Thứ Tư, 07/01/2015, 16:57 (GMT+7)
.

Học sinh nói sai, viết sai Tiếng Việt: Thực trạng và giải pháp

Trong thời gian qua, tình trạng học sinh (HS) nói sai, viết sai tiếng Việt và sử dụng câu không đúng ngữ pháp ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của “ngôn ngữ tin nhắn” - một biến thể của tiếng Việt, câu có sự pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt cũng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của các HS; thậm chí ngôn ngữ này đã xuất hiện trên bài kiểm tra của các em khiến các giáo viên (GV) vô cùng lo lắng.

Giáo viên cần quan tâm đến việc dạy các em “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt” ngay khi các em còn nhỏ.
Giáo viên cần quan tâm đến việc dạy các em “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt” ngay khi các em còn nhỏ.

XÁO TRỘN NGÔN NGỮ

GV Bùi Thanh Thảo, Trường THPT Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây) chia sẻ: “Hiện tại, ở trường tôi có nhiều HS nói sai tiếng Việt do thói quen sử dụng phương ngữ, chẳng hạn: “Hoan” được các em đọc là “quan”, “khuya” đọc là “phia”, “khỏe” đọc là “phẻ”, “về” đọc là “dìa”, từ đó dẫn đến viết sai. Ngoài ra, tình trạng HS viết chữ xấu, cẩu thả, sai chính tả, diễn đạt ý chưa rõ ràng ngày càng nhiều”.

Thầy Nguyễn Văn Bình, Trường THPT Phan Việt Thống (TX. Cai Lậy) nhận xét: “Hiện nay, việc sử dụng tiếng Việt của HS ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề. Trong ngôn ngữ nói, ngoài việc phát âm sai, các em còn tùy tiện sử dụng tiếng lóng hoặc “chêm” những từ tiếng Anh vào câu nói của mình…”.

Tiếng Việt ngày càng bị biến dạng do ngôn ngữ “tuổi teen”, ngôn ngữ “chat”, ngôn ngữ “tin nhắn”... ngày càng lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là các em HS. Điều đáng nói là các em còn vận dụng vào cả bài viết.

Theo các GV, hiện nay, trong các bài làm văn, bài tập của các em thường xuyên xuất hiện các từ như: iu (yêu), nhìu (nhiều), wá (quá), nhaz (nhé, nha), bùn (buồn), dzà (và), dzới (với), chiện (chuyện), nà (nè)… Bên cạnh đó, HS còn viết sai chính tả, viết bằng ký hiệu, sử dụng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt, câu cú dài dòng, cả bài không thấy sử dụng dấu chấm, phẩy…

Những nguyên nhân được hầu hết các GV nhìn nhận, đó là sự xuất hiện của công nghệ thông tin (đặc biệt là điện thoại di động và Internet) đã làm xuất hiện một cách viết đơn giản, mang tính khẩu ngữ cao và HS đã nhanh chóng bị ảnh hưởng.

Mặt khác, trong xu thế hội nhập, tiếng Anh ngày càng được sử dụng nhiều hơn, các em biết ngôn ngữ mới nhưng lại không thể sử dụng thành thạo, chỉ sử dụng theo thói quen và tạo ra một ngôn ngữ “lai tạp” khó chấp nhận; kiến thức về tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế, yếu kém; khả năng sử dụng tiếng Việt của các em còn yếu, các em nói chưa đúng, phát âm còn sai nhưng không được chỉnh sửa và bị ảnh hưởng bởi gia đình, những người xung quanh…, từ đó dẫn đến nói sai, viết sai tiếng Việt.

KHÓ KHẮC PHỤC?

Ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận: “Hiện nay, khá nhiều HS viết sai chính tả, nhất là lỗi dấu thanh, lỗi phụ âm đầu, phụ âm cuối…, khiến GV vẫn còn lúng túng trước thực trạng này và vẫn chưa khắc phục tốt. Hậu quả là đến bậc trung học, thậm chí cao đẳng, đại học các em vẫn còn viết sai chính tả. Đó là chưa kể đến việc ngôn ngữ bị xáo trộn, lai tạp như hiện nay”.

Từ thực trạng này, việc giáo dục HS “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt” trở nên hết sức bức thiết. Tuy nhiên, hầu hết GV đều nhìn nhận là khó lòng khắc phục những sai sót của HS cũng như khó giáo dục các em “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt” vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là sự thiếu quan tâm của các trường học.

Hiện tại, ở bậc học càng cao thì việc sử dụng ngôn ngữ của các em càng ít được thầy cô chú ý, ngoại trừ bậc tiểu học có bộ môn Chính tả và Tập đọc, các bậc học khác đều không có môn nào nhắc lại vấn đề này. Bên cạnh đó, việc HS nói đúng, đọc đúng cũng không được ai khen, nói sai cũng không bị ai nhắc nhở khiến các em ngày càng không quan tâm đến ngôn ngữ.

Cô Trương Thị Châu Minh, GV Trường THPT Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho) nhìn nhận: “Thời gian gần đây, việc giáo dục HS “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt” được thực hiện nhưng chưa đồng bộ. Ngoài giáo viên Ngữ văn, giáo viên các bộ môn khác chưa quan tâm đến việc sửa chữa, uốn nắn câu, chữ cho các em.

Đôi khi, GV Ngữ văn cũng chỉ chấm, trả bài mà ít khi sửa lỗi…, dẫn đến việc giáo dục HS “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt” không mấy hiệu quả. Đó là chưa kể đến việc một số GV không chú trọng đến câu, chữ khi ghi bảng…”

Để khắc phục vấn đề này, nhiều GV đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Hầu hết các giải pháp này đều tập trung vào 3 mặt: Nhà trường, gia đình và xã hội. Trước tiên, khẳng định nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục HS “nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt”.

Cô Nguyễn Huỳnh Kim Vân, Trường THCS phường 5 (TX. Gò Công) đề xuất: “Trường cần vận động mọi người, nhất là các cán bộ, GV và HS “nói đúng, viết đúng tiếng Việt”; việc giáo dục phải được thực hiện ngay khi các em còn nhỏ và theo quá trình phát triển của các em.

GV dạy Văn cũng như các GV khác cần sửa lỗi ngay khi phát hiện HS nói và viết sai; đồng thời các thầy cô cũng cần làm gương trong việc phát âm, dùng từ, viết chữ”.

Về vai trò của gia đình, theo cô Huỳnh Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy): “Trước hết, các bậc phụ huynh học sinh cần làm gương cho con em mình. Ngoài việc nói đúng, các bậc phụ huynh học sinh cần sửa ngay khi phát hiện các em nói sai hoặc sử dụng ngôn ngữ không trong sáng”.

Về xã hội, nhiều GV cho rằng những người lớn trong xã hội cần có trách nhiệm hơn trong cách nói chuyện, cách viết thư từ, trao đổi; thậm chí cách nhắn tin, viết blog, viết trên facebook... để HS hoặc chính con em mình không bị ảnh hưởng.

MINH CHÂU

.
.
.