Thứ Tư, 18/02/2015, 06:37 (GMT+7)
.

Doanh nhân dự cảm 2015

Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đây sẽ là năm mở ra nhiều cơ hội tốt cho DN trong nước nhưng cũng đi đôi với cạnh tranh khốc liệt. Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu một số ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về dự cảm trong năm mới.

* Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen: Mở ra nhiều cơ hội tốt cho DN trong nước

Năm 2015 được kỳ vọng mang đến những tín hiệu tích cực hơn cho nền kinh tế. Các chính sách điều chỉnh của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Kết quả tăng trưởng năm 2014 đã cho thấy những tín hiệu tích cực khi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước về cơ bản đã dần đi vào ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát.

Năm 2015 sẽ là năm nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Việc cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho các DN trong nước. Tuy nhiên hội nhập sẽ luôn đi đôi với cạnh tranh khốc liệt.

Nếu Việt Nam xây dựng được năng lực cạnh tranh tốt, DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều với việc mở rộng thị trường, đưa hàng hóa tiến vào các nước ASEAN. Ngược lại nếu việc chuẩn bị hội nhập không tốt thì rủi ro sẽ tới, Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực. Do đó, không còn cách nào khác là chính bản thân các DN cần phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Đối với ngành thép, năm vừa qua cũng là một năm đầy khó khăn với những diễn biến bất lợi của giá thép cán nóng và thép thành phẩm trong nước đã ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các DN trong ngành. Trong niên độ tài chính 2014 - 2015, Hoa Sen sẽ tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là tôn, thép, nhựa phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên nền tảng sẵn có, định hướng phát triển nhanh hệ thống chi nhánh phân phối - bán lẻ, mở thêm 50 chi nhánh trong năm 2015, nâng tổng số chi nhánh lên 300 trong vòng 3 năm tới.

* Ông Nguyễn Thiện Toàn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chè Việt Nam: Cần tạo chủ động tối đa cho doanh nghiệp

Trong khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sự điều hành kinh tế của Chính phủ năm 2014 nhìn chung đã đem lại thành công, tạo dấu ấn niềm tin cho DN.

Trong năm 2015, chúng tôi hy vọng chính sách vĩ mô liên quan đến DN ổn định hơn nữa. Các Luật, Nghị định, Thông tư sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn về thủ tục xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần xem xét, nới tỷ giá VNĐ/USD vì giá trị USD đang lên, kinh tế Mỹ đang đà đi lên, sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động trong nước.

Nhà nước cũng cần đặc biệt quan tâm đến vùng nguyên liệu của DN, trong đó đất đai đã giao cho DN tại vùng nguyên liệu thì không nên giao cho địa phương quản lý mà tiếp tục để DN quản lý, đầu tư, làm khuyến nông.

Với các DN có vốn của Nhà nước, nên bỏ cơ chế “xin- cho” (thông qua các quy định phải báo cáo và xin phê duyệt của chủ sở hữu), tạo chủ động tối đa cho DN "chớp" cơ hội trong kinh tế thị trường, giao cho DN nghĩa vụ nộp ngân sách thông qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

Việc hoàn thuế GTGT nên áp dụng 3 tháng/lần, theo quy định hiện nay để cả năm mới hoàn thuế gây khó khăn về vốn cho DN, mặt khác từ đó việc kiểm tra hoàn thuế sẽ rất mất thời gian và khó khắc phục cho DN.

Hệ thống ngân hàng thương mại cần tổ chức lại theo chuyên ngành như trước đây mới có được chuyên môn hóa sâu, như Ngân hàng chỉ chuyên: Xuất nhập khẩu (Vietcombank), kinh doanh trong nước (Công Thương), đầu tư - xây dựng (Đầu tư phát triển), nông nghiệp...

Ngoài ra, nếu có thể thì không nên đưa Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán DN, bởi DN hoạt động đã luôn chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan: Thuế, Tài chính, Thị trường, Chủ sở hữu…

* Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ống thép Việt Đức: Đã có đầu ra, cần lo đầu vào

Nếu như những năm trước DN không phát triển được vì không có thị trường, thì trong năm 2014, vấn đề này đã phần nào được tháo gỡ. Điển hình như việc tái cơ cấu thành công ngành xây dựng, giao thông đã thúc đẩy, mở rộng đầu ra cho rất nhiều DN, trong đó có các công ty sản xuất thép. Đây cũng sẽ là lợi thế cho DN trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, chúng ta muốn phát triển bền vững thì phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế kinh tế và văn hóa bởi đây là cái gốc của sự phát triển.

Năm 2014, Chính phủ đã rất tích cực chuẩn bị các điều kiện để đến năm 2015, Việt Nam sẽ tiến hành ký kết nhiều hiệp định thương mại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì các DN lại rất mơ hồ về vấn đề này.

