Thứ Tư, 13/05/2015, 13:58 (GMT+7)
.

Hạn chế tai nạn giao thông do rượu, bia

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia. Khi có chất men trong người, người điều khiển phương tiện thường vượt sai quy định, đi sai phần đường, chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Tại Tiền Giang, trong năm 2014, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm tỷ lệ 3,8% và có xu hướng ngày càng tăng.

Pano tuyên truyền về lạm dụng rượu, bia trong tham gia giao thông. Ảnh: Vân Anh
Pano tuyên truyền về việc lạm dụng rượu, bia trong tham gia giao thông. Ảnh: Vân Anh

Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu, bia rất lớn. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1 lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1 lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1 lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể không kiểm soát được khả năng điều khiển phương tiện…

Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức cao. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong tổng số 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến chất có cồn trên toàn cầu, có đến 15% số tử vong do TNGT có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia.

Cũng theo nghiên cứu của WHO, khi tiến hành khảo sát trên 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Để nâng cao nhận thức và ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT, phòng tránh TNGT, góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, Luật Giao thông đường bộ quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi môtô, xe máy.

Nghị định 34/CP/2010 cũng quy định mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; phạt từ 2 - 3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1 lít khí thở.

Do đó, để xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, xin đề xuất một số giải pháp sau: Phạt tiền, dựa trên thu nhập bình quân của nhóm đối tượng sử dụng phương tiện, với xe máy, có thể ở mức 1 tháng lương 3 - 6 triệu đồng cho vi phạm lần đầu, với xe ô tô, có thể từ 10 - 20 triệu cho vi phạm lần đầu.

Phạt điểm trên bằng lái, có thể phân 3 loại vi phạm: nhẹ 2 điểm, trung bình 4, nặng 6 điểm, nếu có trên 10 điểm phạt sẽ bị tước bằng 1 - 2 năm... Treo hoặc tịch thu bằng lái, có thể tước giấy phép lái xe từ 3 - 12 tháng đến 2 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Tạm giữ, có thể áp dụng với tất cả các trường hợp có nồng độ cồn quá mức cho phép, cũng có thể áp dụng hình phạt này với các trường hợp vi phạm như lái nhanh hơn tốc độ giới hạn tới 30 km, đua xe trên đường phố, không tuân thủ hiệu lệnh dừng của CSGT, chở quá số người quy định.

Tịch thu phương tiện, có thể áp dụng với trường hợp tái vi phạm lần 2 hoặc 3 với nồng độ cồn quá mức cho phép, có nồng độ cồn quá cao gấp trên 3 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2, chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên.

Để các giải pháp phát huy tối đa hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với cương quyết xử lý vi phạm. Tuyên truyền giáo dục sẽ chỉ có hiệu quả nếu đi kèm với chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc. Ngược lại sẽ không thể xử lý hết trường hợp vi phạm nếu không làm công tác tuyên truyền giáo dục hiệu quả.

Được biết, trước tình trạng người say rượu lái xe không có chiều hướng giảm, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa với người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá quy định. Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải, góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở).

N.Q.T

.
.
.