăng vốn huy động ở từng NH sẽ khác nhau, tùy vào thương hiệu của mỗi đơn vị.

“Tôi có 400 triệu đồng do người con ở nước ngoài chuyển về, đã gửi ở Vietcombank Chi nhánh Tiền Giang thời hạn 1 năm, với lãi suất 7,5%/năm. Hôm nay là đến hạn rút vốn và lãi, nhưng tôi quyết định chỉ rút lãi, còn vốn gốc tiếp tục gửi lại NH với thời hạn 2 năm, do chưa biết phải làm gì với số tiền này, mặc dù lãi suất tiền gửi chỉ còn 7,2%/năm” - ông Nguyễn Văn L, ở huyện Chợ Gạo nói thế khi quyết định đầu tư theo kênh gửi tiết kiệm ở NH.

Bất chấp tình hình lãi suất huy động có chiều hướng giảm, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tiền Giang (Agribank Tiền Giang) khẳng định rằng, thời gian vừa qua vốn nhàn rỗi chạy vào kênh của NH là nhiều nhất.

Nguyên nhân chính là do các kênh đầu tư khác như vàng, tích trữ ngoại tệ, đầu tư vào bất động sản không còn hấp dẫn và không mang lại nhiều lợi ích.

“Chẳng hạn, thời gian qua kênh bất động sản chưa “sống dậy”, nên người dân không đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Trong khi sản xuất - kinh doanh hiện tại cũng rất khó khăn, người dân vẫn thấy tiết kiệm qua hệ thống NH vẫn còn đang sinh lợi, mặc dù với lãi suất huy động hiện nay tương đối thấp. Thật ra, công bằng mà nói hiện tại người dân cũng không có nhiều sự lựa chọn để đầu tư” - ông Trần Trọng Hùng phân tích.

Con số thực tế để chứng minh rằng, với trần lãi suất huy động chỉ dao động ở mức 7%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng vốn huy động trong năm 2014 của các NH thương mại trên địa bàn tỉnh đạt tương đối cao.

Ở Agribank Tiền Giang, tính đến ngày 30-12, tổng nguồn vốn huy động đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 1.853 tỷ đồng so với đầu năm 2014, tương ứng với tỷ lệ tăng là 23%. Còn trên phạm vi toàn tỉnh, theo số liệu của NHNN Chi nhánh Tiền Giang, dự kiến đến cuối năm 2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 31.807 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay đạt 22.157 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm 2014.

“Nhưng cũng cần phải nói thêm, nếu đà lãi suất cứ giảm xuống (NHNN Việt Nam cho biết, lãi suất huy động năm 2015 có thể giảm từ 1- 2%) mà các kênh đầu tư khác chỉ cần khôi phục lại, người dân sẽ cân nhắc trong việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nào. Điều này cũng là tất nhiên” - Giám đốc một NH thương mại cho biết.

Sau kênh NH, thị trường bất động sản cũng được dự báo sẽ là sự lựa chọn tiếp theo của các nhà đầu tư? Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang nhận định, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng.

Năm 2014 hệ thống các NH thương mại liên tục hạ lãi suất huy động đã thúc đẩy dòng tiền tiết kiệm của người dân chảy vào các kênh đầu tư. Trong khi giá vàng liên tục tuột dốc, chứng khoán và bất động sản là 2 kênh mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ hướng tới.

“Không nằm ngoài sự tác động của thị trường chung cả nước, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cũng đang trên đà tăng trưởng nhẹ và có dấu hiệu khởi sắc so với năm 2013. Thống kê cho thấy, không chỉ lượng giao dịch mua bán thành công ở các sàn giao dịch bất động sản tăng, mà số lượng giao dịch nhỏ lẻ bên ngoài cũng bắt đầu tăng lên” - ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết.

THẾ ANH

.
.
.