Gia nhập, ký kết các hiệp định thương mại cũng có nghĩa là ngoài những cơ hội lớn, thì các DN cũng phải đứng trước sự cạnh tranh rất lớn, nhất là các DN bán lẻ khi thuế suất của rất nhiều mặt hàng sẽ xuống 0%.

Do vậy, các DN để có đủ sức đứng vững trên thị trường, trên sân chơi chung rộng lớn thì phải đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, chú trọng đến khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất.

Một thực tế hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là chúng ta đang thiếu từ nguồn nhân lực cho đến cơ sở vật chất.

Một ví dụ điển hình cho sự thiếu này là ngành Da giày. Chủ yếu chúng ta hiện nay chỉ làm khâu gia công, chúng ta thiếu nguyên liệu để sản xuất, bởi thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu.

Tình trạng này xảy ra cũng một phần là do quan niệm của các DN Việt Nam, đó là “cần thịt thì ra chợ mua chứ không nhất thiết phải nuôi cả một con bò”, quan niệm này không sai nhưng sẽ khiến chúng ta bị phụ thuộc, không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Cần thay đổi tư duy, quan niệm này, không chỉ trong ngành Da giày mà trong bất kể ngành nghề nào cũng vậy, phải đi từ cái gốc là nguồn nguyên liệu.

Đối với DN cũng vậy, muốn phát triển thì không thể tự phát, chạy theo xu hướng mà bản thân DN cũng phải đặt mình trong nền kinh tế chung và Chính phủ phải định hướng vấn đề này.

Những chính sách chúng ta đưa ra trong năm 2014 là đúng, năm 2015 là năm bắt tay vào thực hiện. Các DN chưa bao giờ ở trong điều kiện tốt như hiện nay khi chúng ta có thị trường đầu ra. Câu chuyện là chúng ta phải có đầu vào (nguyên liệu).

* Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội: Dấu mốc quan trọng trong tái cơ cấu ngành vận tải

Năm 2015 là năm kỳ vọng của các doanh nhân Việt Nam bởi nền móng phát triển đã thiết kế và tôn tạo một cách vững chắc, tạo ra niềm hy vọng cho các doanh nhân. Với ngành Vận tải, sẽ là năm đánh dấu mốc quan trọng để tái cơ cấu lại ngành.

Năm 2015, Nhà nước tiến hành siết chặt quản lý ngành Vận tải. Bộ Giao thông vận tải sẽ lập lại phương thức quản lý, sắp xếp lại luồng, tuyến. Điều này sẽ đảm bảo lượng xe đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ.

Việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải sẽ khiến cho các DN đủ năng lực về tài chính, quản lý sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, nhưng cũng khiến nhiều DN nhỏ lẻ phải đứng trước bài toán sáp nhập, cơ cấu lại.

Về vận tải hàng hoá, năm 2015 Nhà nước sẽ hạn chế, siết chặt xe quá tải để đảm bảo cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông. Nhìn chung, trong năm tới, ngành vận tải phải đứng trước việc cơ cấu lại ngành, sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán, nhiều giải pháp.

* Ông Trần Văn Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Thách thức với xuất khẩu thuỷ sản

Có thể nói năm 2015, ngành xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp nhiều khó khăn do đồng Việt Nam quá mạnh so với các nước nhập khẩu (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc) khiến giá thành thuỷ sản của Việt Năm tăng lên.

Trong khi đó, các nước cạnh tranh xuất khẩu thuỷ sản với Việt Nam, do đồng tiền của họ mất giá so với đồng USD nên thuỷ sản của Việt Nam lại càng khó cạnh tranh với họ về giá thành.

Bên cạnh đó, giá thành thuỷ sản thế giới nhìn chung đang giảm giá khoảng 20%. Ví dụ như giá tôm thẻ chân trắng là 110.000 đồng/kg vào tháng 10/2014 thì đến tháng 12/2014 chỉ còn 94.000 đến 95.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 90.000 đồng/kg.

Giá thành sản xuất cao như vậy do Việt Nam hiện nay chưa sản xuất được giống mà chủ yếu nhập từ nước ngoài, 80% thức ăn nuôi tôm cũng là do các DN nước ngoài kiểm soát. Điều này dẫn đến người nuôi tôm không có lãi.

Một khó khăn cho ngành xuất khẩu thuỷ sản nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng là hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Do thời gian trước, Trung Quốc thu mua tôm của Việt Nam khá dễ dàng nên người nông dân khi nuôi đã lạm dụng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc tôm Việt Nam bị nhiễm kháng sinh nhiều. Điều này khiến cho tôm Việt Nam khó lọt vào các thị trường như châu Âu, Nhật Bản. Các thị trường này hiện kiểm soát rất chặt chẽ tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Nhìn chung năm 2015 có thể nói sẽ là năm khó khăn với ngành xuất khẩu thuỷ sản, các DN sẽ khó xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường khác. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành nhiều khả năng sẽ không đạt bằng năm 2014.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.