Thứ Sáu, 10/04/2015, 07:43 (GMT+7)
.

Công tác tuyển sinh học nghề: Làm sao để tuyển được nhiều chỉ tiêu?

Những năm gần đây, công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn. Do nhiều nguyên nhân nên hầu hết các trường cao đẳng nghề (CĐN) không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Thực trạng này được các trường CĐN nhìn nhận trong Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh học nghề năm 2014. Cũng tại hội nghị này, các trường cũng đã đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh để thu hút học viên…

KHÓ TUYỂN ĐỦ

Năm 2014, Trường CĐN Tiền Giang chỉ tuyển được 466/1.260 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 36,9%, giảm 24% so với năm 2013), mặc dù công tác tuyển sinh được trường tổ chức khá tốt. TS. Phạm Châu Long, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong năm qua, trường đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng Trung tâm tư vấn - Tuyển sinh và gần 100 triệu đồng cho công tác tuyên truyền tư vấn.

Các hoạt động tuyển sinh được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức đố vui có thưởng khi tư vấn; thông báo tuyển sinh trên Đài PT-TH Tiền Giang và hệ thống đài huyện; tư vấn qua điện thoại cho các em có nhu cầu; tổ chức cho học sinh khối lớp 9 đến tham quan trường…

Tuy nhiên, TS. Phạm Châu Long nhìn nhận: Công tác tuyển sinh của trường ngày càng khó khăn hơn do trên địa bàn tỉnh có quá nhiều cơ sở đào tạo nghề khiến sự cạnh tranh ngày một gay gắt và những cải cách về tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT cũng đã thu hút gần hết nguồn tuyển sinh học nghề…

Dù các trường cao đẳng nghề thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu (ảnh chụp học viên Trường CĐN Tiền Giang trong giờ thực hành).
Dù các trường cao đẳng nghề thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu (ảnh chụp học viên Trường CĐN Tiền Giang trong giờ thực hành).

Trong năm 2014, Trường CĐN tỉnh An Giang chỉ tuyển được 789/1.960 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 40,26%) dù rất chú trọng đến công tác tuyển sinh. Cụ thể, trường đã tổ chức rất tốt công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của trường trên các phương tiện truyền thông; phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp và giới thiệu ngành nghề cho các em…

Tương tự, Trường CĐN tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ tuyển được 863/1.080 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng nghề và trung cấp nghề. Để có được kết quả tuyển sinh nêu trên, nhà trường đã phải thực hiện khá nhiều giải pháp trong công tác tuyển sinh như:

Thực hiện phương châm “Toàn trường làm công tác tuyển sinh”; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và cải tiến hình thức tuyên truyền sao cho hấp dẫn; làm việc với Sở Nội vụ về việc đào tạo trung cấp nghề để chuẩn hóa cán bộ cấp xã đối với một số nghề; ký kết liên tịch với Sở GD-ĐT về phối hợp tổ chức phân luồng học sinh sau THCS…

Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường vẫn phải nhìn nhận một thực tế: Chi phí cho công tác tuyển sinh khá lớn; việc phân luồng học sinh chỉ được thực hiện ở một số điểm trường vùng sâu, những trường có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn chứ chưa thực hiện được đồng loạt ở tất cả các trường và chưa thực hiện sàng lọc chất lượng đầu vào.

NHIỀU GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYỂN SINH

Tùy theo tình hình thực tế mà mỗi trường đề ra giải pháp khá thiết thực. Theo TS. Phạm Châu Long, Hiệu trưởng Trường CĐN Tiền Giang, trong năm tới nhà trường thực hiện giải pháp đưa thông báo tuyển sinh về các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh; tăng cường quảng bá thông tin, hình ảnh nhà trường, cung cấp thông tin tuyển sinh qua website của trường và mạng xã hội.

Bên cạnh đó, xây dựng một lực lượng tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, trách nhiệm, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ định hướng chọn nghề cho người muốn vào học; phối hợp với Tỉnh đoàn và các Đoàn trường tổ chức tư vấn cho học sinh.

Trường còn đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh như: Đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh vừa sức; chú trọng nhiều hơn vào công tác tuyển sinh đào tạo ngắn hạn nhằm phục vụ yêu cầu của người học và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo tại chỗ nhằm xây dựng thương hiệu nhà trường…

Trường CĐN Sóc Trăng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh năm 2015. Cụ thể, trường sẽ tiếp tục duy trì những biện pháp đã thực hiện trong năm 2014; đồng thời đề ra những giải pháp mới như:

Tổ chức Ngày hội việc làm với nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm của trường để quảng bá về trường; tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề cho cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trung cấp nghề; in ấn tài liệu hướng nghiệp học nghề cho các trường THCS, THPT để lồng vào các buổi hướng nghiệp cho học sinh; mở thêm văn phòng tuyển sinh tại trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc tuyển sinh…

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ cũng có nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp và công tác quản lý, quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương cũng như quy hoạch hệ thống trường nghề và các cơ sở dạy nghề; thực hiện nghiêm túc chủ trương phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Đặc biệt, trường rất quan tâm đến chất lượng đào tạo và phối hợp tốt với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường…

MINH CHÂU

.
.
.