Thứ Tư, 25/02/2015, 10:11 (GMT+7)
.

Kỳ vọng của các doanh nghiệp

Trước bối cảnh và bức tranh chung của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp đều phải lựa chọn lối đi riêng. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã ghi lại những kỳ vọng của một số doanh nghiệp:

* Ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco: Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc có nguồn gốc dược liệu

Năm 2014, tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc nhưng cũng còn không ít khó khăn. Đối với ngành Dược trong nước, nguồn nguyên liệu cung ứng không ổn định, giá cả thay đổi, sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước cũng rất gay gắt, bên cạnh đó là sự cạnh tranh giữa nội bộ ngành Dược trong nước.

Tuy nhiên, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành đề án Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt. Đây là cơ hội rất tốt cho sự phát triển của ngành Dược trong nước nói chung cũng như ngành Dược của Tiền Giang nói riêng.

Nhờ đó, Tipharco vượt qua khó khăn và tạo được bước phát triển rất đột phá. Cụ thể là doanh số trúng thầu của công ty năm 2014 khối điều trị tăng gần gấp đôi so với năm 2013; công ty hoàn thành vượt kế hoạch năm 2014 trên 20%; có sản phẩm được Bộ Y tế chứng nhận là Ngôi sao thuốc Việt.

Trong thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ, liên kết với các viện, trường nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiên cứu tạo sản phẩm mới có thể thay thế thuốc ngoại nhập; đồng thời công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc có nguồn gốc dược liệu tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, với vốn đầu tư ban đầu 50 tỷ đồng.

* Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công): Đầu tư công nghệ hiện đại

Năm 2014, Công ty cổ phần May Công Tiến đã vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Đạt được kết quả như thế một phần là nhờ vào việc thay đổi công nghệ Line giúp năng suất lao động tăng lên đáng kể, tiết kiệm chi phí, thời gian lãng phí ít, tiền lương của người lao động cũng tăng theo; đồng thời công ty cũng đang thay đổi các thiết bị chuyên dùng, đầu tư thiết bị điện tử cho các thiết bị cơ đã lỗi thời.

Cụ thể, công ty đã đạt doanh thu 220 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và tăng 28% so với kế hoạch; số lượng sản phẩm tăng 12%, với tổng số sản phẩm đạt được là 6 triệu sản phẩm; lợi nhuận tăng 38%. Công ty hiện đang giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, với thu nhập bình quân 5,2 triệu/người/tháng.

Trong năm 2015, Công Tiến sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc, tập trung vào các máy chuyên dùng, máy lập trình bằng hệ thống điện tử để thời gian chế tạo sản phẩm của công nhân được rút ngắn lại.

Nếu như năm 2014 năng suất bình quân của người lao động chỉ đạt 420 USD/người, sang năm 2015 quyết tâm đạt được 500 USD/người, tiền lương đạt 6 triệu/người/tháng. Riêng doanh thu công ty dự kiến đạt 250 tỷ đồng, tương đương 12 triệu USD; lợi nhuận được giao là 28 tỷ đồng.

* Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO): Dự kiến doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng

Năm 2015, ngành Thủy sản được dự đoán có những thuận lợi nhất định nhưng khó khăn chắc chắn sẽ nhiều hơn năm 2014. Thứ nhất, về mặt hàng tôm, năm 2014 trúng giá và trúng vụ do Thái Lan là nước chủ lực và các nước xung quanh mất mùa tôm, nhưng sang năm 2015 chưa chắc ngành hàng tôm sẽ thắng.

Đối với con cá tra, dù là mặt hàng có giá bình dân, được tiêu thụ rộng rãi, nhưng do giá dầu đang giảm sâu nên việc khuyến khích khai thác cá biển sẽ được tập trung.

Do vậy, giá cá thịt trắng sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với con cá tra nhờ giá thành thấp và chất lượng tốt nên cá tra không hứa hẹn sẽ có giá bán tốt. Chưa kể những tồn tại của ngành Thủy sản kéo dài trong những năm qua chưa giải
quyết xong.

Mặc dù đối diện với những khó khăn chung của nền kinh tế cũng như của ngành Thủy sản nhưng GODACO vẫn cơ bản đạt được những chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Nếu như năm 2013 đạt doanh thu 850 tỷ đồng thì năm 2014 đạt 1.200 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu từ 37 triệu USD tăng lên 55 triệu USD. Sự tăng lên về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu phần lớn nhờ vào nhà máy chế biến thủy sản mới của GODACO chính thức đi vào hoạt động ổn định.

Trước bối cảnh như thế, trong năm 2015, GODACO dự kiến đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 70 triệu USD, số lượng sản phẩm xuất khẩu đạt 30.000 tấn. Bên cạnh đó, công ty sẽ đầu tư thêm nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng ở Bến Tre, với vốn đầu tư 15 triệu USD.

* Ông Cao Dũng Khanh, Giám đốc HTX Quang Minh: Ngành thủ công mỹ nghệ tiếp tục tăng tốc

Một vài năm trước kinh tế khó khăn, nhiều hợp tác xã (HTX) rơi vào tình trạng khủng hoảng, không có việc làm, giá cả xuống thấp, cạnh tranh lẫn nhau gay gắt, HTX Quang Minh cũng nằm trong bức tranh chung đó.

Trước tình hình này, HTX Quang Minh tìm hướng đi mới là mở rộng thêm mặt hàng, chủ yếu là mặt hàng đan dây nhựa.

Nhờ đi dự các hội chợ trong và ngoài nước thấy mặt hàng đan dây nhựa trên bàn ghế, chậu đang thịnh hành, HTX Quang Minh nhảy vào đầu tư máy móc trong lĩnh vực sợi nhựa để cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị bằng dây nhựa; đồng thời xây dựng nhà xưởng, với vốn đầu tư 5 tỷ đồng.

Nhờ bước đi này, năm 2014 nguồn hàng của HTX Quang Minh bắt đầu ổn định và đi lên. Nếu như năm 2013 sản phẩm nhựa của HTX chỉ đạt 400 tấn, sang năm 2014 đã tăng lên 800 tấn.

Từ đó hàng hóa của HTX Quang Minh phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đơn vị; đồng thời, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhiều khách hàng tìm kiếm đến HTX Quang Minh,trong đó có nhiều đối tác mới có tầm cỡ trên thế giới. Năm 2014, HTX Quang Minh đạt kim ngạch xuất khẩu 2,7 triệu USD, tăng 10% so với năm 2013.

Năm 2015, HTX Quang Minh dự kiến xây dựng thêm nhà xưởng, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 triệu USD. Qua giai đoạn đi xuống, ngành hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng tốc trở lại, một phần nhờ sự dịch chuyển khách hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nên xu hướng tiêu dùng ngành hàng này sẽ tăng trưởng tốt. Đây là cơ hội tốt cho các đơn vị trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và đối với HTX Quang Minh nói riêng.

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.