Thứ Ba, 06/01/2015, 10:20 (GMT+7)
.

Thêm một trường hợp sai sót trong đề thi và đáp án

Ảnh: Như Lam
Bài báo “Một đề thi, 3 hướng dẫn chấm” trên Báo Ấp Bắc số 3.230. Ảnh: Như Lam

Báo Ấp Bắc số 3.230 bài phản ánh “Một đề thi, 3 hướng dẫn chấm” có đề cập đến những thiếu sót trong đề thi và đáp án. Đây là vấn đề được khá nhiều giáo viên và phụ huynh quan tâm. Đặc biệt là phụ huynh, vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của con em mình.
    
Tôi là một phụ huynh, cũng là một giáo viên dạy Ngữ văn cấp THCS vừa nghỉ hưu, có hai con học lớp 6 và lớp 8.

Trong kỳ kiểm tra học kỳ I vừa qua, hai con tôi nói đề Ngữ văn có câu chưa học tới nên không làm được. Lấy làm lạ, nên tôi xem kỹ hai đề thi này và đối chiếu với chương trình mới biết hai con tôi nói không sai.

Trước hết, nói về khối 6. Đề thi là đoạn văn trích từ truyền thuyết Thánh Gióng. Trên cơ sở đó, đề ra 2 câu hỏi về đọc - hiểu văn bản và 2 câu tiếng Việt. Ở câu 2 (1.0 điểm) có hỏi: “Hãy cho biết ở tỉnh Tiền Giang có bao nhiêu danh mục di tích xếp hạng cấp quốc gia? Kể hai tên di tích xếp hạng cấp quốc gia địa bàn thị xã Cai Lậy”.

Đây là câu hỏi về Chương trình địa phương. Nhưng đáng tiếc là đề ra thuộc bài “Một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Tiền Giang” (trang 23 “TÀI LIỆU DẠY - HỌC NGỮ VĂN ĐỊA PHƯƠNG TIỀN GIANG” do TS. Trần Thanh Đức (chủ biên), NXBGDVN).

Bài học này ứng với bài 33 Chương trình địa phương (phần văn và tập làm văn, Sách Ngữ văn 6 tập II, trang 160). Và, theo phân phối chương trình của Sở GD&ĐT Tiền Giang bài này thuộc tuần 35, tiết 136 (tức là cuối học kỳ II, HS mới được học), trong khi giới hạn chương trình ôn thi theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TX. Cai Lậy là từ tuần 1 đến hết tuần 16.

Ở câu hỏi 3 (1.0 điểm) có cho câu: “Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc” và yêu cầu học sinh: Hãy xác định cụm danh từ ở câu trên và vẽ mô hình cụm danh từ vừa tìm được vào mô hình đó?

Qua một số bạn bè, đồng nghiệp tôi được biết đáp án của câu này được ghi nguyên văn như sau:

- “Những cụm tre cạnh đường quật vào giặc” (0,5 điểm)
- Mô hình cụm danh từ (0,5 điểm)

Phần trước    Phần trung tâm    Phần sau
 t2    t1    T1     T2     s1    s2

    những    cụm    tre    Cạnh đường quật vào giặc    
Việc xác định cụm danh từ như thế là sai. Xin nhắc lại cụm danh từ là một tổ hợp từ do danh từ và một số từ ngữ khác phụ thuộc nó tạo thành. Phân tích lại câu văn đề cho như thế này:

      Tráng sĩ // bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.
          CN               VN1                                               VN2
Vị ngữ 1 (VN1) và vị ngữ 2 (VN2) là hai hoạt động của chủ ngữ (CN) “Tráng sĩ”, còn hai phần chữ in nghiêng là phụ ngữ sau của động từ “nhổ” và “quật”. Như vậy cụm từ “quật vào giặc” không phụ thuộc vào danh từ “cụm tre”. Chính xác cụm danh từ trong câu văn trên là “NHỮNG CỤM TRE CẠNH ĐƯỜNG”. Đáp án của Phòng GD&ĐT TX. Cai Lậy là thừa cụm từ “quật vào giặc”. Mà thừa là sai.  

Còn đề khối 8 cũng vậy. Đề trích một đoạn văn từ văn bản “Trong lòng mẹ” (Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng). Câu 4 (1.0 điểm) có yêu cầu: Tìm từ xưng hô trong đoạn văn trên. Và đáp án là: “Mẹ, tôi.”

Câu hỏi và đáp án mắc 2 lỗi. Một là, câu hỏi đã hỏi về phần kiến thức lớp 9 (không phải lớp 8), bài “Xưng hô trong hội thoại” (trang 38 Ngữ văn 9 tập I).

Hai là, đáp án cho từ “mẹ” trong đoạn văn trên là từ ngữ xưng hô là hoàn toàn sai. Những từ “mẹ" trong đoạn văn trích của đề là danh từ. Từ “mẹ” sẽ là từ ngữ xưng hô khi dùng trong lời thoại, chẳng hạn: “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm.”. Trong trường hợp này, từ “mẹ” (kể cả từ “con”) là đại từ, là từ ngữ xưng hô.

Từ những sai sót trên, tôi thấy các em mất điểm rất oan. Chẳng hạn ở câu 3 khối 6 nếu HS làm như đáp án thì được hưởng trọn điểm (mà đáp án đã giải đáp sai), còn học sinh nào hiểu, vận kiến thức về cụm danh từ đã học và làm đúng thì bị mất điểm. Hay là câu 4, môn Ngữ văn 8 cũng vậy, các em  đã học đâu mà biết làm!

Con gái tôi cũng hiểu mang máng nên chọn từ “tôi” là từ xưng hô. Còn cháu học sinh cạnh nhà cùng lớp với con tôi thì chọn bừa cả 2 từ “mẹ, tôi”. Theo đáp án của Phòng GD&ĐT TX. Cai Lậy, con tôi (làm đúng) mất nửa số điểm. Còn cháu X. (làm sai) thì được trọn điểm. Vậy có oan cho các em không?

Vốn còn “duyên nợ” với nghề nên tôi mới đem những bức xúc này ra trao đổi, giải bày. Rất mong quý độc giả, quý phụ huynh và nhất là những thầy, cô giáo còn đang dạy Ngữ văn ở cấp THCS thẳng thắn, chân thành cho ý kiến về vấn đề này.

Một phụ huynh ở TX. Cai Lậy

.
.
.