Thứ Sáu, 27/03/2015, 16:24 (GMT+7)
.

Nông dân không nên "bán đổ bán tháo" lúa gạo

Vụ lúa đông xuân đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Với những gì đang diễn ra cho thấy rằng, người nông dân tiếp tục trúng mùa, với năng suất lúa đạt cao. Thế nhưng, thu nhập của người nông dân sẽ như thế nào vẫn còn là câu chuyện dài và đang được bàn cãi, bởi việc tiêu thụ lúa gạo luôn chịu tác động của quá nhiều yếu tố.

Cũng như mọi năm, vụ đông xuân là vụ lúa chính của cả Đồng bằng sông Cửu Long nên được người nông dân kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo gần đây lại một lần nữa dự báo là người nông dân sẽ khó thu lợi cao.

 Chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu tại Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát.
Chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu tại Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát.

Nhận định này được đưa ra dựa trên bức tranh tổng thể của thị trường lúa gạo trong nước và thế giới. Bởi theo nhận định của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trên phương diện tổng thể, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết thúc năm 2014, cả nước vẫn còn tồn 700.000 tấn gạo được chuyển sang năm 2015; trong khi lượng gạo hàng hóa được dự báo trong vụ đông xuân năm nay khoảng 4,3 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo hàng hóa lên 5 triệu tấn.

Trong khi theo thông tin từ VFA, đến thời điểm hiện nay, tính cả hợp đồng thương mại và tập trung, cũng chỉ mới ký hơn 2 triệu tấn gạo, nếu cộng cả 1 triệu tấn gạo thu mua tạm trữ thì vẫn còn gần 2 triệu tấn gạo cần phải giao dịch. Do vậy, áp lực tiêu thụ lúa gạo vẫn còn rất lớn; trong khi đó gạo Việt Nam vẫn phải chịu cạnh tranh về giá với gạo của Thái Lan và các nước xung quanh.

Áp lực là thế, nhưng thông tin mới nhất được ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, một trong những DN xuất khẩu gạo có quy mô lớn của tỉnh khuyến cáo rằng, người nông dân đừng nên “bán đổ bán tháo” lúa gạo.

Cơ sở được ông đưa ra là nhìn chung năm nay, sau khi Chính phủ cho chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo cùng với các hợp đồng tập trung do các tổng công ty ký được 240.000 tấn gạo đi Malaysia và 300.000 tấn gạo đi Philippines, nên giá lúa trong nông dân có nhích lên khoảng 300 đồng/kg, tạo điều kiện cho người nông dân phát triển sản xuất.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới vẫn còn rất lớn. Các thị trường tiêu thụ tập trung như Indonesia, Philippines hay Cuba vẫn phải tiếp tục nhập khẩu gạo. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đang rất khởi sắc. Cụ thể, theo dự báo, tới đây Trung Quốc sẽ mua gạo với số lượng lớn, kể cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Từ các yếu tố đó, việc tiêu thụ gạo của Việt Nam trong năm 2015 không đến nỗi quá khó khăn. Do vậy, người nông dân không cần phải “bán tháo bán đổ” để tạo thêm áp lực tiêu thụ lúa gạo trên thị trường. Bà con nông dân cũng nên yên tâm sản xuất.

Điểm nhấn được đề cập ở đây chính là thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, hàng năm chiếm hơn 1/3 tổng lượng gạo mà Việt Nam xuất khẩu, kể cả theo đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Riêng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hàng năm dự kiến cũng đạt ít nhất là 1 triệu tấn, mặc dù luôn hàm chứa những yếu tố bất ổn. Nhưng dẫu sau, nếu theo đúng như nhận định của các DN xuất khẩu, việc tiếp tục mở cửa nhập khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng là một trong những tín hiệu tốt nhằm giảm áp lực tiêu thụ gạo trong nước.

“Công ty Việt Hưng đã ký hợp đồng được 20.000 tấn gạo xuất đi thị trường Trung Quốc, Hồng Kông. Hiện tại, công ty đã xuất được gần 4.000 tấn, dự kiến đến tháng 4 là kết thúc số gạo theo hợp đồng đã ký” - ông Nguyễn Văn Đôn cho biết.

Một trong những yếu tố cũng được đánh giá là hiệu quả, giúp giá lúa gạo trong nước không bị tuột dốc khi vào thu hoạch chính vụ vụ đông xuân năm nay là việc thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ được triển khai sớm. Bởi theo các DN, trước khi triển khai thu mua tạm trữ, giá lúa IR50404 chỉ còn 4.000 đồng/kg.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh đều thu mua gần đạt chỉ tiêu tạm trữ theo sự phân bổ của VFA. DN được phân bổ nhiều nhất là Công ty Lương thực Tiền Giang, với số lượng gạo thu mua tạm trữ là 24.000 tấn quy gạo, dự kiến cũng sẽ hoàn thành chỉ tiêu vào đầu tháng 4 hay Công ty TNHH Việt Hưng được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ 10.000 tấn, đến nay cũng đã hoàn thành chỉ tiêu thu mua theo phân bổ…

THẾ ANH

.
.
.