Đề phòng bệnh sốt xuất huyết
Ngày 4-3, em Phạm Ngọc D., 14 tuổi, nhà ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành được bệnh viện huyện chuyển đến Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh trong tình trạng tay - chân lạnh, mạch khó bắt, đau bụng nhiều. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ cho biết, em bị bệnh sốt xuất huyết (SXH), đang trở nặng.
Anh của D. cũng bị sốt và vào nằm bệnh viện tối hôm trước, hôm sau đến lượt D., đã bị nóng 4 ngày, đau đầu, nhức mỏi tay chân, tối qua bị đau bụng ngày càng dữ dội, kèm theo nôn ói nên gia đình đưa vào bệnh viện huyện.
Sau 2 ngày cấp cứu, cháu D. đã khỏe, ăn uống được. Đây là trường hợp SXH nặng đầu tiên sau Tết Nguyên đán Ất Mùi mà Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh tiếp nhận.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 88 trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh SXH, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay đầu mùa khô mà có ca sốt SXH nặng xuất hiện và kèm theo số bệnh nhân mắc bệnh cao hơn năm trước là dấu hiệu cảnh báo năm 2015 bệnh SXH có thể gia tăng và diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành Y tế và bà con đề cao cảnh giác với căn bệnh này.
Đang vào mùa khô nên bà con chú ý tranh thủ loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt lăng quăng. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Thay nước các lu, khạp hàng tuần. Bỏ muối vào chậu kê chân tủ đựng chén.
Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng, kể cả ban ngày. Khi phát hiện trẻ sốt cao quá 2 ngày thì bà con đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời…
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC