Những điểm khó trong quy định về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra
Quy định cụ thể về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%, việc đăng ký hợp đồng hay việc thẩm định lô hàng xuất khẩu… theo Nghị định 36 của Chính phủ, là những điểm mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành cá tra xuất khẩu cho là khó thực hiện, cần phải điều chỉnh.
Còn nhiều “rắc rối” xoay quanh việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. |
Nghị định 36 của Chính phủ ra đời, có hiệu lực từ ngày 20-6-2014, được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh lại hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu của ngành cá tra vốn có quá nhiều “lộn xộn” thời gian qua. Tuy vậy, một số điều được quy định trong Nghị định 36 lại vấp phải phản ứng từ phía các DN, bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất - kinh doanh.
Những ngày đầu năm 2015, nhiều DN trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, nhất là đối với cá tra xuất khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nếu không điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn, có thể DN sẽ phải đóng cửa hoạt động. Tất nhiên, DN trong lĩnh vực chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Thực tế là ngay từ khi Nghị định 36 được ban hành đã xuất hiện những phản ứng từ phía các DN xuất khẩu cá tra. Từ thực tế như thế, UBND tỉnh cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ với các DN xuất khẩu sản phẩm cá tra trên địa bàn tỉnh, cùng dự còn có lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện các DN đã chỉ ra một số khó khăn, bất cập trong Nghị định 36 như: Quy định tỷ lệ mạ băng, quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%, quy định về việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra… Nếu thực hiện các điều khoản này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra, nhất là trong giai đoạn các DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Liên quan đến những điểm còn bất cập trong Nghị định 36, bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân, chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra cho rằng, Nghị định 36 ra đời nhằm mục đích ổn định thị trường cá tra, chống sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm, khoản chưa phù hợp tình hình thực tế, cần có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn.
“Chẳng hạn như việc quy định thẩm định lô hàng. Lô hàng từ khi thả cá, chế biến đến xuất khẩu đã có tổ chức giám định. Bây giờ giao thêm cho hiệp hội nữa phí sẽ chồng phí. Các DN chế biến xuất khẩu phải chịu chi phí kiểm nghiệm như các chỉ tiêu vi sinh, kháng sinh, chất lượng giống, chứng nhận VietGAP, Global GAP... khoảng 4.000 đồng/kg cá thành phẩm. Vì vậy, việc phí chồng phí sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình hoạt động của các DN trong tình hình khó khăn hiện nay” - bà Nguyễn Thị Ánh cho biết.
Tổng Giám đốc một DN lớn trong ngành Thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, nghị định về con cá tra phải bắt đầu đi từ gốc. Đó là sự liên kết 3 nhà giữa nông dân, DN và nhà quản lý để phát triển. Nhưng thời gian qua, việc đầu tư nuôi trồng chưa có, kể cả DN đầu tư nuôi trồng từ nguồn vốn ngân hàng cũng không có.
Chính vì vậy cần phải có những giải pháp căn cơ mới giải quyết được cái “khó” của ngành hàng cá tra. “Tôi cho rằng Nghị định cần thiết để ra đời, nhưng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Làm sao để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người nuôi” - Tổng Giám đốc DN này cho biết.
Liên quan đến Nghị định 36, khi làm việc với các DN xuất khẩu thủy sản của Tiền Giang, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP cũng đã chỉ ra một số điểm chưa hợp lý cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Chẳng hạn, Khoản 5 quy định: “đến 31-12-2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam”.
Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn VietGAP chưa được thị trường quốc tế và khách hàng nước ngoài công nhận, còn các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến nhất (Global GAP, ASC và BAP) lại chưa được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận là “phù hợp quy định của Việt Nam”.
Để đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu và thị trường nhập khẩu, hầu hết các cơ sở nuôi cá tra do DN tự nuôi hoặc liên kết đều đã áp dụng các tiêu chuẩn nuôi tốt trên thế giới như GlobalGAP, ASC và BAP… rất tốn kém nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng công bố danh mục các chứng chỉ quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
GODACO hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng trong năm 2015 Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), một trong những DN xuất khẩu thủy sản có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh nhận định, nhìn chung năm 2014 thị trường xuất khẩu thủy sản ở mức bình thường, ổn định và không có nhiều yếu tố đột biến. Riêng đối với GODACO, nếu như năm 2013 đạt doanh thu là 850 tỷ đồng thì năm 2014 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu từ 37 triệu USD tăng lên khoảng 55 triệu USD. Tuy nhiên, cả doanh thu và kim ngạch xuất khẩu năm 2014 vẫn không đạt theo như kế hoạch ngay từ đầu năm mà công ty đã đề ra. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có lý do nội tại là lao động tuy đủ về số lượng nhưng tay nghề chưa đảm bảo, nên chưa khai thác hết công suất của máy móc thiết bị mới được đầu tư. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới hiện nay vẫn tốt. Tuy nhiên, các DN trong nước vẫn chưa khởi sắc mạnh như các năm trước, do còn dư âm của một thời lãi suất ngân hàng cao. Dự kiến trong năm 2015, GODACO đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 70 triệu USD, số lượng sản phẩm xuất khẩu đạt 30.000 tấn. Bên cạnh đó, công ty sẽ đầu tư thêm nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng ở Bến Tre, với vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD. |
Riêng về tỷ lệ mạ băng, theo VASEP, tỷ lệ này được đưa ra bởi thẩm quyền của nước nhập khẩu hoặc bởi nhà nhập khẩu, nếu nước nhập khẩu không có quy định. Do đó, chỉ cần DN phải ghi rõ tỷ lệ mạ băng trên nhãn hàng hóa, không cần quy định cụ thể về tỷ lệ mạ băng.
Riêng quy định “hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%” tại Khoản 3 Điều 6, theo các DN là còn thiếu cơ sở khoa học và thương mại, lại không quy định về phương pháp kiểm nên khó có tính khả thi.
“Do vậy, việc áp đặt một mức chất lượng chung cho tất cả các thị trường là không thật hợp lý, vì mỗi thị trường và đối tượng khách hàng có yêu cầu chất lượng khác nhau” - ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Thế nhưng, ở góc nhìn khác, khi họp triển khai Nghị định 36, ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 94 nhà máy chế biến cá tra, với công suất gần 1 triệu tấn/năm.
Với công suất này, Việt Nam thừa sản phẩm cá tra cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Để quản lý một diện tích nuôi lớn, với những nhà máy có công suất chế biến như vậy, sự ra đời của Nghị định 36 là điều cần thiết, đảm bảo lợi ích cho người nuôi, người chế biến và lợi ích quốc gia...
PHƯƠNG ANH
Lùi thời hạn thực hiện một số quy định với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2014 vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, Chính phủ thống nhất chưa thực hiện các quy định tại điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 đến hết ngày 31-12-2015. Cụ thể: Chưa áp dụng tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%; hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vướng mắc phát sinh (nếu có) để từng bước nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm cá tra của nước ta trên thị trường quốc tế |