Thứ Tư, 11/03/2015, 20:29 (GMT+7)
.

Cai nghiện thuốc lá không phải là quá khó

Thuốc lá và những tác hại của việc hút thuốc lá hầu như người hút thuốc lá nào cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, để từ bỏ thuốc lá với nhiều người không phải là chuyện đơn giản. Làm thế nào để người nghiện từ bỏ thuốc lá dễ dàng?

NGHIỆN THUỐC LÁ

Nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc mất hoàn toàn tự do “nói không với thuốc lá”. Người nghiện thuốc lá không thể “quên” hút thuốc lá, ngược lại bị bắt buộc phải hút nếu không sẽ bị cảm giác “đói” thuốc. Thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng, nhiều năm, hút thuốc lá ngay khi đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra: Thở oxy do suy hô hấp, cắt cụt chân vì tắc mạch chi dưới.

Nghiện thuốc lá xuất hiện là hậu quả của các hiệu ứng tâm thần kinh do chất gây nghiện nicotine gây ra. Nghiện thuốc lá thường là kết hợp của nghiện tâm lý, hành vi với nghiện thực thể - dược lý. 

ghiện tâm lý là khi người nghiện hút thuốc lá để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh khi hút thuốc lá, ví dụ: Sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện thuốc lá tâm lý trên mỗi người là khác nhau, bởi vì nghiện tâm lý tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh tương ứng với hoàn cảnh cụ thể ấy.

Ví dụ: Người nghiện thuốc lá tâm lý sẽ hút thuốc lá khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái, hút thuốc lá khi làm việc để tăng mức độ tập trung, hút thuốc lá trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng.

Nghiện hành vi là khi người nghiện hút thuốc lá như là một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Họ hút theo phản xạ chứ không phải do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Theo đó, hành vi hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Ví dụ: Sau khi ăn cơm xong thì hút, khi uống cà phê vào buổi sáng lại hút, gặp bạn hữu mời hút.

Một người hút thuốc lá được gọi là nghiện thực thể - dược lý khi việc hút thuốc lá đã trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được trong cuộc sống. Cơ thể họ cần nicotine để có thể hoạt động bình thường, vì khi thiếu nicotine sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc lá như là thèm hút thuốc lá mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này sẽ biến mất ngay khi họ hút thuốc lá trở lại.

CAI NGHIỆN KHÔNG QUÁ KHÓ

Biết được tác hại của việc hút thuốc là có hại cho sức khỏe, tốn kém... nhưng nhiều người không thành công trong quá trình cai nghiện. Về vấn đề này, BS Nguyễn Thị Vui, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh chia sẻ: Muốn cai nghiện thuốc lá thành công thì quyết tâm bỏ thuốc là quan trọng nhất; đồng thời bạn nên chọn các biện pháp hỗ trợ như:

Chọn ngày bỏ thuốc thích hợp, chẳng hạn như ngày cuối tuần; tuyên bố với bạn bè, người thân là mình đã bỏ thuốc lá và yêu cầu họ không mời thuốc lá; loại bỏ những vật gợi nhớ thuốc lá như gạt tàn, diêm quẹt, bật lửa và tránh những nơi thường hút thuốc trước đây. Bạn cũng cần chuẩn bị tư tưởng đối phó với các thách thức như sự lôi kéo của bạn nghiện và sức ép của công việc.

Khi cai thuốc lá bạn sẽ gặp một số triệu chứng khó chịu của người “đói” thuốc như nhức đầu, tâm trạng ức chế, nổi cáu, tức giận, bồn chồn, thèm thuốc, rối loạn tiêu hóa, khó tập trung tư tưởng, khó  ngủ, tăng cân. Tuy nhiên các triệu chứng này chỉ kéo dài từ 1 - 3 tuần.

Khi cai thuốc lá, phải chuẩn bị tư tưởng để đối phó với cơn thèm thuốc và các triệu chứng đói thuốc bằng cách: Luôn nhắc đến lý do để bạn quyết định bỏ thuốc, luôn tự nhủ việc này có thể rất khó khăn nhưng mình quyết làm được.

Bạn nên mua sẵn một số thứ thay thế cho hút thuốc lá như kẹo cao su, hạt dưa… Ngoài ra, có thể làm 5 điều sau đây: Uống 8 - 10 ly nước/ngày; thở sâu: hít thật chậm, sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái; làm một việc gì khác như đánh răng sau khi ăn, đi bộ; chuyện trò với bạn bè, nhất là những người đã bỏ thuốc; trì hoãn cơn thèm thuốc, khi quá thèm hãy đếm đến 100 hoặc đọc nhẩm bài thơ, hát một bài hát yêu thích...

Nhiều người khi cai thuốc lá thường mắc phải tình trạng khó ngủ và tăng cân nhanh. Theo BS Nguyễn Thị Vui, khi cai thuốc lên cân là do chuyển hóa trong cơ thể trở lại bình thường nên người nghiện mau đói và có nhu cầu ăn nhiều. Vì vậy hãy ăn làm nhiều bữa nhỏ với thức ăn ít năng lượng và uống nhiều nước.

Còn khó ngủ là do não đang học cách làm việc không có nicotine. Chất gây ngủ đang trong quá trình tự điều chỉnh lại. Có thể khắc phục bằng cách ngâm mình vào nước ấm, uống sữa nóng trước khi đi ngủ, đọc sách, nghe nhạc. Nói chung, các triệu chứng khó ngủ hay tăng cân là các triệu chứng hoàn toàn bình thường và chỉ kéo dài trong vài ngày.

MAI HÀ

.
.
.