Nhiều giải pháp hiệu quả nâng chất tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần
Không để tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần (SHCCĐT) trở nên khô khan, cứng nhắc, gây nhàm chán học sinh, nhiều trường đã nghiên cứu tổ chức tiết sinh hoạt sao cho sinh động, hấp dẫn. Xin giới thiệu một số mô hình hay.
NHIỀU GIẢI PHÁP NÂNG CHẤT LƯỢNG
Theo bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, tiết SHCCĐT là tiết mở đầu cho tuần học mới, có tính chất định hướng hoạt động cho trường, giáo viên và học sinh trong tuần lễ đó. Ngoài ra, đây cũng là tiết quan trọng, để thông qua đó các em được giáo dục tình yêu nước, tinh thần hiếu học, nêu cao gương sáng…, giúp các em phát triển toàn diện. Chính vì thế, nâng cao hiệu quả tiết SHCCĐT là một việc làm thiết thực, cần được quan tâm.
Nâng cao hiệu quả tiết SHCCĐT là một việc làm được các trường quan tâm. |
Thời gian gần đây, trong tiết SHCCĐT, phần “nghi thức”, tức phần “lễ” là phần không thể thiếu. Theo quy định tại Công văn 1525/BGDĐT-CTHSSV về việc hướng dẫn chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca của Bộ GD-ĐT thì “Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng, thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của người Việt Nam với Tổ quốc và Nhân dân”, vì thế phần này là phần được các trường tuân thủ rất nghiêm, được tổ chức chu đáo và trang nghiêm.
Tiếp theo là phần kiểm tra lại các hoạt động của trường, kiểm điểm, nhắc nhở sai sót và đề ra phương hướng, giải pháp cho tuần mới. Trước đây, phần này hầu như chiếm hết thời gian của tiết SHCCĐT, gây nhàm chán nên nhiều trường đã thay đổi.
Cụ thể, việc kiểm điểm được “chuyển” vào tiết sinh hoạt lớp, chỉ những vấn đề nghiêm trọng mới đưa ra toàn trường, sẽ được xử lý nhanh trong tiết SHCCĐT để tránh gây cảm giác nặng nề, áp lực cho các em.
Thời gian còn lại được các trường sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, giao lưu, tư vấn… nhằm phát huy năng lực cũng như giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Điều này đã được sự đồng tình của rất nhiều người trong ngành.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Vĩnh Bình 3 (huyện Gò Công Tây) chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng tiết SHCCĐT, cần nâng cao nhận thức của Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và Ban Chỉ huy liên đội về việc tổ chức tiết SHCCĐT cần sinh động, vui tươi, tránh việc chỉ trích các tập thể, cá nhân vi phạm khiến tiết SHCCĐT trở nên nặng nề; đồng thời cần xen lẫn các tiết mục văn nghệ…”.
Thầy Nguyễn Thành Tào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thới 1 (huyện Tân Phú Đông) cho biết, để phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, giúp các em hào hứng trong tiết SHCCĐT, chúng tôi đã giao việc điều hành tiết SHCCĐT cho các em đội viên.
Theo đó, các em trong Ban Chỉ huy liên đội của trường sẽ chịu trách nhiệm phân công luân phiên điều khiển buổi sinh hoạt chào cờ dưới sự hướng dẫn của Tổng phụ trách Đội. Mỗi buổi chào cờ thường có chương trình văn nghệ do chính các em tổ chức. Kết quả là hầu như học sinh nào cũng hứng thú và có trách nhiệm hơn trong tiết SHCCĐT.
MANG “SÂN KHẤU” VÀO TIẾT CHÀO CỜ
Hiện tại, một trong những “mô hình” được các trường thực hiện nhằm góp phần nâng cao tiết SHCCĐT là tổ chức “sân khấu hóa”, dựng lại các câu chuyện lịch sử, các bài học đạo đức… để giáo dục học sinh.
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, “Câu chuyện đầu tuần” có thời lượng 25 - 30 phút đã được học sinh đón nhận nồng nhiệt. Nội dung “Câu chuyện đầu tuần” thường gồm 3 phần: Khởi động (một trò chơi nhỏ, sinh động), nội dung chính (các hoạt động xoay quanh câu chuyện) và phần cuối là rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Cụ thể như gần đây, “Câu chuyện đầu tuần” có chủ đề: “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Lý Tự Trọng - xây dựng hình mẫu thanh niên thời đại mới” được khởi đầu bằng một ca khúc cách mạng, tiếp đến là hoạt cảnh về Anh hùng Lý Tự Trọng, đố vui về nhân vật Lý Tự Trọng và phần trao đổi về những phẩm chất tốt đẹp của thanh niên trong thời đại mới.
Hay như, với câu chuyện đầu tuần “Ứng xử văn hóa học đường”, từ những tình huống có thật, đội kịch Đoàn trường đã dựng nên những câu chuyện sinh động, gần gũi với học sinh như gặp thầy không chào, nói chuyện quên “dạ, thưa”, quên xếp hàng, sử dụng điện thoại di động trong giờ học, bạo lực học đường, thói quen vô cảm… Sau đó, học sinh sẽ tham gia xử lý tình huống và đề ra những giải pháp khắc phục.
Chị Vũ Kim Phượng, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Hoạt động “Câu chuyện đầu tuần” đã tạo không khí vui tươi, thân thiện. Các thông điệp được truyền tải đến học sinh qua cách này được các em dễ dàng tiếp thu, nhớ lâu, tạo được thói quen yêu thích và ứng xử văn hóa; các giáo viên cũng sẽ kịp thời uốn nắn nếu phát hiện ra các em có thói quen hay suy nghĩ lệch lạc…”.
Tại Trường THCS Bình Đông (TX. Gò Công), mô hình sân khấu hóa “Mỗi tuần một nhân vật lịch sử, mỗi tháng một sự kiện lịch sử” được trường triển khai thực hiện từ năm học 2011 - 2012. Theo đó, tất cả các lớp sẽ được phân công chịu trách nhiệm sắm vai, giới thiệu các nhân vật lịch sử… hàng tuần.
Các nhân vật lịch sử sẽ do lớp chọn, thông qua ý kiến giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên phụ trách chi đội. Từ đó, các giáo viên này sẽ cùng Tổng phụ trách Đội hỗ trợ các em hoàn thiện kịch bản, phân vai, chuẩn bị trang phục, đạo cụ…
Sau khi hoàn tất, tổng phụ trách Đội sẽ sắp xếp đưa các nhân vật lịch sử vào 15 - 20 phút cuối của tiết SHCCĐT mỗi tuần, mỗi tháng. Thầy Nguyễn Văn Hùng, Giáo viên - Tổng Phụ trách Đội nhà trường nhận xét: “Các hoạt cảnh được tái hiện đơn giản, không gây tốn kém nhưng rất hiệu quả, chẳng những tạo được sự hào hứng, thoải mái trong tiết SHCCĐT mà còn giúp các em học tốt, yêu thích môn Lịch sử, biết nhiều về các nhân vật lịch sử của nước nhà…”.
Một số trường khác cũng đã chọn hình thức “sân khấu hóa” để giúp tiết chào cờ trở nên sinh động hơn. Tuy phải đầu tư không ít thời gian cho tập luyện, làm trang phục, dựng bối cảnh… nhưng hầu hết các trường đều nhìn nhận đây là mô hình được học sinh thích nhất và sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
MINH CHÂU