Thứ Tư, 15/04/2015, 14:05 (GMT+7)
.

Cai nghiện thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của bản thân người nghiện...

Đã “nói không với thuốc lá” được chục năm nay, nhưng để làm được điều đó tôi đã trải qua một thời gian dài với nhiều lần đấu tranh vật vã, chứ không phải dễ dàng gì, dù không thuộc loại nghiện nặng. Thế nên, sau khi đọc bài viết  Cai nghiện thuốc lá không phải là quá khó của tác giả Mai Hà, đăng trên trang 10, Báo Ấp Bắc số 3260, ra ngày thứ tư 11-3-2015, tôi xin được trao đổi thêm đôi điều.

Tất cả những gì mà tác giả viết cũng như ý kiến của chuyên gia y tế về các biện pháp cai nghiện được dẫn trong bài báo đều đúng và rất hay về mặt lý thuyết, nhưng trong thực tế có không ít người dù rất quyết tâm, thậm chí là lập lời thề độc nhưng “lại đào điếu lên”, không phải một lần, mà vài ba lần, rồi cuối cùng tuyên bố “thà bỏ vợ chứ không thể bỏ thuốc lá”.

Lấy viên chức của 2 ngành Y tế và Giáo dục làm minh chứng. Chắc chắn 100% viên chức của 2 ngành này biết và biết rất rõ tác hại của thuốc lá. Họ được chọn là lực lượng tiên phong, chủ công trong Cuộc vận động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bệnh viện nào, trường học nào cũng quyết tâm phấn đấu thành nơi “không khói thuốc lá” và đi chỗ nào trong khuôn viên một cơ sở y tế hay một trường học là người ta bắt gặp nhan nhản khẩu hiệu, hình ảnh có chủ đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Thực tế đó nói lên một điều rằng, ai - nhất là những thầy thuốc và thầy giáo đều biết và biết rất rõ tác hại cũng như cách phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng vì sao vẫn còn cán bộ, viên chức của 2 ngành này nghiện thuốc lá, đã cai nhưng chưa bỏ được?

Trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành chuyên môn trong bộ máy Nhà nước các cấp vẫn còn nhiều người chưa từ bỏ được thói quen hút thuốc lá hoàn toàn.

Rất đồng ý với tác giả Mai Hà và chuyên gia y tế rằng “muốn cai nghiện thuốc lá thành công thì quyết tâm bỏ thuốc lá là quan trọng nhất”. Tuy nhiên, nếu chỉ có quyết tâm, tức là ý chí chủ quan của từng người thôi thì chưa đủ, mà cần phải có những điều kiện khách quan nhất định mới bảo đảm cho ý chí cá nhân được thực hiện.

Những điều kiện khách quan đó là gì?

Trước hết, là sự chế tài của pháp luật. Quy định của pháp luật thì có rồi, nhưng bằng những thông tin có được có thể khẳng định: Cho đến giờ này, chưa có một cá nhân nào bị xử phạt do hành vi hút thuốc lá ở những nơi cấm trong tỉnh ta và cũng chưa có ai bị xử phạt vì bán thuốc lá cho đối tượng mà pháp luật quy định là không được bán…

Không phải công dân không chấp hành pháp luật, mà vì pháp luật không được thực thi một cách kiên quyết, nghiêm minh. Biết là cấm mà làm thì không bị cơ quan chức năng ngăn cản, xử phạt nên họ cứ làm.

Hai là, phòng, chống tác hại của thuốc lá là một cuộc chiến thực sự, mang tính toàn cầu, là một cuộc vận động lớn của Quốc gia, nhưng có hay không có hút thuốc lá chưa được xem là một tiêu chí phấn đấu, một tiêu chuẩn đánh giá về phẩm chất đạo đức của một con người trong xã hội nói chung và của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước nói riêng.

Đã có vị cán bộ, công chức, viên chức nào trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội bị kỷ luật hoặc ít nhất là không công nhận đạt các danh hiệu thi đua, không được kết nạp, không được đề bạt vì lý do… nghiện và không chịu cai nghiện thuốc lá chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa.

Người viết bài này từng đấu tranh và đành chịu thất bại về chuyện đặt ra yêu cầu phải cai nghiện thuốc lá đối với một đối tượng được đưa vào diện xem xét bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp Đảng và đề bạt chức vụ quản lý, nhưng bị số đông, mà dẫn đầu là người lãnh đạo đơn vị phủ quyết, vì cho rằng việc hút thuốc lá, nghiện thuốc lá thuộc về sinh hoạt cá nhân, không ảnh hưởng gì đến tư tưởng chính trị, đạo đức và năng lực công tác.

Đàng sau những khẩu hiệu hoành tráng, tranh ảnh bắt mắt với chủ đề “không khói thuốc lá”  ở các bệnh viện, các trường học và các cơ quan Nhà nước thì đâu đó trong những góc khuất của những cơ sở này khói thuốc vẫn vấn vương, tuy có ít hơn và “bí mật” hơn.

Ba là, môi trường sinh hoạt có tính tập thể cũng là yếu tố rất quan trọng, nhất là đối với những người hay bia rượu, tiệc tùng. Sự kích thích của hơi men, sự khiêu khích, cả nể và tự ái, sĩ diện cá nhân làm cho cái ý chí cai thuốc vốn mới được manh nha, còn yếu ớt đã sớm ngã gục.

Bốn là, theo người viết thì đây có lẽ yếu tố khách quan quan trọng nhất, có tính quyết định nhất chính là vai trò của những người phụ nữ, mà trước hết là người mẹ, người vợ, con gái và kể cả người yêu, những người bạn và đồng nghiệp.

Đôi khi người nghiện thuốc lá bất chấp các biện pháp chế tài của pháp luật hay quy định, quy chế của cơ quan quản lý, nhưng sẽ cố gắng để thay đổi hành vi bởi những tác động xem ra rất nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục và rất có uy lực của những lời khuyên nhủ thầm thì, thậm chí là mặc cả của những người phụ nữ xung quanh mình.

Nói tóm lại, “muốn cai nghiện thuốc lá thành công thì quyết tâm bỏ thuốc lá là quan trọng nhất”, tuy nhiên những điều kiện, hoàn cảnh khách quan cũng quan trọng không kém, thậm chí còn mang tính chất quyết định như trên đã nêu. Chính vì vậy, cai nghiện thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của bản thân người nghiện, mà là của cả cộng đồng, trước hết là tổ chức, những cá nhân có liên quan trực tiếp với họ, nhất là những người phụ nữ.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.