Thứ Sáu, 16/01/2015, 14:18 (GMT+7)
.

Hệ lụy khi cha mẹ bạo lực với con do mê game bỏ học

Trong cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm vào cuối học kỳ I năm nay, nhiều phụ huynh có con em là học sinh bị sa sút về học lực và hạnh kiểm đã xác định nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đáng buồn này là do mê game và họ thú thật rằng đã dùng nhiều biện pháp “mạnh” nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Rất chân thành, họ đề nghị nhà trường cũng phải thật mạnh tay để cùng giáo dục các em.

Những biện pháp “mạnh” của phụ huynh thực chất là dùng bạo lực, mà cụ thể là chửi mắng thô tục, đánh đập nặng tay ngay trước các cửa hàng Internet; thậm chí chà đạp nhân phẩm, danh dự của con mình bằng những hình phạt rất trung cổ.

Cứ tưởng chỉ xảy ra ở nơi khác mà báo chí từng đăng tải, nào ngờ ở huyện Gò Công Tây, người cha phạt con trai (đang học lớp 11, Trường Trung học phổ thông Long Bình) đeo bảng trước ngực với dòng chữ “Tui mê chơi game tui nghỉ học” (xem ảnh) quỳ trước cổng trường sát đường tỉnh 877 lúc nào cũng đông người qua lại đúng vào giữa buổi học, làm cho thầy - trò và những ai chứng kiến hết sức ngỡ ngàng, bất bình, lo lắng, bức xúc, phản đối, lên án.

Cũng ở trường này, sau đó không lâu, theo phản ánh của nhiều người dân, một bà mẹ cầm roi chạy mô tô theo canh giữ, phạt con trai đang học lớp 6 - 7 bò về nhà trên đường huyện 16A nóng rát giữa trưa sau khi phát hiện và lôi em này ra từ tiệm Internet.

Còn chuyện cha mẹ, anh chị tới các tiệm Internet tìm kiếm rồi đánh đập, chửi mắng con em mình bằng những lời lẽ thô tục ngay tại tiệm Internet là “chuyện thường ngày”.

Sở dĩ có tình trạng đau lòng trên xảy ra vì vẫn còn nhiều bậc cha mẹ chưa có nhận thức đúng về quyền và nghĩa vụ của mình đối với con cái theo quy định của pháp luật hiện hành. Không ít người vẫn cho rằng “con tôi đẻ ra tôi giết nó cũng được” hoặc vì thương con, muốn con nên người nên mới “cho roi, cho vọt”…

Thực tế cho thấy, những hình thức giáo dục kể trên là rất phản cảm, cực kỳ nguy hại và hơn nữa là vi phạm pháp luật. Bức xúc trước việc con mình mê game bỏ học, cha mẹ nói nhẹ không được thì tất nhiên cũng phải nói nặng, nhưng nghĩ rằng dùng bạo lực để chúng sợ hãi, xấu mặt mà bỏ game và học hành đàng hoàng là sai lầm.

Trước mắt có thể do sợ hãi và cả xấu hổ mà không dám bỏ học chơi game nữa, nhưng chắc chắn rằng những vết thương trong tâm hồn vì thể diện cá nhân bị cha mẹ “chà đạp” sẽ rất khó mà “lành sẹo” trong suốt cuộc đời còn lại.

Các bậc cha mẹ đó có biết đâu rằng, sau khi bị trừng phạt như vậy, con em mình sẽ bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần, sẽ phải lớn lên trong sự sợ hãi, tâm lý thiếu tự tin và có khuynh hướng coi bạo lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.

Kinh nghiệm của những người làm công tác giáo dục lâu năm cho thấy, cách dạy dỗ con cái như kiểu của các bậc cha mẹ nói trên chẳng những không giúp gì cho nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh mà còn tạo thêm sự khó khăn, bởi những học sinh bị cha mẹ bạo hành kiểu đó thì đau đớn về thể xác chỉ là nhất thời, mà quan trọng hơn là các em còn bị những “vết thương” tinh thần rất khó lành về sau.

Các em cảm thấy nhân cách bị chà đạp, tâm lý bị tổn thương, xấu hổ với bạn bè, thầy cô và mọi người, từ đó dễ đánh mất lòng tin vào bản thân, gia đình, cuộc sống, trở nên chai lì và dễ trượt dài vào những thói hư, tật xấu khác.

Cần khẳng định, giáo dục theo quan niệm “thương cho roi cho vọt” hiện nay hoàn toàn không còn phù hợp. Trong khi pháp luật cấm nhà trường áp dụng bất cứ hình thức bạo hành nào đối với học sinh và đã có không ít những trường hợp giáo viên bị công luận lên án và nặng hơn là bị xử lý kỷ luật vì vi phạm điều cấm này, thì ngược lại vẫn còn không ít các bậc cha mẹ lạm dụng nhục hình ở những mức độ khác nhau đối với con của họ, điều này đã tạo ra sự thiếu thống nhất, không đồng bộ trong quan điểm và phương pháp giáo dục giữa gia đình và nhà trường, góp phần làm hạn chế hiệu quả giáo dục.

Để hạn chế và khắc phục dần tình trạng phụ huynh dùng bạo lực để xử lý con mê game bỏ học nói riêng và vi phạm các khuyết điểm, sa đà vào các thói hư, tật xấu nói chung, về phía nhà trường, mà trực tiếp là các giáo viên chủ nhiệm, các thành viên khác của nhà trường cần phải tích cực hơn nữa trong việc tư vấn đối với phụ huynh để họ có nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về quan điểm cũng như phương pháp giáo dục tích cực, đặc biệt là những quy định của pháp luật hiện hành của Nhà nước ta trong vấn đề này.

Mặt khác, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở từng cơ sở, địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền vận động, giáo dục và quyết liệt ngăn chặn các trường hợp phụ huynh có hành vi bạo hành con em mình, đặc biệt là đối với các trường hợp dùng nhục hình như đã nêu trên.        

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.